Ứng dụng mới giúp phát hiện sớm nguyên nhân gây mất trí nhớ
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh việc thực hiện các bài kiểm tra nhận thức qua ứng dụng trên điện thoại thông minh có khả năng phát hiện sớm các dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ vùng trán - thái dương, đặc biệt ở những người có yếu tố di truyền. Họ cũng cho biết, các bài kiểm tra này có thể đạt được kết quả tương đương với việc thực hiện đánh giá y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Được biết, sa sút trí tuệ vùng trán - thái dương (FTD) là một loại chứng rối loạn thần kinh mà ảnh hưởng chủ yếu đến vùng não bộ, nơi điều khiển các kỹ năng như lập kế hoạch, ứng phó với các tình huống xã hội, kiểm soát cảm xúc và giao tiếp. FTD có thể gây ra sự thay đổi trong hành vi, tính cách và ngôn ngữ, thường xuất hiện ở tuổi trung niên và người cao tuổi.
Theo ghi nhận, khoảng một phần ba số trường hợp mắc FTD bắt nguồn từ yếu tố di truyền. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tình trạng này đã gặp khó khăn trong việc chẩn đoán sớm và theo dõi phản ứng của người bệnh, đặc biệt là đối với những phương pháp chỉ có hiệu quả trong giai đoạn đầu của bệnh.
Tác giả của cuộc nghiên cứu, Giáo sư Adam Boxer từ Đại học California, San Francisco, cho biết: “Hầu hết bệnh nhân FTD được chẩn đoán mắc bệnh tương đối muộn, nguyên nhân do họ còn trẻ và các triệu chứng thường bị nhầm lẫn với rối loạn tâm thần”.
Ngày nay, sự phát triển của các ứng dụng y tế trên điện thoại thông minh đã mở ra tiềm năng lớn trong việc tiến hành các nghiên cứu lâm sàng và triển khai các chương trình giám sát sức khỏe dựa trên dữ liệu từ người dùng thực tế. Điều này giúp tăng cường khả năng phát hiện và giám sát các bệnh lý, bao gồm Alzheimer, Parkinson và Huntington.
Để khám phá tiềm năng của điện thoại thông minh đối với bệnh FTD, giáo sư Boxer và các đồng nghiệp đã hợp tác với công ty phần mềm Datacubed Health để phát triển một ứng dụng có thể ghi lại giọng nói của người dùng trong quá trình tham gia các bài kiểm tra nhận thức, đánh giá chức năng thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày.
Tiến sĩ Adam Staffaroni từ nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Chúng tôi đã phát triển các bài kiểm tra liên quan đến khả năng đi lại, giữ thăng bằng, chuyển động chậm cũng như các khía cạnh khác của ngôn ngữ".
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng trên 360 người trưởng thành có nguy cơ di truyền cao mắc FTD, bao gồm cả những người chưa phát triển bất kỳ triệu chứng nào. Kết quả cho thấy độ hiệu quả trong quá trình chẩn đoán FTD của ứng dụng này thậm chí chính xác hơn so với phương pháp đánh giá tâm lý thần kinh tại các phòng khám.
Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể để đưa ứng dụng này vào sử dụng rộng rãi, nhưng theo Tiến sĩ Staffaroni, nó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu về bệnh mất trí nhớ.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu dự định tiến hành hơn 30 thử nghiệm lâm sàng tương tự, bao gồm các liệu pháp có thể giảm sự phát triển của bệnh.
Giáo sư Staffaroni chia sẻ: "Sự thiếu hụt các công cụ đo lường một cách chính xác và độ hiệu quả của các biện pháp điều trị giai đoạn đầu sẽ là một thách thức lớn đối với nhóm nghiên cứu”.
Việc đi đến cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên có thể gây bất tiện cho bệnh nhân, y tá và bác sĩ lâm sàng. Theo lời giải thích của Tiến sĩ Staffaroni: "Chúng tôi kỳ vọng việc đánh giá thông qua điện thoại thông minh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thử nghiệm mới về các liệu pháp tiềm năng. Đồng thời có thể hỗ trợ việc theo dõi hiệu quả điều trị, thay thế hầu hết các buổi đánh giá trực tiếp tại các cơ sở thử nghiệm lâm sàng”.
Xuân Hiếu
TIN LIÊN QUAN
-
Đột phá công nghệ: Trung Quốc ra mắt mẫu xe tự lái sử dụng trí tuệ nhân tạo AI
-
Phát triển thành công que thử đường huyết thông minh với giá chưa tới 3.000 đồng
-
Samsung lên kế hoạch nâng cấp lại trợ lý giọng nói Bixby bằng trí tuệ nhân tạo
-
Hàn Quốc hé lộ 'bí kíp' giúp 'mặt trời nhân tạo' đạt nhiệt độ cao gấp 7 lần lõi Mặt trời