SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 15/05/2024
  • Click để copy

Nón làng Chuông: 'Chật vật' tìm truyền nhân nối nghề

07:29, 13/04/2024
(SHTT) - Làng Chuông từng là nơi tấp nập với nghề đan nón sớm hôm, là điểm sáng trong bức tranh làng nghề tinh hoa dân tộc. Thế nhưng cơn lốc đô thị hóa đã khiến nhiều người trẻ rời làng, tìm kiếm công việc mới, từ đó Làng Chuông đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu nghệ nhân trẻ.

“Chúng nó cứ thế mà rời làng thôi”

Làng nghề truyền thống tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã từng và luôn được kỳ vọng là cửa thoát nghèo cho người dân. Nhưng, thực tế lại không như vậy.

Chật vật tìm cách để tồn tại, nguồn thu nhập thấp, người làm nghề không sống được với nghề… là lý do khiến cho quy mô sản xuất nón làng Chuông ngày càng bị thu hẹp. Mỗi sản phẩm nón với mức giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng, với những mẫu mã đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn sẽ dao động từ 110.000 - 250.000 đồng - một mức giá mà nhiều thợ làm nón cho rằng chưa phản ánh đúng với công sức họ bỏ ra. Bởi để tạo ra một chiếc nón đẹp bán ra thị trường, đòi hỏi người thợ phải có bàn tay tài hoa, sự khéo léo qua nhiều năm làm nghề. Tiền mua nguyên liệu đầu vào cũng ngày một đắt, dẫn đến lãi suất thu về cũng ít dần đi. Bà Nguyễn Thị Bình (70 tuổi) tâm sự: “Giờ có nhiều kiểu dáng mũ, ai còn thèm quan tâm đến nón lá. Thu nhập quá thấp mà còn lo tiền sinh hoạt, con em ăn học. Chúng nó cứ thế mà rời làng, đi xa để còn kiếm tiền, chứ không ở đây mãi được”.

non lang chuong

 Bà Nguyễn Thị Bình dù hơn 70 tuổi nhưng vẫn cần mẫn đan từng vành nón

 Trao đổi với ông Lê Văn Tuy, một trong hai nghệ nhân duy nhất của làng Chuông có xưởng sản xuất nón, ông cho biết số lượng người làm việc tại xưởng hiện chỉ còn 30% so với ban đầu và đa số là người cao tuổi. Việc kinh doanh nhỏ lẻ dẫn đến nguồn thu không đồng đều, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển làng nghề. “Công việc hái ra tiền” ngày nào, giờ đây trở thành nghề phụ kiếm thêm thu nhập, muốn thấy thợ trẻ, phải đỏ mắt kiếm tìm.

Không chỉ công việc chuyên môn, điều mà các nghệ nhân trăn trở còn là hướng phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề. Theo tìm hiểu, hoạt động du lịch hiện tại ở làng Chuông đều là tự phát, chưa có tổ chức đứng ra liên kết hoạt động để tạo thành chuỗi du lịch trải nghiệm có hệ thống. Hoạt động du lịch cũng không có sự đa dạng, còn hạn chế trong việc làm nổi bật sản phẩm truyền thống của làng. Du khách muốn tham quan trải nghiệm thì phải tự liên hệ với tất cả những địa chỉ mà họ muốn đến và chưa có chương trình cụ thể nào dành cho khách du lịch. Ngoài ra, phiên chợ hàng tháng tại đây diễn ra vào lúc 4 giờ sáng, nếu du khách muốn trải nghiệm thì phải đến từ rất sớm, thậm chí là ngủ lại qua đêm ở gần địa phương để tham dự chợ phiên.

Một vấn đề khác tại làng là thiếu không gian giới thiệu, trưng bày sản phẩm. “Bên xã nói sẽ bố trí gian hàng tại đình làng cho các nghệ nhân nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Ngay cả đi hội chợ đều là nghệ nhân bỏ tiền túi chi tiêu cho ngày hội đó chứ không có ưu tiên hay chính sách nào”. - Nghệ nhân Lê Văn Tuy nhói lòng tâm sự. Ông Phạm Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương trung cho biết: “Việc liên kết các cơ sở, mở không gian giới thiệu, quảng bá, phát triển sản phẩm vẫn phải đợi cơ chế, chính sách Nhà nước. Việc mở mặt bằng để phát triển du lịch tốn kém chi phí, hơn nữa nhiều người chưa muốn đầu tư làm du lịch làng nghề”.

non lang chuong1

 Nghệ nhân Lê Văn Tuy tầm cuối chiều sẽ ngồi lại để kiểm tra nón lẩn cuối trước khi xuất xưởng

Thế hệ sau cũng không còn mặn mà phấn đấu học tập để trở thành nghệ nhân, bởi họ nhìn thấy thực tế có những nghệ nhân dù được công nhận nhưng cũng chẳng thể sống được với nghề. “Lớn lên trong tiếng đan nón, mùi nón, bản thân chúng mình thấy rõ sự phát triển chậm với nghề này hơn ai hết. Cái nghề đang gần như mai một, mất đi rồi, hầu như bằng tuổi mình ít người biết làm, chỉ biết sửa các chi tiết đơn giản”. - Nguyễn Thị Hồng Ngọc (22 tuổi) bộc bạch.

