Người Việt chưa quen biến tài sản trí tuệ thành tiền
Chương trình do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức.
Tại sự kiện, PGS Đức cho rằng nhiều kết quả, sản phẩm sáng tạo đang ứng dụng thành công trong sản xuất và đời sống. "Nếu được quan tâm đầu tư bảo hộ và khai thác tốt, chúng sẽ trở thành một loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ, có giá trị khoa học, thương mại cao, tạo động lực cho các hoạt động sáng tạo", ông nói. Song cho rằng nhiều người "chưa quen với cách bảo hộ tài sản, đưa tài sản thành tài sản trí tuệ có giá trị, thành tiền thông qua thương mại hóa".
Ông dẫn giải pháp "Công nghệ sử dụng phế thải nhựa sản xuất bê tông nhựa tại trạm cho lợi ích kép tăng khả năng kháng lún vệt bánh xe và giảm ô nhiễm môi trường" được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, đạt giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, mang lại lợi ích cho ngành giao thông vận tải. PGS Đức thẳng thắn nhìn nhận nhiều kết quả nghiên cứu của trường được quốc tế thừa nhận, góp phần phát triển kinh tế xã hội, song kết quả hữu hình lại hạn chế.
Dẫn chứng với TP Hà Nội, những sản phẩm sở hữu trí tuệ lĩnh vực nông nghiệp như "Gà mía Sơn Tây", "bánh dày Quán Gánh" hay việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm du lịch Ba Vì góp phần tạo ra hiệu quả cho kinh tế địa phương, đưa Hà Nội trở thành địa phương có Chỉ số Đổi mới Sáng tạo cấp địa phương (PII) đứng đầu cả nước.
Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Huy Anh, Việt Nam thời gian qua có nhiều bước chuyển mình dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và đề cao tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Chủ đề IPDAY 2024 "Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo" hướng tới khám phá cách thức mà sở hữu trí tuệ thúc đẩy và tăng cường tác động của các giải pháp đổi mới sáng tạo. Ông Huy Anh hy vọng thông điệp này là cơ hội để khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, đem sở hữu trí tuệ cải thiện cuộc sống, đảm bảo nguồn nước sạch, an ninh lương thực, phát triển năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải để hướng tới giao thông bền vững.
Từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn ngày 26/4 là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới với mục đích nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, mở rộng tầm ảnh hưởng của quyền sở hữu trí tuệ trên toàn cầu. Bộ Khoa học và Công nghệ hàng năm cũng tổ chức nhiều hoạt động mít tinh, hội thảo, các cuộc thi về chủ đề sở hữu trí tuệ... nâng cao nhận thức cộng đồng.
T/H