SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 13/05/2024
  • Click để copy

Phỗng đất Đông Khê: Lưu giữ ký ức hồn quê Việt

07:37, 29/04/2024
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.

Ký ức của Trung thu xưa

Trong mâm cỗ Trung thu ngày xưa, ngoài mâm ngũ quả, bánh kẹo… nhất định phải có một bộ phỗng đất, đèn ông sao và một ông tiến sĩ giấy. Mâm cỗ này sau đó sẽ được bày ở sân nhà, dưới ánh trăng sáng vằng vặc để chờ trẻ con đi rước đèn trong xóm về sẽ tập trung bên mâm cỗ trông trăng, nghe ông bà, cha mẹ giảng giải về ý nghĩa của bộ phỗng đất.

Theo thời gian hình ảnh phỗng đất dần chìm vào quên lãng khi trẻ con dần làm quen với những món đồ chơi hiện đại hay đắm mình vào các loại game trên điện thoại thông minh. Không cam lòng nhìn một phần quá khứ của cha ông biến mất, người dân thôn Đông Khê (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tìm mọi cách giữ lại nghề làm phỗng đất, trong đó, nổi bật nhất có gia đình vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nghệ nhân Phùng Đình Giáp được bà con thôn Đông Khê yêu mến gọi là người "giữ vía" cho phỗng đất của làng. Được ông nội dạy cách nặn phỗng từ nhỏ, ông Giáp mê mẩn với món đồ chơi này và khi xuất ngũ về làng, ông luôn đau đáu gìn giữ.

1

Phỗng đất đầy màu sắc được trẻ em ưa thích. Ảnh: Viết Sơn

Bộ phỗng đất truyền thống gồm 5 hình tượng: đứng giữa là Đức Phật, mang ý nghĩa tâm linh, mong muốn con cháu luôn phải sống có lương tâm, đạo đức; hình tượng thứ 2, 3 là ông già và em bé, tượng trưng cho sự tiếp nối giữa các thế hệ; thứ 4 là con chim, thể hiện cho khát vọng tự do, hòa bình; cuối cùng là con rùa, tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn.

Để làm một bộ phỗng đất cũng khá kỳ công. Nguyên liệu làm phỗng đất là đất sét và giấy bản. Đất sét được đào ở độ sâu từ 2-2,5m, đem phơi khô, đập, giã thành bột mịn rồi sàng, đến khi sờ vào có độ mịn mát tay là được. Giấy bản ngâm trong nước 7 ngày, sau khi đã mủn hoàn toàn thì trộn đất và giấy với nhau, vừa trộn tay, vừa dùng chày đập cho đến khi hỗn hợp này quyện lại.

2

Đất sét được phơi khô, đập, giã thành bột mịn rồi sàng. Ảnh: Viết Sơn 

Sau khi tạo được hỗn hợp đất là đến công đoạn nặn. Việc nặn không đòi hỏi hoa văn, phức tạp, cầu kỳ nhưng phải giữ được nét dân dã. Phỗng được phơi khô dưới nắng cho se lại và hoàn toàn tránh nước, sau đó phủ lên lớp hỗn hợp của hồ điệp trắng và hồ nếp pha với nước theo tỷ lệ chuẩn rồi lọc qua khăn cho đến khi thật mịn.

Công đoạn cuối cùng là vẽ màu. Với phỗng mộc, không vẽ màu, càng phơi giá sương lại càng lên nước đẹp mặn mà, mướt bóng. Còn với bộ phỗng màu sắc, sau khi được phơi khô, phỗng đất sẽ được sơn phủ một lớp hỗn hợp gồm bột điệp trắng, hồ nếp pha với nước theo tỉ lệ thích hợp. Sau đó lại mang phơi cho khô rồi vẽ màu lên cho hoàn chỉnh.

Một bộ phỗng làm thủ công cầu kỳ như vậy mà chỉ có giá bán là 20k/con, lại chủ yếu được tiêu thụ vào dịp Trung thu, vậy nên không khó để biết được rằng, người thợ làm phỗng đất khó có thể mưu sinh bằng nghề được.

‘‘Nhất định không để nghề mai một’’

Trong làng Đông Khê hiện nay, chỉ còn mỗi gia đình ông Giáp vẫn gắn bó với nghề nặn phỗng đất vì ông luôn tâm niệm, cha ông đã cho thứ nghề gì cũng đáng quý nên thế hệ sau cần gìn giữ và phát triển.

