Nửa đời người giữ hồn phố cổ qua nghệ thuật khắc dấu truyền thống
Hơn 40 năm trọn vẹn thổi hồn con dấu gỗ
Dạo quanh một vòng phố cổ Hà Nội, giữa những sắc xanh, sắc đỏ hiện đại của thành phố khi khoác lên mình chiếc áo mới, chúng tôi vẫn không thể nào rời mắt khỏi tấm biển hiệu cũ kĩ nằm khiêm tốn trên góc phố nhỏ: Phúc Lợi, số 6 Hàng Quạt. Chỉ bằng ấy thông tin cũng đủ để người ta đoán được tuổi đời đâu đó mấy chục năm của cửa hàng khắc con dấu gỗ bé xíu trên phố.
Trong không gian khoảng 15m2 bày đủ loại khuôn gỗ, con dấu và mấy chiếc ghế nhựa cho khách tới ghé mua. Trước cửa, tấm lưng cong cong cùng đôi bàn tay tỉ mỉ của ông Phạm Ngọc Toàn đang cặm cụi hoàn thành nốt con dấu gỗ khắc dở. Ngày nào cũng vậy, cái nóng cháy da cháy thịt của thời tiết Hà Nội khiến tinh thần mọi người trở nên rệu rã cũng không thể làm giảm đi ngọn lửa yêu nghề của người nghệ nhân già cần mẫn. Chỉ với chiếc quạt máy nhỏ đặt ở góc nhà, vô vàn những hình thù con dấu được sáng tạo ra trong hơn 40 năm đã cùng ông Toàn bám trụ lại giữa những mai một của nghề thủ công truyền thống.
Cũng như rất nhiều nghệ nhân khác, ông Phạm Ngọc Toàn đến với nghề khắc dấu gỗ là do gia đình truyền lại. Quá trình làm nghề của ông cũng trải qua nhiều nốt thăng trầm, sóng gió bởi trước khi gắn bó với nghề thủ công khắc dấu, ông đã từng làm giáo viên dạy Toán ở Tứ Liên (Hồ Tây, Hà Nội). Tuy nhiên, ở thời điểm đó, thu nhập từ nghề giáo viên ít ỏi không đủ để mưu sinh khiến ông đưa ra quyết định trở về nối nghiệp gia đình. Từ đó đến nay, ông Toàn đã dành gần như trọn cuộc đời mình để say mê với những dấu khắc gỗ.
Tận mắt chứng kiến đôi tay thoăn thoắt, tỉ mẩn đục đẽo từng chi tiết và được lắng nghe những tâm sự của người nghệ nhân già 68 tuổi, tôi mới phần nào thấu hiểu được quy trình để tạo ra một con dấu khắc gỗ không hề đơn giản. Ông cho biết để tạo ra một sản phẩm dấu gỗ khắc thủ công, phải trải qua nhiều bước, đó là: chọn gỗ, mài phôi, vẽ phác họa, chạm khắc… Gỗ dùng để khắc dấu được ông Toàn đặt trong làng nghề để có được loại gỗ chất lượng tốt nhất. Bộ đồ nghề cũ kỹ gắn liền với tuổi nghề của người thợ khắc vô cùng đơn giản nhưng lại không thể thiếu đó là: dao khắc, bàn gỗ, dùi và đục. Trong các bước để làm ra một con dấu hoàn chỉnh, công đoạn điêu khắc là khó nhất và quan trọng hơn cả vì chỉ một cái lỡ tay sẽ khiến con dấu bị mất đi cái hồn vốn có. Vì vậy, người nghệ nhân khi làm đến bước này phải thực sự chú tâm, cẩn thận, mỗi con dấu hoàn thiện sẽ thể hiện cái tâm mà người thợ đặt vào trong đó.
Đưa tay đẩy nhẹ cặp kính khá dày đeo trên mắt, người nghệ nhân 68 tuổi bộc bạch: “Trong quá trình làm thì mỗi nghề sẽ có một đặc thù riêng. Đối với nghề khắc dấu thì điều kiện tiên quyết là sự kiên trì, khéo léo, không được sốt ruột. Những ai không vượt qua được khó khăn này thì chắc chắn không thể làm nghề lâu dài”.
Thay đổi để bắt kịp với thời đại
Ông cũng chia sẻ: “Từ thời bao cấp thì mình khắc thể loại dấu khác, bây giờ có nhiều khách du lịch mình đa số khắc dấu chơi để họ làm kỉ niệm. Nhìn chung khách nước ngoài thì họ hay thích những cái hình người đặc trưng của Việt Nam Ví dụ như thiếu nữ mặc áo dài, thôn nữ gánh con gánh hay là cậu bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Những cái đấy là khách nước ngoài họ thích. Vì là họ muốn mang một cái kỷ niệm của Việt Nam về đất nước của họ. Còn những người trẻ thì thích những cái hình nó ngộ nghĩnh”.
Vì thế, bên cạnh những con dấu với họa tiết cổ truyền như chữ triện, các bản khắc tranh dân gian, khuôn bánh,… ông Toàn đã khắc thêm rất nhiều hình các con vật dễ thương khác để phù hợp với thị hiếu hiện nay và để phục vụ cho khách thăm quan du lịch trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ. Nhờ sự phát triển của mạng xã hội và sự hỗ trợ của con gái mà ngày càng có nhiều du khách trong nước và quốc tế đã liên hệ, gửi hình ảnh cho ông Toàn để đặt mẫu theo yêu cầu với những đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, số lượng các du khách như người Nhật và người Hàn, đôi khi có cả khách Châu Âu, Nam Mỹ và Châu Phi tìm đến trực tiếp cửa hàng của ông Toàn cũng nhiều hơn trước kia.
Đắm chìm trong quá trình sáng tạo con dấu gỗ, một du khách người Nhật Bản hào hứng chia sẻ: “Tôi tìm đến đây nhờ chiếc bản đồ mà một người bạn đã gửi cho tôi sau chuyến đi du lịch Hà Nội vào năm ngoái. Đúng như lời bạn tôi đã kể, hoạt động này thực sự rất thú vị, tôi rất ấn tượng với những gì mà người đàn ông này đang làm”.
Trăn trở về sự mai một của giá trị thủ công truyền thống
Theo ông Toàn, ở Hà Nội, nghề khắc con dấu đã sớm xuất hiện dưới nhiều hình thức và trở thành một trong rất nhiều nghề thủ công ở khu phố cổ với lịch sử hàng trăm năm. Có thời, nó rất nổi tiếng trên phố Tô Tịch. Tuy nhiên, trước cơn lốc đô thị hóa và sự thay đổi, nghề khắc dấu giờ đây chỉ còn được biết đến qua một vài cửa hàng mà đâu đó toàn là anh em họ hàng của gia đình ông Toàn.
Mặc dù con gái hỗ trợ ông khá nhiều trong công việc khắc gỗ của gia đình, tuy nhiên chị lại chưa có đủ sức để theo nghề. Đó cũng chính là điều mà người nghệ nhân già vẫn luôn đau đáu trăn trở trước tình trạng mai một dần của nghệ thuật khắc dấu truyền thống: “Nghề này và rất nhiều nghề truyền thống khác sẽ chẳng tránh được sự mai một. Tôi muốn thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước giữ gìn cái nghề truyền thống nên có mở lớp dạy miễn phí, cũng có nhiều bạn trẻ đến học nhưng ngồi được 3 bữa là bỏ. Tôi chỉ mong có người nối nghiệp, giữ lại cái nghề này nhưng thực sự rất khó”.
Minh Thơm