Phát triển thành công que thử đường huyết thông minh với giá chưa tới 3.000 đồng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiểu đường là nguyên nhân chính dẫn đến các biến chứng như mù lòa, suy thận và hoại tử chi. Chỉ trong năm 2019, khoảng 2 triệu người đã tử vong do mắc tiểu đường và bệnh thận do tiểu đường gây ra.
Trước thực trạng đó, nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Jodhpur ở Ấn Độ đã phát triển một que thử giúp việc giám sát đường huyết trở nên dễ tiếp cận hơn.
Rẻ tiền và thân thiện với môi trường, thiết bị làm từ giấy này có thể kết nối với điện thoại thông minh qua một ứng dụng chuyên biệt cho việc phát hiện glucose.
Theo các nhà nghiên cứu, ứng dụng này cho phép người dùng giám sát lượng đường huyết trong khi vận động. Nhờ đó, toàn bộ quá trình theo dõi có thể diễn ra nhanh chóng và cá nhân hóa hơn.
Ankur Gupta, phó Giáo sư kỹ sư cơ khí tại Viện Jodhpur cho biết: “Thiết bị này đi cùng một miếng giấy phân hủy sinh học trong môi trường thí nghiệm, có thể thay đổi màu sắc dựa theo mức độ và lượng glucose tồn tại trong cơ thể bệnh nhân”.
Các que thử hiện có yêu cầu điều kiện ánh sáng đặc biệt, tuy nhiên, sáng chế mới này sử dụng các thuật toán máy học để đảm bảo tính tương thích và linh hoạt trên nhiều loại điện thoại thông minh và điều kiện ánh sáng khác nhau. Khi đã kết nối với điện thoại thông minh, công nghệ này sẽ cho ra kết quả rất nhanh chóng.
Ông Ankur nhấn mạnh: "Điện thoại thông minh cung cấp tích hợp liền mạch với các công nghệ và nền tảng khác. Khả năng kết nối giữa khung nhận diện dấu hiệu bằng điện thoại thông minh với một mạng lưới hoặc cơ sở dữ liệu lớn hơn có thể tạo điều kiện cho việc giám sát từ xa, lưu trữ dữ liệu và chia sẻ kết quả. Việc kết nối này rất quan trọng đối với các chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu”.
Chi phí sản xuất của loại que thử mới trong môi trường thí nghiệm ước tính là gần 12 cent (khoảng 3.000 VNĐ), con số này được kỳ vọng sẽ giảm xuống một nửa khi đem vào sản xuất đại trà.
Trong nghiên cứu được công bố, các tác giả nhận định sáng chế này có thể thay đổi cách phát hiện và kiểm soát bệnh tật nhờ việc tích hợp công nghệ máy học giúp cho ra một kết quả mang tính chính xác và độ tin cậy cao hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng đang phát triển để thiết bị trong tương lai sẽ có khả năng thực hiện khám sàng lọc và chẩn đoán các vấn đề sức khỏe khác, như các bệnh liên quan đến glucose, axit uric và lactic bằng cách sử dụng các dấu hiệu có màu khác nhau tương tự như trong các chất không phải máu.
Hà Anh