SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Trà sen Tây Hồ - Thú vui tao nhã của người Hà thành

07:51, 08/04/2024
(SHTT) - Nhắc đến trà sen Hồ Tây là nhắc đến niềm tự hào, nét đặc trưng trong văn hóa thưởng thức trà của người Hà Nội. Với người dân nơi đây, làm trà không hẳn vì lợi nhuận kinh tế mà họ muốn lưu giữ nghề truyền thống như một nét đẹp văn hóa tinh tế của người con mảnh đất kinh kỳ.

Kỳ công nghề ướp trà sen

Hoa sen được xem là biểu trưng của văn hóa, gắn bó với đời sống người dân Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Trong đó, sen ở vùng ven Tây Hồ có những nét độc đáo riêng. Sen nơi đây là loại có đến hàng trăm cánh, hương thơm đằm hơn sen các vùng khác, thường được gọi là sen Bách Diệp - linh hồn của thức uống được xem là “thiên cổ đệ nhất trà”. Trà sen Tây Hồ là sự hòa quyện hoàn hảo giữa hương vị đậm đà của chè Tân Cương (Thái Nguyên) với hương thơm nhẹ nhàng tinh khiết của gạo sen Bách Diệp.

Để có được những chén trà ngát hương sen, công việc đầu tiên là hái sen vào khoảng từ 4 đến 5 giờ lúc sáng sớm. Khi những bông sen hàm tiếu còn ngậm sương của buổi ban mai, hoa bắt đầu được hái để chế biến rồi ướp trà. Những người hái sen phải tính toán tỉ mỉ làm sao để sen được cắt về vào thời gian có hương vị thơm nhất trong ngày, không được để muộn giờ bởi theo kinh nghiệm xưa truyền lại, sáng sớm chính là thời điểm sen ngâm mình sau một đêm ngậm sương và tỏa ra hương thơm ngào ngạt nhất. Sau đó, người ta nhanh chóng tách nhị hoa, hay gạo sen khỏi bông hoa rồi dùng để ướp trà. Việc lấy gạo sen - “túi hương” của bông sen là công đoạn khó nhất, người làm phải nhanh tay, khéo léo sao cho gạo sen không bị vỡ nát, bay mất hương thơm.

TRA SEN

 Làm trà sen đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn

 Hiện nay, có nhiều cách ướp trà nhưng để có được hương vị thơm ngon nhất, trà nên được ướp theo cách truyền thống. Đầu tiên, người thợ ướp trà với chính những cánh hoa sen nhỏ trong hai ngày. Người ta tách trà khỏi cánh sen, đem sấy khô rồi mới bắt đầu ướp. Cứ mỗi 1kg chè phải dùng hai lạng gạo sen cho một lần ướp. Ướp xong lại đem sấy khô sau đó ướp tiếp lần hai. Vì hương sen chỉ thoang thoảng, nên để hương sen ngấm sâu vào búp trà, các công đoạn phải lặp đi lặp lại đến bảy lần mới xong.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, người gắn bó với nghề ướp trà sen bộc bạch: “Đất ở Hồ Tây rất màu mỡ nên bông sen của Hồ Tây rất to. Tôi đã làm một nghiên cứu là nảy toàn bộ gạo sen của 100 bông sen ở Hồ Tây và nảy gạo sen của 100 bông sen của vùng Phủ Lý, Hà Nam để xem lượng gạo ở vùng sen nào lớn hơn thì đã cho một kết quả rất bất ngờ đó là 100 bông sen của Hồ Tây thì cho chừng khoảng 100g gạo sen trong khi đó muốn có 100g gạo sen từ sen của Phủ Lý, Hà Nam thì mất khoảng 120 đến 140 bông sen. Một điều đặc biệt thứ hai, mọi người đều biết là Hồ Tây là một chốn địa linh - một vùng đất rất linh thiêng. Mà sở dĩ vùng đất này linh thiêng bởi vì tiếp thu được những linh khí của trời đất, và 100 bông hoa sen mọc ở đó ăn bùn của Hồ Tây và tiếp thu được nguyên khí của trời đất nên thơm hơn hẳn so với sen của nơi khác”.

Ngoài ra, với trà sen ướp xổi, tận dụng hương thơm của sen khi cánh hoa vừa hé nở, nghệ nhân cho trà khô vào bên trong những búp sen, sau đó bọc lá sen vào bông hoa và khéo léo dùng lạt buộc lại ở cuống hoa, để từng búp chè đều được gói gọn trong hương sen thơm thoảng. Bông trà tiếp tục được cắm trong nước khoảng 2 ngày và được bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng dần. Bao đời nay, chẳng cần quảng cáo nhiều, trà sen Tây Hồ vẫn vang danh là thức uống tao nhã, một món quà quý đi khắp mọi miền đất nước, mang theo trọn vẹn những phong vị đặc trưng. Đặc biệt, trong hành trang của những người Việt xa quê, trà sen Tây Hồ luôn là thức quà được ưu ái mang theo.

