SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 03/04/2024
  • Click để copy

Chuyện về người thợ rèn 'cuối cùng' nơi phố cổ

07:37, 03/04/2024
(SHTT) - Giữa những tiếng sầm sập và ken két của máy cắt, máy cưa thì tiếng búa keng keng đánh sắt vẫn gõ đều đều mỗi ngày. Ở số nhà 26 phố Lò Rèn có ông Nguyễn Phương Hùng vẫn luôn để bếp đỏ lửa, ngày đêm giữ gìn nét đẹp văn hóa của một làng nghề thủ công trứ danh một thời.

Trong cái nắng nhẹ Thủ đô, tôi tìm đến số nhà 26 phố Lò Rèn, nơi duy nhất còn giữ nghề làm rèn thủ công.

Từ xa tôi đã nghe thoang thoảng tiếng inh ỏi của sắt, của búa. Đến cửa hàng của ông Nguyễn Phương Hùng, tôi thấy một người thợ với đôi tay vạm vỡ, gương mặt bám đen bụi than lấm lem trong chiếc áo trắng lem luốc dầu mỡ. Bất chấp cái nóng hầm hập của lò than, ông Hùng vẫn cầm búa nện vào khối kim loại đang đỏ rực mỗi ngày.

Ông Nguyễn Phương Hùng làm cái nghề này đã hơn 50 năm nay và ông là đời thứ 3 sử dụng bếp lò rèn để làm kế sinh nhai. Người ta hay gọi ông Hùng là “Người thợ rèn cuối cùng nơi phố cổ”.

PV: Nghề rèn nhìn thôi cũng đã thấy đầy sự vất vả, hiện nay nhiều nhà ở phố Lò Rèn cũng đã chuyển hình thức kinh doanh hiện đại. Vì sao bác vẫn ngày ngày tay quai, tay búa bên bễ rèn nóng ran đỏ lửa?

Ông Nguyễn Phương Hùng: Tôi theo nghề này vì đây là truyền thống của gia đình. Tôi vẫn luôn tự hào kể với bạn bè, du khách quốc tế rằng nhà tôi ba đời làm nghề “đánh sắt”. Từ năm 10 tuổi, tôi đã theo bố học nghề. Khi ấy, cả khu phố râm ran tiếng thổi lò, đánh sắt. Bố tôi nuôi bảy anh em tôi ăn học bằng chính cái nghề rèn này, tôi luôn tự hào vì cũng nhờ “bễ lò rèn mẻ” của bố mà tôi có cơ hội ba năm theo học ở trường cơ khí.

Không cớ gì mà bản thân lại không tiếp nối truyền thống gia đình. Làm đủ mọi nghề trên đời, về với bễ rèn của bố âu cũng là cái duyên số.

PV: Bên cạnh trách nhiệm là cháu, là con trai của những người thợ cuối cùng ở phố Lò Rèn, còn lý do nào khác khiến bác cố gắng tiếp tục nghề rèn đến bây giờ?

Ông Nguyễn Phương Hùng: Tôi nhớ mãi câu nói của bố “Nghề không phụ mình, mình không được phụ nghề”. Nhìn thì lấm lem bụi bẩn, mồ hôi ướt đẫm, nhưng nó mang lại cho tôi cảm giác thư thái, thoải mái và có ích cho cuộc sống.

Thêm nữa, nghề rèn cho tôi sức khỏe. Nghề thủ công mà, phải làm bằng chính đôi tay tài hoa của người thợ, không có sức khỏe thì không đánh búa được. Đến bây giờ, khi không còn phải lo ăn từng bữa, con cái thành đạt, thì ngồi cạnh bễ lò rèn này tôi lại có thời gian để ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm lại cuộc sống.

Giờ tôi coi nó như một bộ môn nghệ thuật, giống như mấy nhà điêu khắc sáng tạo sản phẩm. Nhưng thay vì trên miếng gỗ, tôi sáng tạo trên những thanh sắt thô sơ.

Điều quan trọng nhất để tôi sống bám trụ với nghề này đến bây giờ là bởi mong muốn giữ tên phố đúng với tên gọi của nó. Các bạn cũng thấy, dọc cả con phố này đâu ai làm cái nghề này nữa, người ta kinh doanh, bán đồ nhập xưởng hết rồi.