1

 Nghệ nhân Giáp lan tỏa tình yêu phỗng đất tới các bạn nhỏ. Ảnh: Viết Sơn

Gần 60 năm gắn bó với đất thó (nguyên liệu để làm tượng phỗng), với nghệ nhân Phùng Đình Giáp, tượng phỗng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Ông bảo muốn lưu giữ nghề nặn phỗng là vì muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Trong ký ức của vợ chồng ông Giáp, phỗng đất có từ thời ông nội của ông Giáp. Ngày ấy làng Đông Khê có nhiều gia đình làm nghề nặn phỗng đất, những bộ phỗng nhỏ sặc sỡ sắc màu trên chiếc mẹt tre cũ mang ra chợ bán vào mỗi dịp lễ, khai giảng năm học mới, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... Trong mâm cỗ đón trăng rằm tháng Tám hằng năm, ngoài hoa quả, bánh kẹo các loại, không thể thiếu bộ phỗng đất và đèn ông sao.

Phỗng đất có bề ngoài đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật nặn tinh xảo, cầu kỳ, tỉ mỉ và cẩn thận. Từng công đoạn, từ chuẩn bị đất sét đến vẽ màu, nắn, vuốt đều được Nghệ nhân Phùng Đình Giáp cảm nhận và tạo thành từ đôi bàn tay khéo léo.

Nhiều năm liền nghệ nhân Phùng Đình Giáp rất tích cực giới thiệu tượng phỗng tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không gian bích họa Phùng Hưng, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Dân tộc học... Nhiều đoàn khách đã tìm về thôn Đông Khê, đến nhà ông để trực tiếp trải nghiệm không gian văn hóa Bắc Bộ, trực tiếp tham gia công đoạn làm phỗng, trong đó có cả du khách nước ngoài và trẻ em từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

2

 Nghệ nhân Phùng Đình Giáp ngày ngày bên những con phỗng đất đầy màu sắc. Ảnh: Viết Sơn

Dẫu biết rằng nếu theo nghề chắc chắn sẽ không thể đáp ứng đủ kinh tế gia đình, mặc cho hàng xóm láng giềng có bỏ nghề theo việc khác, vợ chồng ông Giáp vẫn hàng ngày tiếp tục giữ gìn một phần văn hóa quê hương. Bên cạnh việc duy trì nghề nặn phỗng đất truyền thống vào những dịp đặc biệt, vài năm trở lại đây, gia đình nghệ nhân Phùng Đình Giáp còn làm thêm nhiều loại con giống, đồ chơi và đồ ứng dụng bằng đất thó như búp bê, khủng long, ôtô, máy bay, gạt tàn hình con giống… để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của thị trường đồ chơi hiện đại, các nhân vật phỗng đất dần trôi vào quên lãng. Tuy nhiên, ông Giáp khẳng định “Phỗng đất sẽ sống mãi”. Điều đó như mở ra tương lai cho phỗng với hơi thở mới, sức sống mới trong cuộc sống hiện đại ngày nay…

Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, UBND TP Hải Phòng long trọng tổ chức đêm hội “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 và đón nhận Bằng ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Du lịch Thanh Hóa ngày càng khởi sắc và đột phá trong những năm gần đây, khẳng định được vị trí, thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Định vị thương hiệu là giải pháp quan trọng để du lịch Thanh Hóa gia tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế điểm đến trên bản đồ du lịch quốc gia.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Sư tử biển California là loài sư tử biển rất đáng yêu và gần gũi với con người. Mùa hè năm nay, người dân Thủ đô có thể gặp gỡ những “người bạn” đặc biệt này duy nhất tại Thủy cung Lotte World Hà Nội.
Giải trí 4 ngày trước
Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024 diễn ra tại thành phố của những kỳ quan Bukhara – từng là điểm quan trọng trên con đường tơ lụa, Cộng hoà Uzbekistan vừa kết thúc với kết quả một đại diện nghệ nhân ngành Thêu May của Việt Nam vinh dự đoạt giải Ba.
Giải trí 4 ngày trước
(SHTT) - Mường Ca Da cổ với những câu chuyện kỳ bí của người xưa và những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đã, đang được biết đến là điểm du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.