Doanh nghiệp khoa học và công nghệ 'khát vốn'
Tại hội thảo "Giải pháp tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM" do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 16/5, nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ nêu lên những vướng mắc về việc vay vốn ưu đãi và thuế.
Theo ông Mai Quốc Ấn – đại diện Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Châu Âu, dù đã có những văn bản luật về việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhưng không chỉ TP.HCM mà cơ quan thuế tại nhiều tỉnh lại có những cách hiểu về miễn giảm thuế khác nhau. Theo ông Ấn, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng TP nên kiến nghị Bộ Khoa học và công nghệ, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề miễn thuế của doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, ông Ấn cho rằng việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp khoa học và công nghệ vô cùng khó vì cách hiểu khác nhau của các cá nhân đơn vị có thẩm quyền. Cụ thể, cùng một ngân hàng nhưng cán bộ cho vay tại ngân hàng hiểu về việc vay vốn doanh nghiệp khoa học và công nghệ khác với trưởng phòng, trưởng phòng lại hiểu khác với giám đốc chi nhánh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ có 2 tài sản là tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản vô hình là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, nhưng tại Việt Nam tài sản vô hình còn bị xem nhẹ, xem nhẹ ngay từ cán bộ Nhà nước trong việc thẩm định giá. Nếu doanh nghiệp đi vay ưu đãi ngân hàng thì sẽ được chỉ sang công ty tài chính của ngân hàng, tự công ty tài chính ngân hàng thẩm định cộng thêm 3% chi phí, trong khi đó doanh nghiệp được ưu đãi.
Theo ông Ấn, dòng tiền đổ vào cho chiến lược khoa học công nghệ trên địa bàn TP.HCM cao nhưng dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ lại thấp. Vì vậy, cần phân chia cấp độ rõ ràng để có những mức ưu tiên phù hợp cho từng doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Thân Thế Hào - đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Thuận Thiên cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hiện nay rất khó khăn. Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ nên có đề xuất trong cơ chế đột phá của TP.HCM về vấn đề liên quan đến ngân hàng. Cụ thể là cơ chế hỗ trợ vay vốn với ngân hàng để doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiếp cận được nguồn vốn.
Theo ông Hào việc hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ là động lực phát triển của TP, thế nhưng nghịch lý là TP dù chỉ có một số lượng nhỏ doanh nghiệp khoa học công nghệ nhưng vẫn chưa được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, để giảm bớt gánh nặng, công ty của ông Hào cũng chủ động tiếp cận nguồn lực từ bên ngoài. Hiện nay, nguồn vốn ODA từ nước ngoài đã có nhưng về Việt Nam làm sao để Chính phủ đồng ý cho doanh nghiệp nhận được thì đây là vấn đề cần có câu trả lời.
Tại hội thảo, ông Bùi Thanh Luân – Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát nêu lên thực tế doanh nghiệp khoa học và công nghệ gần như phải cầm cố nhà cửa, đất đai để cứu doanh nghiệp, tài sản vô hình không thể cầm cố được. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ lại khó khăn hơn vì phải duy trì lực lượng nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ông Luân cũng cho rằng có rất nhiều chính sách được đưa ra nhưng chỉ là hình thức, hô hào. Thực tế, việc ủng hộ cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước còn hình thức nên vấn đề tiến tới công nghiệp hóa còn nhiều thách thức.
Theo ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, hiện có nhiều chính sách quy định pháp luật hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ như Nghị định 13/2019/NĐ-CP về Doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP. Thực tế không có nhiều doanh nghiệp được áp dụng các chính sách trên.
Ông Khuê cho rằng sản phẩm khoa học và công nghệ là sản phẩm "đặc thù" đòi hỏi tính mới, khác biệt và chứa nhiều rủi ro,… nên ít doanh nghiệp đầu tư phát triển và đi đăng ký để được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Cụ thể, doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp; giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ kết quả khoa học công nghệ; phương án sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm khoa học công nghệ; tỷ lệ doanh thu,…
Tại hội thảo, ông Khuê nêu lên ba điều cần phải làm để tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ tại TP.HCM là hoàn thiện thể chế và cơ chế, chính sách. Tại TP.HCM, có rất nhiều nghị quyết ban hành, kế hoạch chung của TP liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có sáng chế, doanh nghiệp khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ rất đồng bộ nhưng khi triển khai còn vướng. Vì vậy để các chính sách ưu đãi đi vào thực thi được cần sửa đổi từ quy định về đất đai đến cơ chế vay vốn.
Võ Liên
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Mẫu file bảng tiến độ thi công
- dịch thuật uy tín tại Hồ Chí Minh