Tôi làm không chỉ cho tôi, cho truyền thống gia đình mà còn cho xã hội. Người nước ngoài đến đây chụp ảnh, tôi thấy hãnh diện lắm vì người ta có thể thấy Việt Nam mình còn tồn tại cái nghề thủ công như thế. Vậy nên, tôi còn ở đây ngày nào, trách nhiệm giữ nghề, giữ tên phố còn đến ngày đó.

1

Ông Hùng ở tuổi 63 ngày ngày vẫn đập sắt, đánh lửa bên bễ lò rèn 

PV: Tiếng búa đánh rèn của bác luôn đanh thép, đều đều từng nhát đập xuống cái đục. Điều này có vẻ trái ngược vẻ ngoài có phần hào sảng, vui vẻ của bác?

Ông Nguyễn Phương Hùng: Chẳng ai nghĩ cái người mặc đồ vẫn tươm tất này, 5-10 phút nữa thôi lại hì hục đánh búa. Tưởng không liên quan nhưng lại có sự giao thoa. Nghề rèn nhìn có vẻ cục mịch, lầm lì nhưng nó luyện cho con người ta sự nền nã, hài hòa.

“Cần cù, chịu khó, siêng năng” là nguyên tắc của nghề này. Người thợ rèn trong lúc làm việc phải lạnh, phải đanh. Cái lò đang nóng 1.000 độ thế kia mà ta cũng nóng theo nó thì làm sao tạo ra thành phẩm? Trước đây, khi chưa tiếp nghề của bố, một thời tôi cũng như nhiều thanh niên, cũng rượu chè sau mỗi giờ làm. Áp lực công việc mà, cứ làm được ngày lương nào lại tiêu hết, chẳng tích cóp được bao nhiêu. Nhưng về làm nghề này, nó rèn giũa cho tôi rất nhiều cái, giúp tôi điềm tĩnh và thấu đáo hơn trong mọi công việc.

PV: Ở bễ lò rèn của bác, ngoài việc giữ những nét truyền thống từ ông cha, thì còn có những thay đổi nào khác?

Ông Nguyễn Phương Hùng: Thế hệ trẻ luôn thay đổi để hợp thời, lớp già như chúng tôi cũng như vậy. Ngay trong chính cái nghề cũng đã có sự biến đổi, thì việc phải kết hợp cùng những kỹ thuật, công nghệ hiện đại cũng là điều tất yếu. Cái gì cũng cần có sự giao hòa giữa truyền thống và hiện đại, nhưng là kết hợp để nâng cái truyền thống lên.

Ngoài kia, hàng nghìn cái đục, cái khung, cái nào cũng giống nhau, nhưng đồ truyền thống nhìn qua thì giống, để ý kĩ lại khác. Bởi nó còn mang tâm hồn của người thợ. Tôi đã dùng chính kiến thức tôi học trên trường lớp, cùng với kinh nghiệm ông cha lưu truyền để hoàn thành sản phẩm. Nó vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính thương mại. Có vậy mới có thể tồn tại đến hôm nay.

PV: Là người vắt mình qua hai thế kỉ, chứng kiến một thời hưng thịnh và lụi tàn của cái nghề từng nổi bậc nhất 36 phố phường, bác cảm nhận như thế nào về nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam hiện tại?

Ông Nguyễn Phương Hùng: Tôi vừa vui nhưng cũng vừa buồn. Vui vì thấy đất nước phát triển, có phát triển ắt những cái đã cũ phải lụi tàn đúng không? Nhưng khi nó bị mai một, biến mất dần đi thì minh chứng đâu để người ta thấy một thời hưng thịnh của nghề thủ công, của tinh hoa văn hóa Việt Nam? Có người cho là còn những kỷ vật, còn tài liệu lưu lại, tuy nhiên cái ta cần là những minh chứng sống, là đôi tay tài hoa của người thợ thủ công.

Còn thợ là còn nghề, hết thợ nghề cũng tàn. Tôi thấy buồn hơn cả là ở nước ngoài, người ta coi trọng phát triển nghề thủ công truyền thống lắm, nhưng ở nước ta mới chỉ toàn những dự định trên mặt giấy chứ vẫn chưa hiện thực hóa nó.