TRA SEN1

Ướp trà là công đoạn khó và quan trọng nhất 

 Giữ gìn nghề truyền thống

Văn hóa trà của Việt Nam thời gian gần đây đã vươn ra khỏi thế giới và rất được bạn bè quốc tế yêu thích, ưa chuộng. Trong số rất nhiều loại trà dân tộc được giới thiệu thì trà ướp hoa sen vẫn luôn ở vị trí quan trọng nhất bởi sự kỳ công và hương vị thanh tao. Nói về thú thưởng trà, có lẽ không đâu sánh bằng Hà Nội. Người Hà Nội coi thưởng trà sen là một nghệ thuật thể hiện thuần khiết nhất văn hóa vốn có của mảnh đất kinh kỳ. Thưởng thức trà sen phải tinh tế và tỉ mỉ mới có thể cảm nhận hết cái tinh khiết, trong sáng, an yên ở từng chén trà. Và trà sen quý cũng chính ở sự công phu, kỹ lưỡng kỳ công của những nghệ nhân làm trà. Đó là những người ngày đêm cần mẫn tìm tòi và sáng tạo những công thức, giữ mãi một nét đẹp văn hóa riêng để mỗi chén trà sen luôn tỏa hương thơm mát như chính tấm lòng thơm thảo của người con Hà Nội.

Để lưu giữ nét đẹp của trà sen trong văn hóa thưởng trà, tháng 7/2012, trà ướp sen Hồ Tây bằng phương pháp thủ công từ hàng trăm năm mang thương hiệu Chè sen Quảng An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Quảng An.

Nghệ thuật ướp trà sen là niềm say mê, niềm tự hào của người dân phường Quảng An bởi thế mà từ đời này sang đời khác nghề truyền thống ấy vẫn được tiếp nối như giữ lại một giá trị tinh túy cho mảnh đất con người nơi đây. Vẫn là cách làm hoàn toàn thủ công, vẫn những nguyên liệu thơm ngon nhất cùng bí quyết gia truyền đã tạo lên món quà độc đáo mang hương vị sen Tây Hồ.

Anh Sướng cũng chia sẻ: “Sấy cũng là cả một nghệ thuật, sấy khô cho hơi nước bay đi nhưng làm sao hương sen phải quyện trong trà, lưu giữ trong trà thì đó chính là bí quyết của những người làm trà sen vì có một nguyên tắc cơ bản là khi hơi nước bay đi sẽ kéo theo những phần tử hương. Sau này rất nhiều người cũng tập tành ướp trà sen, lúc ướp rất thơm nhưng đến lúc sấy rồi thì than ôi không còn hương sen nữa, đấy chính là bí quyết của những người làm trà sen”.

Ngày nay, đời sống kinh tế xã hội phát triển, kéo theo sự du nhập của những thức uống mới, thuận tiên hơn, chính vì thế mà nghề ướp trà sen cũng trải qua không ít thăng trầm. Những năm gần đây, nguyên liệu làm trà sen trở nên khan hiếm, giá hoa bị đẩy lên cao khiến người làm trà gặp nhiều khó khăn, không ít gia đình đã phải chuyển nghề khác. Môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, số lượng hoa sen quanh hồ cũng ngày càng ít. Cùng với đó, phương pháp làm thủ công tạo nhiều áp lực khiến thế hệ trẻ theo nghề cha ông không nhiều. Đã có những lúc bông hoa, cánh trà ấy tưởng như bị quên lãng bởi vòng quay lo toan của cuộc sống, nhưng những người làm nghề, yêu nghề vẫn kiên quyết không để mất nghề, giữ cho kỳ được một trong những nét đẹp văn hóa thanh tao của Thủ đô nghìn  năm văn hiến.

TRA SEN2

 Trà sen Hồ Tây rất được bạn bè quốc tế ưa chuộng

Nghệ thuật ướp trà sen là niềm tự hào của người Hà Nội, của những ngôi làng ven Hồ Tây. Trà sen ướp tay là những món quà thượng hạng, gói trọn trong từng búp trà. Qua bàn tay khéo léo của mỗi nghệ nhân, hương thơm của trà ướp sen Tây Hồ đã đi khắp muôn nơi, là món quà tinh túy cho người đi xa nhớ về quê hương. về vẻ đẹp giản dị mà thuần khiết được bảo tồn và trao truyền qua bao thế hệ.

 Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 15 giờ trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.