SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Quạt Chàng Sơn - Thổi hồn vào quạt giấy

07:41, 15/04/2024
(SHTT) - Xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) từ lâu được biết đến với danh hiệu “làng bách nghệ”, trong đó có nghề làm quạt giấy nổi tiếng bao đời nay. Trải qua những thăng trầm của nghề, quạt giấy Chàng Sơn nay đã vươn mình ra thế giới, nhận được nhiều sự yêu thích của bạn bè khắp bốn phương.

Cách trung tâm Hà Nội 30 km về phía Tây bắc, lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, Chàng Sơn chầm chậm hiện lên trước mắt du khách sinh động với cây đa, giếng nước, thuỷ đình, mái ngói, cổng làng cùng vô số những dải quạt giấy được phơi dọc các ngõ nhỏ trong làng.

Nhắc đến điểm đến văn hoá đặc biệt nơi Hà Tây cũ, ai ai cũng nhớ tới ngôi làng nghề truyền thống lâu đời mang tên “Làng quạt Chàng Sơn”. Ngôi làng này xưa kia còn có tên gọi là “Nủa Chàng”, tọa lại nơi vùng đất yên bình, cổ xưa Thạch Thất và nổi tiếng với nghề làm quạt thủ công truyền thống tồn tại qua hàng trăm năm. Nói về nguồn gốc của nghề làm quạt, người dân Chàng Sơn vẫn truyền nhau những câu thơ:

“Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên

Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền

Phiền tâm quạt, tay đưa gió

Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên”

Những câu thơ ý chỉ nghề làm quạt bắt nguồn từ mong muốn tốt đẹp của người dân Chàng Sơn. Từ thế kỷ 19, những chiếc quạt Chàng Sơn đã có tiếng vượt ra ngoài khuôn khổ trong nước, sang đất phẩm triển lãm nơi Paris hoa lệ.

q1

Quạt Chàng Sơn bảo tồn nét văn hoá xưa 

Quạt Chàng Sơn rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại. Nếu trước kia, Làng quạt Chàng Sơn chỉ sản xuất những chiếc quạt giấy, quạt nan, thì nay người Chàng Sơn đã sản xuất đủ các loại quạt như: quạt the, quạt lụa, quạt tranh trang trí treo tường, quạt dùng làm thiệp mời cưới cho đến quạt cao cấp làm quà lưu niệm.

Những người làm nghề ở đây chia sẻ, xưa kia, Chàng Sơn chủ yếu dùng giấy dó của Bắc Ninh. Ngày nay, giấy dó hiếm và giá cao, nên quạt Chàng Sơn chủ yếu được chế tác từ loại giấy khác. Khi vào giấy cho nan quạt phải thật khéo léo, tỉ mỉ, sao cho giấy không bị nhàu, nếp gấp phẳng, đều, tiện cho công việc vẽ tranh.

Làng nghề sở hữu nhiều loại quạt và mẫu mã đa dạng, song công đoạn để sản xuất ra được một chiếc quạt là hoàn toàn thủ công. Để làm nan quạt, người thợ phải tỉ mẩn lựa chọn từng thân tre, sau đó ngâm hằng tháng trời cho tre dẻo và dai. Những thanh tre đủ tiêu chuẩn sẽ được cắt, vuốt kỹ càng tạo thành khung, phơi khô rồi chuyển đến cho các xưởng dán quạt riêng. Khắp các ngõ ngách trong làng, thân tre được phơi thành từng lớp dày dậy mùi tre nứa.

q2

Tre tươi được cắt thành từng khúc 

Dán áo quạt với khung là khâu vô cùng quan trọng, làm sao để tách nan quạt thật đều, nan càng đều, quạt càng đẹp. Ở mỗi loại quạt, số lượng các nan sẽ khác nhau, quạt nhiều nan sẽ đảm bảo về độ chắc chắn.

q3

Các nan tre đều tăm tắp 

Phết keo vào các nan, đưa vải vào và cố định để tạo hình “vỡ” ban đầu. Quạt dán xong sẽ được treo lên thành hàng hoặc dải dưới đất để phơi khô keo. Sau khi định hình, bàn tay uyển chuyển của những người thợ sẽ đưa dao theo khung kim loại hình bán nguyệt mà cắt đi vải thừa. Bước cuối cùng là gập quạt thành nếp, tán đinh đầu nan và bó thành từng bó riêng.