Không đề cao, không phát triển, lớp trẻ lấy cái gì để yêu, để bảo tồn? 36 phố phường, đến thế hệ của tôi là hết thôi!

2

Cần thay đổi theo thị trường, ông cũng hàn sắt, cưa khung dựa trên những kiến thức đã học ngày trước 

PV: Là một người thợ, người giữ tên con phố gần như cả cuộc đời, bác có điều gì muốn gửi gắm đến các bạn trẻ?

Ông Nguyễn Phương Hùng: Thế hệ trẻ các bạn là tương lai, là người quyết định sự sống còn của một nghề thủ công, truyền thống đất nước. Tôi không thể bắt các bạn vực dậy một nghề đã tàn, càng không thể đưa nó về thời hưng thịnh khi việc lưu giữ nó còn đang khó. Nhưng tôi mong các bạn nhớ, bao năm qua tôi cũng như các nghệ nhân ở những làng nghề truyền thống, trước sự thay đổi thời cuộc, chúng tôi vẫn bám trụ, vẫn để nghề được sống dù nó chỉ còn hơi tàn.

Chúng tôi làm được hà cớ gì các bạn không thể, các bạn còn phải làm tốt hơn thế. Chúng ta phải giữ nghề với nhau, nó phản ánh không chỉ lịch sử dân tộc, mà còn mang trong đó tinh hoa đất nước. Tôi mong nhà nước có chính sách, cùng với sự vào cuộc của báo chí lan tỏa các giá trị nghề thủ công truyền thống của đất nước Việt Nam mình.

Ngày qua ngày, giữa con phố tấp nập ấy, người thợ rèn nghỉ tay sau những công đoạn làm rèn, ông nhìn ra con phố nhìn dòng người đi lại. Hàng chục năm nay, con phố ấy dù đã đổi thay, nhiều cửa hàng mở ra rồi đóng lại, nhiều người đến rồi đi, dòng người qua đây vẫn thấy ông miệt mài làm công việc của mình như chẳng để tâm tới sự đời.

Đáng lẽ cái tuổi được nhàn nhã vui vầy bên con cháu, ông Hùng ngày ngày vẫn bận bịu để giữ cái nghề thủ công mà ông cha để lại. Có lẽ nào, sau ông, nghề rèn sẽ chấm dứt ở cái phố mà một thời nó đã từng ngự trị? Phố Lò Rèn liệu rằng sẽ chỉ còn là cái tên gợi nhớ về con phố ngày xưa của Hà Nội? Thật quá buồn, quá chua xót!

Sau này dù tuổi ông có cao, khó có thể tiếp tục làm nghề, tôi vẫn gọi ông là “Người thợ rèn cuối cùng trên con Phố cổ”.

Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 1 phút trước
(SHTT) - Giữa những tiếng sầm sập và ken két của máy cắt, máy cưa thì tiếng búa keng keng đánh sắt vẫn gõ đều đều mỗi ngày. Ở số nhà 26 phố Lò Rèn có ông Nguyễn Phương Hùng vẫn luôn để bếp đỏ lửa, ngày đêm giữ gìn nét đẹp văn hóa của một làng nghề thủ công trứ danh một thời.
Giải trí 3 phút trước
(SHTT) - Thác Hiêu là một trong những dòng thác đẹp nhất xứ Thanh, là điểm đến lý tưởng để du khách chiêm ngưỡng và cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp Pù Luông Bá Thước
Giải trí 20 giờ trước
(SHTT) - Nhắc đến Hà Nam là nhắc đến “cái nôi” nuôi dưỡng mạch nguồn văn chương của Nam Cao - một nhà văn hiện thực phê phán thế kỷ XX của Việt Nam. Còn nhớ về Hà Nam là người ta thường nhớ về hương vị cá kho làng Vũ Đại.
VP Đà Nẵng 2 ngày trước
Với 78 gậy, golfer, người mẫu, diễn viên Bình Minh chính thức trở thành tân vô địch của giải GolfViet Spring Cup 2024 và sở hữu cúp Rồng vàng của mùa giải năm nay.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Một thẩm phán liên bang tại Manhattan đã ra phán quyết ủng hộ Warner Bros Entertainment và DC Comics trong một vụ kiện liên quan đến bộ phim bom tấn năm 2022 "The Batman”.