SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Chiếu Hới Thái Bình: Kết tinh của sự tài hoa và sáng tạo

07:48, 16/04/2024
(SHTT) - Nằm ở cửa ngõ phía Bắc huyện Hưng Hà, cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 40 km, xuyên qua những cánh đồng lúa mênh mông là đến làng Hới - nơi có nghề dệt chiếu cói lâu đời và nổi tiếng nhất nước ta.

 Ngày nay, dù có nhiều thương hiệu chiếu ồ ạt xuất hiện trên thị trường, nhưng chiếu cói làng Hới vẫn luôn giữ một vị trí đặc biệt đối với người tiêu dùng.

Cái nôi dệt chiếu truyền thống Việt Nam

“Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”, những tấm chiếu được dệt ở vùng duyên hải Bắc Bộ đã đi vào đời sống người dân một cách đầy bình dị như vậy. Ở làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà (Thái Bình) có những người bà, người mẹ đã dành trọn đời mình để gắn bó với nghề dệt chiếu cói truyền thống, lưu giữ những nét đẹp văn hóa trong từng lá chiếu. Nghề dệt chiếu ở làng Hới đã có từ lâu đời, cha truyền, con nối, cứ như vậy đã nhiều đời nay, người dân nơi đây gắn bó với nghề làm chiếu như một lẽ tự nhiên. Những đứa trẻ khi mới lên ba, lên năm đã quen với tiếng thoi đưa, đập lọn, lớn thêm đã biết chọn cói cho bà, cho mẹ dệt.

Trải qua hàng trăm năm, những lá chiếu Hới từ đôi bàn tay tài hoa của người kết sợi đã trở nên nức tiếng khắp nơi. Đến với mảnh đất này các vị khách sẽ được người dân kể những câu chuyện về vị tổ nghề chiếu. Nghề dệt chiếu ở làng Hới không biết đã có từ bao giờ, theo truyền thuyết, vào thời Tiền Lê - Lý ở thế kỷ thứ X, làng Hới đã bắt đầu dệt chiếu nhưng người dân dùng bàn dệt đứng. Do vậy, chiếu dệt ra không được đẹp và chắc. Ở làng ngày ấy có cụ Phạm Đôn Lễ đỗ Trạng nguyên khoa Tân Mùi (1481), niên hiệu Hồng Đức thứ 12, đời vua Lê Thánh Tông được cử đi sứ nhà Minh. Ở xứ người, cụ đã học được các kỹ thuật dệt chiếu tiên tiến của Trung Quốc rồi về truyền dạy cho dân làng. Về sau dân làng tôn Phạm Đôn Lễ là tổ nghề dệt chiếu, gọi là Trạng Chiếu và lập đền thờ cụ.

Làng Hới nằm giữa hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc, nơi đây khá thuận lợi để phát triển cây cói và sợi đay - nguyên liệu chủ yếu để làm nên chiếu cói. Bà Nguyễn Thị Ri (Tân Lễ, Hưng Hà) chia sẻ: “Chiếu muốn đẹp thì cói phải đều, cói tốt nhất là cói nước lợ của xã Quỳnh Phụ (Thái Bình). Tuy nhiên, ngày nay cói hiếm hơn thì lấy nguồn cói từ tỉnh xa như Thanh Hóa. Để cho ra một chiếc chiếu hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn, từ gặt cói, đem phơi, nhuộm màu, làm sạch cho tới dệt”. Mỗi năm các hộ nông dân nơi đây thường dệt trong khoảng 8 tháng, thời gian còn lại của họ dành cho các công việc đồng áng.

chieu hoi

  Những tấm chiếu trải khắp con đường làng là hình ảnh không mấy xa lạ của người dân làng Hới

Làng Hới chính là nơi hội tụ những bàn tay dệt chiếu tài hoa và khéo léo của những người nông dân chất phác, bình dị. Dân trong làng đã quen với nghề dệt chiếu từ nhỏ. Một người dùng cây gon dài đan sợi cói, một người đập đều tay gon, cứ thế, những lá chiếu đều tăm tắp và dày dặn được dệt nên dưới bàn tay người nông dân làng Hới. Quá trình dệt đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa người đưa gon và người đập, đưa phải đều, đập phải chắc tay.

Những chiếc chiếu sau khi thành hình sẽ được in hoa văn, cuối cùng được đem đi hấp và phơi khô, Chiếu Hới truyền thống từ xưa chỉ in màu đỏ, chính giữa thường là chữ Song Hỷ như một mong muốn hạnh phúc ở mỗi gia đình. Đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người dùng, chiếu Hới ngày nay đã có thêm nhiều mẫu mới, song vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc như đủ viền, có hoa văn chính, phụ, đối xứng tạo nên một bức tranh hài hòa.

Linh hoạt đổi mới để phát triển

Đất nước đã bước qua nhiều thăng trầm lịch sử, song chiếu làng Hới vẫn bền, vẫn đẹp, nghề dệt chiếu vẫn được người dân giữ gìn, phát triển. Hơn cả là những người của làng chiếu vẫn đang dệt cả tâm tình của mình để làm nên những chiếc chiếu đẹp cho đời. Lúc hưng thịnh nhất là vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi thị trường đang rất ưa chuộng chiếu cói, những đôi chiếu cói làng Hới vừa bền vừa đẹp đã trở thành sản phẩm được nhiều nơi yêu thích và đặt hàng. Tiếng tăm của làng chiếu cũng vì thế mà vang xa.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cơ chế thị trường đã mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho nghề dệt chiếu. Bước cải tiến rõ nét nhất là vào năm 2005, khi nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào thay thế sức lao động của con người, nâng cao công suất và chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm. Mặc dù phải cạnh tranh với nhiều loại chiếu, đặc biệt là chiếu trúc của Trung Quốc, song chiếu Hới vẫn đứng vững và phát triển nhờ sự năng động đổi mới của làng nghề.

chieu hoi1

Những người thợ chiếu thường dệt đa dạng các loại hoa văn đủ màu sắc khác nhau 

Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề đã có mặt tại nhiều tỉnh trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Thái Lan,… Làng nghề dệt chiếu cói sôi động suốt ngày đêm, ngày thì dệt chiếu, dãi chiếu, hấp nhuộm, trang trí, đêm thì đóng gói để 4 - 5 giờ sáng, hàng loạt thanh niên đã lên đường bằng nhiều phương tiện đưa sản phẩm đi khắp nơi trong cả nước để tiêu thụ.

Để đa dạng hoá các mặt hàng chiếu, người dân Hới đã sáng tạo thêm nghề dệt chiếu nhựa, đang là hướng làm giàu mới của nhiều hộ gia đình nơi đây. Sự thay đổi này cũng đã mang đến cho làng Hới sự phồn thịnh hơn xưa. Đó cũng là sự biến đổi, hoà nhịp cùng thời đại mà con cháu cụ Trạng Chiếu đã tìm đến để duy trì và phát triển làng nghề. Nghề làm chiếu ở xã Tân Lễ không chỉ cung cấp cho thị trường số lượng lớn chiếu mỗi năm, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Chiếu Hới đã giúp nhiều gia đình nơi đây có cuộc sống ổn định, phát triển, làng quê dần “thay da đổi thịt”.

Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 10 giờ trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.