SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu

07:21, 17/04/2024
(SHTT) - Tại Tọa đàm Luật Sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã mang tới nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu.

Tọa đàm do Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam phối hợp với Bộ môn SHTT, Khoa Khoa học Quản lý (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức đã diễn ra nhằm phổ biến kiến thức pháp luật về SHTT, từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành.

Tại buổi tọa đàm này, các bạn sinh viên đã được cung cấp rất nhiều thông tin cụ thể và hữu ích về quá trình sửa đổi Luật SHTT và thực tiễn thi hành trong một năm vừa qua, từ việc xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu đến hoạt động thực thi quyền SHTT.

Trong phần chuyên đề Hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà đã chia sẻ sơ bộ pháp luật về xác lập quyền đối với nhãn hiệu; Những thay đổi về xác lập quyền đối với nhãn hiệu theo Luật sửa đổi Luật Sở hữu Trí tuệ 2022; Những thay đổi trên thực tiễn; Những việc cần làm.

Theo đó, nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc, dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa dùng để phân biệt hàng hóa/dịch vụ của chủ thể này với chủ thể khác.

luat su thu ha

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Kim

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, có 5 loại nhãn hiệu, đó là: Nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hình khối (nhãn 3 chiều) và nhãn hiệu âm thanh.

Điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu là có tính tự phân biệt, phân biệt được với nhãn hiệu của chủ thể khác, không thuộc trường hợp loại trừ: Trùng với Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca, biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên của cơ quan nhà nước, tên thật, biệt hiệu, bút danh của danh nhân, dấu chứng nhận, dấu kiểm tra; Gây sai lệch, gây hiểu nhầm, lừa dối người tiêu dùng; Hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật vốn có của hàng hóa.

Cơ chế thẩm định của nhãn hiệu: Thẩm định cả hình thức và nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu. Quy trình bao gồm: Nộp đơn; Thẩm định hình thức; Chấp nhận đơn hợp lệ; Công bố đơn; Thẩm định nội dung; Thông báo kết quả thẩm định nội dung. Sau khi có kết quả thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ từ chối hoặc chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Tại buổi tọa đàm, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà cũng chia sẻ về giá trị của Đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, giá trị của Đăng ký nhãn hiệu là căn cứ xác lập quyền (Quyền nhãn hiệu phát sinh tại thời điểm đăng ký nhãn hiệu đượ cấp); là căn cứ pháp lý vững chắc cho việc thực thi quyền; Là căn cứ pháp lý cho việc thương mại hóa quyền nhãn hiệu.

Quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu là: Sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu; Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu và Định đoạt nhãn hiệu.

Trong khi đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo yêu cầu của người thứ ba. 

nhan hieu

 

Cũng tại buổi tọa đàm, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà đã chia sẻ về các thay đổi nổi bật theo Luật sửa đổi Luật SHTT 2022. Theo đó, Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh (quy định ở Điều 72.1 và 73.7): Dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa; Dấu hiệu bị từ chối bảo hộ là Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

Ngoài ra, Luật SHTT 2022 cũng thể hiện tiêu chí rõ ràng hơn đối với nhãn hiệu nổi tiếng (Điều 4.20, 74.2i và 75): Là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam; Nhãn hiệu phải được coi là nổi tiếng trước thời điểm nộp đơn của nhãn hiệu đang thẩm định mới có thể coi là đối chứng; Việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng có thể dựa trên một số hoặc tất cả các tiêu chí nêu tại Điều 75.

Bên cạnh đó, căn cứ từ chối nhãn hiệu 3D cũng được quy định rõ ràng hơn (Điều 73.6, 74.2c). Theo đó, dấu hiệu là hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc của bao bì, vật chứa hàng hóa; Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có; Dấu hiệu làm gia tăng giá trị đáng kể cho hàng hóa.

Luật SHTT 2022 đã giảm khoảng thời gian nhãn hiệu hết hạn hiệu lực có thể được sử dụng làm đối chứng (Điều 74.2h) từ 5 năm xuống còn 3 năm. Đồng thời, cho phép tạm dừng thủ tục thẩm định đơn nhãn hiệu để chờ kết quả của việc chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đối chứng (Điều 117.3).

Luật sửa đổi cũng bổ sung các căn cứ để phản đối/ từ chối/ chấm dứt hiệu lực/ hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu (Điều 74, 95, 96, 117.1): Nộp đơn với dụng ý xấu; Sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa và dịch vụ.

Luật sư cũng cho biết Luật SHTT sửa đổi đã phân biệt thủ tục phản đối đơn và thủ tục ý kiến của người thứ ba. Theo đó, thời gian phản đối đơn nhãn hiệu là 5 tháng kể từ ngày công bố đơn, theo thủ tục do Chính phủ quy định. Trong khi đó ý kiến của người thứ ba được thể hiện trong suốt quá trình thẩm định đơn, được sử dụng như một nguồn thông tin tham khảo.

Ngoài ra, cũng có các thay đổi trong thực tiễn nhãn hiệu: Đã có thủ tục sơ bộ cho việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh, Cục SHTT đã tiếp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh; Đã áp dụng thống nhất thủ tục phản đối đơn và ý kiến của ngườ thứ ba từ tháng 11/2023; Nhãn hiệu hết hạn quá 3 năm không còn được đưa ra làm đối chứng nữa; Đã có thể yêu cầu tạm dừng thủ tục thẩm định đơn để chờ kết quả hủy bỏ/ chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đối chứng.

Hương Mi

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng mới của Canada đang tạo ra những làn sóng trái chiều. Các doanh nghiệp đang lo ngại việc đạo luật mới mang lại quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.