Không chỉ có giá trị nghệ thuật cao mà mỗi chiếc quạt Chàng Sơn còn mang trong mình một ý nghĩa triết lí lịch sử lâu bền. Quạt có thể là vật làm duyên trên tay của các cô thiếu nữ, các đức ông trong những dịp đặc biệt, hay những bức tranh nghệ thuật độc đáo treo trên tường để trang trí.

Đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Tuấn ở Xóm Đình, chủ cơ sở sản xuất quạt ở Chàng Sơn cho biết,được chứng kiến những công đoạn làm quạt mới thấy hết sự công phu tỉ mỉ của người thợ. Đã gắn bó với nghề hơn 30 mươi năm nên chị Tuấn rất thuần thục trong tất cả các công đoạn. “Để làm được một chiếc quạt giấy phải qua rất nhiều công đoạn, từ mua tre về chẻ nan, đục lỗ, xếp các nan thành xương quạt, phơi nắng, cắt, dán giấy. Riêng việc phơi nan đã mất từ 1-2 ngày, tùy thuộc vào thời tiết, những ngày mùa mưa thì càng tốn nhiều thời gian hơn”, chị Tuấn nói.

q5

 Chị Nguyễn Thị Tuấn giới thiệu công đoạn làm quạt giấy

Chị vừa làm vừa giới thiệu để người xem hiểu được quy trình làm ra một sản phẩm quạt giấy. Công đoạn đòi hỏi sự khéo léo đó chính là phất quạt. Từng nan quạt được xòe ra cố định trên mặt bàn. Người thợ dùng keo sữa phết lên. Ngày trước khi chưa có keo người thợ phải dùng bột sắn hay nhựa quả hồng non. Nay cải tiến người làm sử dụng loại keo dán gỗ giúp quạt được gắn chắc, bền đẹp hơn.

 Người thợ Chàng Sơn đã sáng tạo ra nhiều loại quạt khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong cuộc sống hiện đại. Từ những chiếc quạt giấy bình thường có giá 5 nghìn; đến những chiếc quạt giấy, quạt lụa in hình các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, những câu ca dao, tục ngữ có giá 10 nghìn – 20 nghìn, hay cả những chiếc quạt cỡ lớn trang trí vẽ bằng tranh sơn dầu có thể để tại phòng khách, mang đi tặng, biếu có giá đến vài triệu… Và những chiếc quạt nhỏ xinh bỗng trở lên lung linh sống động lạ kì khi là vật dụng biểu diễn trên sân khấu…

Điều thú vị nhất khi về với làng nghề làm quạt truyền thống Chàng Sơn là du khách được cùng nghệ nhân tự tay làm ra những chiếc quạt giấy xinh xắn. Anh Vũ Thắng du khách đến từ Nam Định vui vẻ chia sẻ: “Mỗi lần có dịp ra Hà Nội, tôi đều ghé thăm các làng nghề truyền thống. Lần đầu tiên đến Chàng Sơn, được trải nghiệm và tự tay làm quạt giấy, tôi rất hứng thú. Mặc dù quạt giấy gắn bó với tôi từ lúc bé nhưng tôi chưa biết để làm nó trải qua công đoạn nào. Đây là trải nghiệm thực sự ấn tượng, khó quên. Tôi cũng ấn tượng với không gian, nhịp sống và con người Chàng Sơn. Nhất định tôi sẽ trở lại đây khi có dịp”.

Không chỉ có giá trị thẩm mỹ, mỗi chiếc quạt chính là kết tinh của tri thức dân gian, sự sáng tạo, khéo léo, chăm chỉ được người Chàng Sơn truyền lại qua nhiều thế hệ. Hoạt động này không chỉ giúp hình ảnh làng nghề truyền thống thêm lan tỏa trong nước mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Sẽ không có một thiết bị hiện đại nào có khả năng thay thế được giá trị hoài cổ và thẩm mỹ trăm năm của những chiếc quạt cầm tay.

Minh Thơm

Tin khác

Giải trí 19 giờ trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.