SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 09/10/2024
  • Click để copy

Sản phẩm OCOP khó tiếp cận người tiêu dùng

11:36, 12/06/2023
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần giúp khu vực nông thôn phát triển sản phẩm hàng hóa đặc thù. Nhưng nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP vẫn khó mở rộng thị trường tiêu thụ, bởi khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là người dùng không biết đến sản phẩm OCOP và thiếu kênh phân phối.

Chương trình Quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (One Commune One Product - OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Đến nay, cả nước có khoảng 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể OCOP được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.

Chương trình OCOP đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm đặc trưng vùng miền. Một số sản phẩm của OCOP đã trở thành mặt hàng quen thuộc của người tiêu dùng cả nước và ngày càng khẳng định được thế mạnh trên thị trường.

Người tiêu dùng không biết đến sản phẩm OCOP

Trong khi các doanh nghiệp, hợp tác xã đang cố gắng xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP chất lượng để đưa đến tay người tiêu dùng, nhiều người lại không biết sản phẩm OCOP là gì? Vì sao sản phẩm OCOP lại có giá thành cao hơn so với các sản phẩm thông thường khác?

Thực tế, người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP rất ít, thậm chí nhiều người còn không biết sản phẩm OCOP là gì. 

Là người thường xuyên theo dõi tin tức, chị Thanh Nga (29 tuổi, ngụ Quận Tân Bình) đã nhiều lần nghe đến cụm từ "sản phẩm OCOP" nhưng hoàn toàn không biết sản phẩm này có gì đặc biệt hơn so với những sản phẩm khác.

“Có dịp tôi đã đến tham quan và mua một vài sản phẩm tại hội chợ, triển lãm trưng bày các sản phẩm OCOP tổ chức ở TP.HCM. Vào trong tôi thấy không có gì nổi bật cả, cũng không biết đâu là sản phẩm đạt OCOP, đâu là sản phẩm thường. Bởi ở hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP mà mặt hàng nào cũng có từ áo quần giày da, canh cảnh,... nhìn vào giống như một phiên chợ mua sắm hơn”, chị Thanh Nga cho biết.

52749717052cdb72823d

Người dân đến tham quan, mua sắm tại các hội chợ, triển lãm OCOP nhưng không biết sản phẩm OCOP là gì.

Nếu không được doanh nghiệp giới thiệu, chia sẻ về tiêu chí để giúp sản phẩm đạt chứng nhận OCOP thì chị Nga không biết cách phân biệt các sản phẩm với nhau. Đặc biệt là lý do làm cho sản phẩm OCOP có giá thành cao hơn các sản phẩm thông thường (nguồn gốc nguyên vật liệu, đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm được kiểm tra chặt chẽ,...).

Sản phẩm chất lượng, mang đặc trưng, tiêu biểu, truyền thống của địa phương, vùng miền là một trong những chỉ tiêu cần để giúp một sản phẩm có điều kiện đạt chứng nhận OCOP. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm OCOP còn có sự trùng lặp, chưa có nhiều sự khác biệt so với các sản phẩm thông thường bày bán trên thị trường.

“Với những sản phẩm tôi dùng rồi, mẫu mã bao bì có sự đầu tư hơn, giá cao hơn so với các sản phẩm thông thường, chất lượng tạm ổn, nhưng chưa có nhiều sự khác biệt. Nếu 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP so với các sản phẩm tương tự trên thị trường về chất lượng thì dĩ nhiên tôi sẽ lựa chọn dùng sản phẩm thông thường có giá thành hợp lý hơn”, chị Thiên Bình (26 tuổi, ngụ Bình Thạnh) chia sẻ.

Chị Bình cũng cho biết để mua các sản phẩm OCOP hiện nay rất khó, đa số các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng của doanh nghiệp, một vài doanh nghiệp lớn thì có sản phẩm tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị,... nhưng chiếm số lượng rất ít. Đa phần các doanh nghiệp tự chạy quảng cáo bán sản phẩm tại cửa hàng của mình, hay đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhưng để mua các sản phẩm OCOP trên sàn điện tử khách hàng sẽ có chút e dè, bởi không biết có mua được hàng thật hay lại trúng hàng nhái.

Sản phẩm OCOP khó mở rộng thị trường do thiếu kênh phân phối

Là doanh nghiệp có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, anh Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu - người sáng lập thương hiệu cà phê trái cây Meet More - cho biết hiện các doanh nghiệp OCOP gặp nhiều khó khăn khi xây dựng, phát triển và đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng.

Theo anh, khó khăn lớn nhất là người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm OCOP là gì mặc dù chương trình OCOP đã được triển khai thực hiện từ lâu. Ước tính khoảng 80% người tiêu dùng không biết hoặc không nắm rõ thông tin về các sản phẩm OCOP.

