SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Trải lòng nghề lái xe buýt

10:18, 15/04/2024
(SHTT) - Lái xe buýt là công việc vô cùng vất vả, gian lao, có những người đã hy sinh thầm lặng, chấp nhận khó khăn để khách hàng có những chuyến đi an toàn, “đi đến nơi về đến chốn”.

Tài xế xe buýt bắt đầu ngày mới khi trời còn chưa sáng rõ. 5 giờ sáng, họ đã bắt đầu di chuyển đến các điểm dừng đón khách và kết thúc một ngày làm việc vất vả vào lúc 9 giờ tối. Bắt gặp anh phụ xe hớt hải chạy vào tiệm tạp hóa mua hai ly mì tôm còn bốc khói nghi ngút, sau đó bỏ vài viên đá lạnh vào rồi cười bảo: “Tôi bỏ đá vào mỳ cho bớt nóng, ăn nhanh cho kịp chuyến xe...”.

Những bữa ăn vội vàng trên xe

Trên xe buýt tuyến 34, từ bến xe Mỹ Đình đến Trung tâm hành chính huyện Gia Lâm, có anh tài xế Phạm Thành Đạt vô cùng vui tính. Với thâm niên lái xe 8 năm, anh Đạt thuộc từng con ngõ, từng nẻo đường của tuyến buýt 34.

a1

Tuyến buýt 34 vào lúc 5 giờ sáng 

Anh Đạt chia sẻ, lái xe buýt làm việc theo ca, trung bình chạy từ 8-9 tiếng/ngày và được nghỉ 10 phút sau mỗi lượt đi. Trong khoảng thời gian đó, lái xe và phụ xe sẽ vệ sinh cá nhân, còn nếu tắc đường thì quãng thời gian ngắn ngủi này họ cũng không thể tận dụng. Vất vả là thế nên các hành khách khi đi xe buýt cũng không hiếm gặp cảnh khi xe lăn bánh hoặc lúc đang dừng đèn đỏ, người lái xe tranh thủ ăn nhanh chiếc bánh mì. Đôi khi, họ phải treo túi bánh mì lên chiếc móc gắn ở ô cửa sổ để tập trung cầm lái, còn nhân viên bán vé ngồi ở thềm xe ăn vội gói xôi đã nguội từ bao giờ.

a2

Anh Đạt ăn vội gói xôi để bắt đầu ngày mới. 

Theo chị Mỹ Tâm, hành khách đi tuyến xe 34 kể lại: “Hàng ngày, anh phụ xe đều hớt hải chạy vào quán quen tại bến xe Kim Mã, sau đấy anh với vội túi xôi mà cô bán hàng đã chuẩn bị từ trước, chỉ đợi anh đến lấy. Cùng lúc đó, tài xế lái xe điều khiển vô lăng cho xe đi chậm lại để anh thu vé kịp “nhảy” vào trong xe. Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, nhanh tay đưa cho tài xế một phần ăn”.

“Mỗi ngày, lái xe buýt có 2 ca làm, nếu làm ca sáng, lái xe phải dậy lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị 5 giờ sẽ xuất bến. Làm ca chiều luôn phải về muộn, thường 1 giờ sáng tôi mới có mặt ở nhà. Có những hôm trời mưa gió, tôi đi làm vô cùng vất vả và mệt mỏi”, anh Đạt ngậm ngùi tâm sự với tôi. Chính vì vậy, giờ sinh hoạt của tài xế xe buýt và nhân viên bán vé có sự khác biệt rất lớn so với những người lao động Nhà nước thông thường. Khi anh Đạt đi làm ca sáng, vợ con đang say giấc, lúc về thì vợ con lại đi làm, đi học. Ngược lại, nếu làm ca chiều, vợ đi làm, con đi học, đến 1 giờ sáng mới về thì vợ con đã ngủ nên anh ít khi có thời gian chia sẻ cùng vợ, cùng con. Sự an toàn của khách trên những chuyến xe là nhiệm vụ, cũng là niềm vui nhưng đâu đó,  tài xế xe buýt vẫn mong muốn chút bình yên, quây quần bên mâm cơm gia đình.

Anh Nguyễn Văn Phúc, tài xế xe buýt tuyến 32 than thở: “Sống cái nghề này như cá trên thớt vậy, âm giờ thì bị cấp trên phê bình rồi trừ lương, rồi thì còn bị khách chửi, vội vàng mà luồn lách thì sợ xảy ra tai nạn giao thông, mất chuyến thì vợ con chỉ còn nước nhịn đói. Đã thế, những năm gần đây, thành phố thực hiện nhiều dự án thoát nước, “lô cốt” mọc lên nhan nhản, kẹt xe tắc đường luôn xảy ra, nhiều lúc áp lực đè nặng, tôi cũng tính bỏ nghề nhưng nhà có tới sáu, bảy miệng ăn, không lái xe thì biết làm gì. Vả lại, cầm vô lăng quen rồi, một ngày nghỉ là cảm thấy nhơ nhớ, rất khó tả...”.

