Xuất khẩu khởi sắc, kỳ vọng đạt 350 tỉ USD
Nhiều nhóm hàng chủ lực tăng trưởng khá
Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 32,25 tỷ USD (tăng 5,1% so với tháng 9/2023).
Trong tháng 10 có 8 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Đáng chú ý có 5 nhóm tăng trưởng dương so với tháng trước. Nổi bật nhất là giày dép với mức tăng trưởng đến 30,3% (đạt kim ngạch 1,74 tỷ USD). 4 nhóm hàng còn lại là: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 17,3% (đạt hơn 1 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,9% (đạt 1,28 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 9,9% (đạt 4,47 tỷ USD); điện thoại và linh kiện tăng 3,3% (đạt 5,2 tỷ USD).
Các nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô” còn lại gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,1 tỷ USD (giảm 6,8%); dệt may đạt 2,57 tỷ USD (giảm nhẹ 0,1%); phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,17 tỷ USD (giảm 3,5%).
Một kết quả đáng chú ý khác trong các nhóm hàng chủ lực là điện thoại và linh kiện đã có lần hiếm hoi trong năm 2023 lấy lại ngôi vị xuất khẩu số 1 của Việt Nam trong tháng sau nhiều lần bị nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện soán ngôi.
Dù vậy, tính chung 10 tháng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 46,52 tỷ USD, trong khi điện thoại và linh kiện đứng thứ hai với 44,13 tỷ USD.
Kết quả xuất khẩu trong tháng 10 tiếp tục là sự khởi sắc đáng ghi nhận khi đây là tháng thứ 4 liên tiếp (kể từ tháng 7), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mốc từ 30 tỷ USD trở lên/tháng.
Cụ thể, tháng 7 đạt 30,07 tỷ USD; tháng 8 đạt con số cao nhất là 32,76 tỷ USD; tháng 9 đạt 30,68 tỷ USD.
Kỳ vọng tiếp đà khởi sắc
Như vậy, sau nửa đầu năm nhiều ảm đạm, những kết quả tích cực gần đây giúp hoạt động xuất khẩu đang thu hẹp dần sự sụt giảm so với năm 2022.
Nếu như hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cả nước mới đạt hơn 165 tỷ USD, (giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái), thì đến hết tháng 10 kim ngạch đã lên 291,46 tỷ USD (chỉ giảm 7% so với cùng kỳ 2022).
Như đề cập ở trên, từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu đều đạt hơn 30 tỷ USD/tháng và 4 tháng gần đây đạt tổng kim ngạch 125,76 tỷ USD, tương đương mức bình quân 31,44 tỷ USD/tháng.
Con số bình quân đạt được trong 4 tháng gần đây cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 27,61 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023.
Không chỉ giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, những tín hiệu khởi sắc gần đây giúp chúng ta kỳ vọng hoạt động xuất khẩu năm 2023 về đích ở con số hơn 350 tỷ USD.
Kết quả trên dù chưa bằng mức kỷ lục hơn 371 tỷ USD của năm 2022, nhưng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh suốt nhiều tháng khởi đầu của năm 2023 hoạt động xuất nhập khẩu cả nước đối mặt nhiều thách thức và sụt giảm sâu.
Hy vọng xuất khẩu tiếp tục tăng tốc trong 2 tháng cuối năm là có nhiều cơ sở, bởi ngoài sự bứt phá liên tiếp gần đây, dịp cuối năm là thời điểm có nhu cầu mua sắm lớn của người tiêu dùng trên toàn thế giới để phục vụ mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch.
Mặt khác, trong nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đang tiếp tục có nhiều nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Những tín hiệu tích cực có thể nhìn thấy ở nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Ngoài những nhóm hàng “chục tỷ đô” như nhắc đến ở trên, các ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao và có đóng góp quan trọng vào kim ngạch chung của cả nước.
Hết tháng 10, có 10 nhóm hàng của ngành nông nghiệp đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó nhiều nhóm hàng tăng trưởng cao.
Điển hình là rau quả đạt 4,82 tỷ USD (tăng tới 75,5%); gạo đạt 3,95 tỷ USD (tăng 34%); hạt điều đạt 2,95 tỷ USD (tăng 15,9%); thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 1 tỷ USD (tăng 6,5%).
PV