Trong khi đó, công tác quản quản lý của Nhà nước hiện đang tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP theo chiều rộng. Việc sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng theo chiều sâu vẫn chưa thực sự hiệu quả và cụ thể.

43f3581ccb2715794c36

Sản phẩm mật ong của Xuân Nguyên đạt OCOP 4 sao.

“Những chương trình hội chợ, triển lãm trưng bày sản phẩm OCOP vẫn được các địa phương tổ chức hằng năm nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa biết sản phẩm OCOP là gì? Không gian trưng bày còn lẫn lộn giữa sản phẩm OCOP với các sản phẩm thông thường, cây cảnh, sinh vật cảnh,... khiến người tiêu dùng khó nhận diện được sản phẩm OCOP”, anh Luận chia sẻ.

Thứ hai, để đưa sản phẩm đạt chuẩn OCOP, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư về công nghệ, máy móc, đầu tư về quy trình sản xuất chặt chẽ để cho ra sản phẩm chất lượng. Từ đó, giá thành của sản phẩm OCOP cao hơn so với các sản khác nhưng khi đưa ra thị trường thì không được người tiêu dùng chấp nhận.

Các doanh nghiệp OCOP cũng xác định để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cần phải có kênh phân phối, đó là các hệ thống cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Các sản phẩm khi đưa vào kênh phân phối này là những đặc sản đã được chứng nhận, có các giấy tờ pháp lý liên quan đến an toàn thực phẩm rõ ràng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi đưa các sản phẩm của mình lên kệ. Nguyên nhân được cho là sản phẩm OCOP có giá thành cao.

Điển hình như sản phẩm cà phê nông sản Việt - Meet More, mặc dù đạt công nhận OCOP 4 sao, đã xuất khẩu sang 10 quốc gia trên thế giới nhưng tại thị trường Việt Nam, để đưa sản phẩm cà phê Meet More tới người tiêu dùng thông qua hệ thống bán lẻ, siêu thị lại không dễ dàng.

“Hiện các hệ thống cửa hàng bán lẻ hay siêu thị muốn chào sản phẩm vào gần như không được do giá thành cao, khó bán cho người dùng. Mặt khác, sản phẩm OCOP khi vào trong các gian hàng bán lẻ gần như không trưng bày được, vì cửa hàng đang trưng bày những sản phẩm đại trà khác thì không thể dành cho doanh nghiệp OCOP một gian hàng riêng. Một phần không có diện tích và các cửa hàng cũng không tập trung vào sản phẩm OCOP của mình”, anh Luận nói.

0a2525102f49f017a958

Sản phẩm cà phê nông sản Việt - Meet More đạt công nhận OCOP 4 sao nhưng vẫn khó vào các siêu thị trong nước.

Bên cạnh đó, để đưa sản phẩm vào siêu thị, doanh nghiệp OCOP phải chấp nhận chiết khấu cao. Điều này khiến doanh nghiệp sản xuất nhỏ, lẻ không đủ sức về tài chính khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối này. Ngoài ra, khi vào siêu thị, các sản phẩm OCOP lại bị đánh đồng với sản phẩm thông thường trưng bày chung. Việc sản phẩm OCOP chưa có không gian trưng bày riêng biệt sẽ làm cho giá trị không được nâng lên. 

Theo anh Luận, thời gian tới, Nhà nước và bản thân doanh nghiệp phải tập trung vào đối tượng người tiêu dùng. Ngoài việc định hướng đưa sản phẩm doanh nghiệp đi đúng tiêu chí, cần tập trung nâng cao nhận thức người tiêu dùng, để họ biết sản phẩm OCOP là gì, mang ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào, từ đó người tiêu dùng mới ủng hộ sản phẩm. Đồng thời, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để đưa sản phẩm OCOP vào các cửa hàng, siêu thị.

Thanh Thảo

Tin khác

Kinh tế 8 giờ trước
(SHTT) - Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng, từ đó kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường.
Kinh tế 9 giờ trước
(SHTT) - Theo ghi nhận mới nhất, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm mạnh.
Kinh tế 11 giờ trước
(SHTT) - Nhằm tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử, đầu tháng 10/2024, Cục QLTT thành phố Hải Phòng đã kiểm tra 05 cơ sở kinh doanh hàng hóa trên môi trường TMĐT.
Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Bên cạnh phương thức tiêu thụ truyền thống, các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian gần đây đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, giúp tiêu thụ nông sản ngày một thuận lợi hơn.
Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay, góp sức của Nhân dân, huyện Như Thanh đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp để sớm hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích huyện NTM trong năm 2025.