Nghi vấn bị sao chép kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp 'mòn mỏi' chờ phản hồi
Ông Trần Kiều Hưng - đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Đại Phát Đạt (Công ty Đại Phát Đạt) - cho biết không ít lần phải trực tiếp gửi đơn đến các đơn vị sản xuất có dấu hiệu làm giả sản phẩm "bộ phận chặn keo" mà ông Hưng đã được cấp văn bằng bảo hộ.
Điển hình là từ năm 2018, ông nhận thấy tình hình kinh doanh của đơn vị mình bị sụt giảm nghiêm trọng nên tiến hành tìm hiểu. Ông phát hiện một doanh nghiệp khác cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sản phẩm có nhiều điểm tương tự với sản phẩm mà ông đang kinh doanh.
Nghi vấn kiểu dáng công nghiệp được cấp tương tự nhau
Năm 2011 và năm 2014, Hộ kinh doanh cá thể Đại Phát Đạt có đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm "bộ phận chặn keo" (bộ phận dùng để chặn keo trong khuôn giày để sản xuất đế giày dép hoặc các sản phẩm khác tương tự - PV).
Kiểu dáng công nghiệp này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo số 16605 ngày 6/4/2012 và số 22341 ngày 20/6/2016, với tác giả là ông Trần Kiều Hưng.
Trong thời gian từ năm 2018 - 2021, doanh số kinh doanh của bộ sản phẩm này bị sụt giảm 50% so với các năm trước. Từ đây, ông Trần Kiều Hưng nghi ngờ có đơn vị đã sản xuất giả mạo sản phẩm của ông.
Qua quá trình tìm hiểu, ông Hưng phát hiện Công ty TNHH MTV Sun Song (địa chỉ tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) kinh doanh mua bán sản phẩm có nhiều điểm tương đồng với sản phẩm của ông và cũng được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Sun Song nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp "Đầu bơm liệu khuôn giày" theo đơn số 3-2017-00100 ngày nộp đơn 18/1/2017 và được cấp văn bằng độc quyền số 26694 ngày 11/6/2018; đơn số 3-2018-00695 nộp ngày 18/1/2017 và được cấp văn bằng độc quyền số 28411 ngày 26/03/2019.
Sau khi xác nhận chính xác thông tin, Công ty Đại Phát Đạt ngay lập tức gửi đơn cho Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị hủy bỏ hiệu lực các văn bằng trên của Công ty TNHH MTV Sun Song với số đơn lần lượt là ĐN1-2022-00252 ngày 20/10/2022 và ĐN1-2022-00255 ngày 25/10/2022.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ vẫn chưa phản hồi bất cứ thông tin gì về sự việc trên.
Đồng thời, đại diện Công ty Đại Phát Đạt cũng gửi mẫu sản phẩm của Công ty TNHH MTV Sun Song đến Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ để giám định.
Kết quả giám định số KD092-22YC/KLGD ký ngày 9/11/2022 và KD93-22YC/KLGD ký ngày 10/11/2022 xác nhận: "Kiểu dáng bộ phận chặn keo Sun Song – thể hiện ở tài liệu giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với KDCN Bộ phận chặn keo đang được bảo hộ theo BĐQKDCN số 22341 của Công ty TNHH SX và TM DV Đại Phát Đạt".
Bên cạnh đó, kết quả giám định ký ngày 9/11/2022 cũng xác nhận: "Kiểu dáng bộ phận chặn keo Sun Song – thể hiện ở tài liệu giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp Bộ phận chặn keo đang được bảo hộ theo BĐQKDCN số 16605 của Công ty TNHH SX và TM DV Đại Phát Đạt".
Trao đổi với phóng viên Tạp chí, đại diện Công ty TNHH MTV Sun Song cho biết kiểu dáng bộ phận chặn keo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp và công ty đang sử dụng quyền mà Cục này cấp để bán sản phẩm ra thị trường.
Như vậy, Cục Sở hữu trí tuệ cần sớm có câu trả lời để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm.
Pháp luật quy định như thế nào?
Theo Luật sư Hà Thị Kim Liên - Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam tại Hà Nội, việc kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp đăng ký trước (KDCN 1) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ có thể được hiểu là kiểu dáng công nghiệp đó đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện bao gồm tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.
Do đó, khi một doanh nghiệp khác đăng ký sau một kiểu dáng công nghiệp (KDCN 2) mà nhận định sơ bộ bước đầu có thể là mang tính chất tương tự với KDCN 1 và cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ thì cần xem xét đánh giá cụ thể và có thể xảy ra hai trường hợp sau:
Trường hợp thứ nhất: KDCN 2 đáp ứng yêu cầu bảo hộ theo quy định của pháp luật. Theo đó, mặc dù từ những nhận định ban đầu cả hai KDCN này có nhiều tính tương đồng, tương tự, tuy nhiên trong quá trình thẩm định cho thấy KDCN 2 đáp ứng đầy đủ điều kiện về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp thì KDCN 2 hoàn toàn đáp ứng được điều kiện bảo hộ. Khi đó, nhận định ban đầu xác định tính tương tự có thể chưa hoàn toàn chính xác.
Trường hợp thứ hai: Doanh nghiệp nhận định KDCN 2 mang tính chất tương tự và có đầy đủ căn cứ để chứng minh được rằng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, yếu tố tương tự này đã đầy đủ để có thể xem KDCN 2 là không đáp ứng được điều kiện được bảo hộ về tính mới, do KDCN 1 đã bộc lộ trước KDCN 2.
Khi đủ căn cứ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho quyền sở hữu trí tuệ của mình doanh nghiệp có thể yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với KDCN 2, cụ thể tại Điều 96, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có quy định.
"Như vậy, một khi có đầy đủ căn cứ cho thấy rằng KDCN 2 không đủ điều kiện được bảo hộ, doanh nghiệp hãy nhanh chóng thực hiện thủ tục yêu cầu “hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ” để bảo vệ quyền lợi liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp của mình một cách toàn diện nhất, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh ổn định, bền vững của doanh nghiệp", Luật sư Hà Thị Kim Liên chia sẻ.
Võ Liên
TIN LIÊN QUAN
-
Luật Sở hữu trí tuệ 2022: Những điểm mới trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp
-
Những điểm mới cần biết về Quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp
-
Đà Nẵng: Hướng dẫn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp
-
Xe máy điện Piaggio One được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam
Tin khác
- giá motor giảm tốc Dolin chính hãng
- Cung cấp kệ công nghiệp