Luật Sở hữu trí tuệ 2022: Những điểm mới trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp
Theo luật sư Dung, đối với những sáng chế, kiểu dáng công nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước, thì tổ chức chủ trì thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ có trách nhiệm đứng tên đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp phát sinh từ hoạt động nghiên cứu do tổ chức thực hiện. Ngoài ra, tổ chức chủ trì có nghĩa vụ thông báo cho đại diện chủ sở hữu nhà nước về việc tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trong thời hạn 30 ngày. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông báo, tổ chức chủ trì phải nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu như doanh nghiệp, tổ chức chủ trì thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ không muốn nộp đơn đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thông báo với đại diện chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ thông báo cho các bên khác trong vòng 90 ngày. Sau thời hạn thông báo, đại diện chủ sở hữu nhà nước có quyền giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định.
Luật sư Dung nhấn mạnh: “Đối với những sáng chế sử dụng ngân sách nhà nước thì chỉ được chuyển giao cho tổ chức/cá nhân Việt Nam, tức là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam. Như vậy là sẽ không được chuyển giao cho tổ chức nước ngoài”. Việc không được chuyển giao đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp cho các tổ chức nước ngoài là một trong những bất cập mà luật sư Dung nhắc tới.
Một trong những thay đổi lớn nữa trong luật sở hữu trí tuệ là nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Quy định cũ về luật sở hữu trí tuệ có thiên hướng là bảo vệ người sáng tạo hơn, còn quy định mới là bảo vệ các công ty, doanh nghiệp sở hữu sáng chế nhiều hơn. Nếu như công ty đầu tư chi phí, vật chất cho người làm thuê cho công ty đó để tạo ra sáng chế, thì sáng chế đó thuộc quyền sở hữu của công ty, chứ không thuộc quyền sở hữu của tác giả sáng chế. Tuy nhiên, chủ sở hữu sáng chế phải có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế về kiểu dáng công nghiệp.
Theo quy định cũ, mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả sáng chế được tính bằng số tiền làm lợi (số tiền mà chủ sở hữu thu được trực tiếp từ việc sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí) và tổng số tiền thanh toán khi chuyển giao quyền sở hữu (số tiền mà chủ sở hữu thu được khi chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho bên thứ ba). Còn theo như quy định mới, nếu như không có thỏa thuận, mức thù lao được trả cho tác giả được quy định bằng hai trường hợp. Tác giả được trả 10% lợi nhuận trước thuế với trường hợp chủ sở hữu sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí hoặc nhận 15% tổng số tiền thanh toán khi chuyển giao quyền trước khi nộp thuế trong trường hợp sáng chế được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho bên thứ ba.
Những quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài cũng có những thay đổi. Theo quy định cũ, sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam và sáng chế được tạo ra tại Việt Nam phải nộp đơn đăng ký sáng chế đầu tiên tại Việt Nam và đợi kết thúc 6 tháng kể từ ngày nộp đơn mới được nộp đơn đăng ký sáng chế đó tại nước ngoài. Luật sư Dung đánh giá những quy định từ bộ luật cũ còn tồn tại nhiều bất cập so với những quy định từ bộ luật mới sửa đổi năm 2022.
Đối với quy định mới, điều kiện để nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam: Sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh: Đây là những lĩnh vực được quy định cụ thể trong Phụ lục VII Nghị định 65/2023/NĐ-CP, bao gồm: vũ khí; vật liệu nổ; trang thiết bị quân sự; thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động tình báo, điều tra tội phạm; công cụ, phương tiện, thiết bị sử dụng liên quan đến an ninh, trật tự; sáng chế được tạo ra tại Việt Nam: Sáng chế được thực hiện nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam, không bao gồm sáng chế được chuyển giao từ nước ngoài; sáng chế thuộc quyền đăng ký của: cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam: Người sáng chế là người Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam, tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam: Tổ chức có trụ sở chính tại Việt Nam và được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Những quy định về việc hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế, những quy định mới bổ sung thêm các trường hợp, nổi bật nhất là: bằng độc quyền sáng chế có thể bị hủy đối với đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế; hay đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen cũng có thể bị hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế…
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2022) đã mang lại nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng. Những thay đổi này nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, khuyến khích sáng tạo, đổi mới và thu hút đầu tư vào khoa học và công nghệ.
Hoàng Kim
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- đầu giảm tốc Dolin Đài Loan
- Quạt hút công nghiệp System Fan