Nghệ nhân tìm truyền nhân

Nghề làm nón là cơ nghiệp và huyết mạch bao đời của người dân làng Chuông. Việc duy trì nghề từ thời ông cha đến thời điểm hiện tại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thế hệ những người thợ, nghệ nhân như ông Tuy đã và đang cố gắng truyền lửa nhiều hơn cho con em về nghề thủ công này. Một thực tế có thể thấy, các bạn trẻ trong làng chưa nhận thức được giá trị của chiếc nón lá, khi sản phẩm này không chỉ bán trong nước mà còn được xuất khẩu ra quốc tế. mỗi một nghệ nhân đều mong con em “vươn ra biển lớn”, nhưng cũng mong con cháu không quên, không bỏ nghề truyền thống mà tiếp tục phát triển, giữ vững tinh hoa làng Chuông.

Đối với bậc cha mẹ như nghệ nhân Lê Văn Tuy, ông cho biết, bản thân vẫn hướng nghề cho con cháu trong nhà từ nhỏ, không thạo cũng phải biết nghề. Vào mỗi dịp nghỉ hè, ông cũng tạo điều kiện cho các bạn học sinh đến xưởng để vừa học vừa làm nón. Công việc này vừa giúp các bạn kiếm thêm thu nhập. vừa tránh sa vào những trò chơi điện tử thiếu lành mạnh, đặc biệt là có cơ hội nuôi dưỡng tình yêu với nón lá trong mỗi người. Đồng thời, các bạn có thể vận dụng những kiến thức học được trên trường để về phát triển, quảng bá làng Chuông nhiều hơn. “Những người trẻ trong làng nếu không tham gia vào công đoạn đan nón thì các bạn có thể quảng bá nón lá, mang những giá trị văn hóa của dân tộc đến với bạn bè thế giới”, nghệ nhân cho hay. Bạn Nguyễn Thị Hồng Ngọc ( 22 tuổi) bày tỏ: “Trong tương lai, khi mình đã hoàn thành xong việc học trên trường, mình muốn áp dụng những kiến thức Marketing đã được học để về làm những dự án, hoạt động quảng bá nón làng Chuông đến cho mọi người”.

non lang chuong2

 Nếu có đoàn khách đến thăm thì phải liên hệ trước để ông Tuy mượn chính quyền nhà cổ của làng

 Song, “nghệ nhân tìm truyền nhân”  không chỉ đến từ phía những người dân, mà còn cần đến sự hỗ trợ từ Nhà nước, chính quyền địa phương. Nghệ nhân Tuy cho hay, hàng năm có những chương trình của huyện và thành phố tổ chức, kêu gọi những người nghệ nhân tham gia để quảng bá. Việc tổ chức nhiều buổi triển lãm, nhiều hoạt động giảng dạy như vậy là để mong các bạn trẻ thấy tầm quan trọng của nón lá làng Chuông, để các bạn tin yêu và hết mình với văn hóa làng nghề hơn.

Theo Quyết định số 801/ QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, một số giải pháp, nhiệm vụ đã được đề ra như phát huy vai trò nghệ nhân giỏi, thợ tốt; hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch…

Có thể thấy, làng nghề sẽ mất đi nếu như không có người tiếp nối, do vậy mỗi bạn trẻ cần phải ý thức được trách nhiệm và tinh thần tự hào với làng nghề. Mỗi một người cùng chung tay góp sức, để những làng nghề như làng Chuông nón lá mãi trường tồn theo thời gian.

Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 1 giờ trước
(SHTT) - Biển Hải Tiến ngày càng hút khách với bãi biển đẹp, thơ mộng. Cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, trẻ trung, năng động, văn minh, lịch sự với sự chân thành hiếu khách là điểm nhấn khi du khách về du lịch biển Hải Tiến.
Giải trí 6 giờ trước
(SHTT) - Hiện, UBND Thành phố Hà Nội đang thực hiện khảo sát để xây dựng một tour du lịch ban đêm kết nối điểm đến là các ngôi chùa cổ trên địa bàn quận Tây Hồ.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Stop motion là công nghệ làm phim hoạt hình đã có lịch sử hơn 100 năm tuổi, cho đến nay công nghệ này vẫn chứng minh được sức hút không hề giảm sút của mình.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, việc xử phạt hành chính với những người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng vô cùng nhiều, việc xử phạt hành chính hiện đã không còn đủ tính răn đe với các đối tượng này.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Chào đón Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và dịp hè 2024, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt dự án biểu diễn có tên gọi “Mùa hè yêu thương”.