...Một lúc sau, xe về đến bến xe Yên Nghĩa trả khách, trời nắng gắt, không khí ồn ào ở bến xe lại càng ngột ngạt, sau khi ăn vội nốt gói xôi, các tài xế tranh thủ ngả ghế chợp mắt vài phút. Cạnh đó, cũng có nhiều tài xế khác mệt lả, nằm chèo queo trên ghế. Mỗi khi tiếng chuông báo thức lịch trình chạy xe từ những chiếc máy điện thoại reo lên, họ lại lật đật dụi vội mắt, nổ máy tiếp tục cuộc hành trình đã được sắp đặt.

Những nỗi niềm giấu kín

Trong tâm trí của người dân, nhắc đến xe buýt, mọi người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những chiếc xe “phóng nhanh, vượt ẩu”, “hay gây tai nạn”, thậm chí còn có một danh xưng dành cho nó - “hung thần xa lộ”. Khi nghe những câu nói như vậy, các tài xế xe buýt đều ngậm ngùi, buồn bã. Trong lòng họ tràn ngập tâm tư, nỗi niềm khó nói về nghề “chiều lòng thiên hạ”, phải coi “khách hàng là thượng đế”. Anh Đạt nói rằng phải có tinh thần thép, lòng yêu nghề và sự gắn bó thành thân quen mới tiếp tục làm công việc này bởi áp lực về thời gian đã khiến không ít người bỏ nghề. Họ muốn quan tâm, dành thời gian chăm sóc gia đình mình nên họ buộc phải rẽ sang trang mới.

Chưa kể, vào giờ cao điểm, đường xá tấp nập, ngồi trong buồng lái, nhìn xuống đường, không ít tài xế cảm thấy rối mắt và đầu óc căng thẳng vô cùng.

“Xe buýt dài 10m, chỉ kém xe container, trong khi cứ 500-700m lại phải ra vào điểm dừng để đón trả khách. Khi giao thông ùn tắc, xe buýt phải gắng gồng mình di chuyển trên đường trong vòng vây hoạt động của vô số loại hình phương tiện khác. Do không có làn đường riêng, xe buýt phải đi theo kiểu… “điền vào chỗ trống” và tạt đầu phương tiện vì nếu nhường đường thì không kịp hoàn thành chuyến xe,” anh Đức Phúc giãi bày với tôi. Thậm chí, người lái xe buýt phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông cho dù đúng hay sai. Sau đó đeo bám họ là những ám ảnh, là cảm giác tội lỗi bủa vây sẽ theo họ suốt phần đời còn lại. Tuy nhiên, khi hỏi liệu có bỏ nghề lái xe không, những tài xế xe buýt quả quyết rằng không có ý định rời vô lăng xe bởi nhiều lúc nếu nghỉ một ngày, ở nhà đã thấy nhớ xe, chỉ mong mau đến hôm sau để được trở lại với công việc.

a3

Bến xe Yên Nghĩa nắng rọi đỉnh đầu vào giờ nghỉ trưa của các tài xế. 

Kết thúc tuyến buýt 34 ở bến xe Mỹ Đình, tôi chào tạm biệt tài xế xe buýt, nhân viên bán vé. Trên đường đi, tôi vẫn tiếp tục trầm tư suy nghĩ về công việc của họ. Dù công việc nào cũng vất vả nhưng đối với nghề lái xe buýt, các bác tài phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn, nắm trong tay mạng sống của hơn chục người, chỉ một phút lơ đễnh, hậu quả khủng khiếp sẽ ập tới.

Đã có nhiều trường hợp tiêu cực trên xe buýt xảy ra như ứng xử của phụ xe với hành khách nhưng họ cũng đang phải gánh trên đôi vai nhiều áp lực vô hình. Thay vì mắng chửi, chì chiết, phải chăng, mỗi hành khách đi xe buýt nên có cái nhìn bao dung hơn, thông cảm hơn với những khó khăn của người lái xe, nhân viên bán vé?

Viết Sơn

Tin khác

Tin tức 7 giờ trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Dạy lập trình máy tính cho trẻ em đang được coi là xu hướng giáo dục mới trên thế giới và Việt Nam. Không phải là những giờ học khô khan theo kiểu đọc, chép một chiều, các em nhỏ tại lớp học lập trình có thể rèn luyện tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề và thỏa sức sáng tạo.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 1 ngày trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…