SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Độc đáo nghề ký họa chân dung đường phố

07:25, 14/04/2024
(SHTT) - Với ký hoạ chân dung đường phố, sự gần gũi, phóng khoáng của những nét vẽ qua trí tưởng tượng và bàn tay tài hoa của nghệ sĩ luôn đem lại cảm hứng đặc biệt cho người thưởng thức.

Nét độc đáo của phố đi bộ Hồ Gươm

Mỗi khi phố đi bộ Hồ Gươm mở cửa vào cuối tuần, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh một nhóm họa sĩ ngồi với nhau. Trong số này, lớp người già khoảng 50 đến 60 tuổi, lớp người trẻ khoảng 30 tuổi trở lại. Điểm chung của họ chính là có chuyên môn và sự yêu thích với công việc vẽ chân dung độc đáo. Ông Nguyễn Linh là một hoạ sĩ đã theo nghề cả chục năm. Trước đây, ông thường vẽ tranh ở chợ Đồng Xuân nhưng sau này khi có phố đi bộ Hồ Gươm, ông đã chuyển đến đây. “Ngày trước cũng chỉ dăm ba người tới đây vẽ thôi, sau này hoạ sĩ tìm về đây nhiều, người thì để kiếm sống, người lại vì yêu thích với nghề hoạ tranh. Bởi thế mới tạo được cái đặc trưng mỗi cuối tuần ở Hồ Gươm”, ông Linh chia sẻ.

Một bức chân dung đẹp đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, không chỉ giống mà còn cần tổng thể hài hoà, bố cục hợp lý, và đặc biệt là phải thể hiện được cảm xúc mà tác giả muốn biểu đạt cũng như thần thái của người làm mẫu vẽ. Để bắt đầu vẽ một bức tranh, trước hết hoạ sĩ phải chỉnh tư thế, chọn góc mặt đẹp của người mẫu. Tiếp đến, phác hình tổng thể rồi đi vào các nét vẽ chi tiết. Sau khi hoàn thành phần thô của bức tranh, sử dụng bút chì đầu nhọn để vẽ các bộ phận quan trọng như mắt, mũi, miệng… Cuối cùng, hoàn thiện bức tranh bằng sự nhấn nhá đậm nhạt của màu chì. Điều đặc biệt là để có thể “tác nghiệp” ở phố đi bộ Hồ Gươm, các hoạ sĩ phải trải qua một bài kiểm tra năng lực được giám sát và chấm điểm bởi giảng viên của Đại học Mỹ thuật.

KY HOA CHAN DUNG

Ký họa chân dung - nét đặc trưng của phố đi bộ Hồ Gươm 

 Một bức ký hoạ chân dung có giá dao động từ 150 nghìn đến 300 nghìn đồng, được hoàn thành trong vòng 10 đến 20 phút. Trong khoảng thời gian đó, đa số khách làm mẫu không thể giữ nguyên vị trí như ban đầu, nên hoạ sĩ cần phải có khả năng quan sát tinh tế, trí nhớ tốt, liên tục nhìn và so sánh giữa tranh và mẫu thực tế để cho ra một bức tranh làm hài lòng khách hàng. Không chỉ thế, tâm lý khi vẽ trước đám đông, đối diện những lời khen chê, bình luận là một thách thức lớn đối với người hoạ sĩ. Vì vậy, họ phải có sự tập trung nhất định cùng tâm thế vững vàng để không bị phân tâm trong quá trình hoàn thiện tác phẩm.

Khi người hoạ sĩ đặt bút vẽ tranh, ngay lập tức thu hút rất nhiều du khách xung quanh kéo đến. Có người chăm chú quan sát từng nét vẽ, có người lại thích thú quay chụp quá trình hoàn thiện một bức hoạ. Tất cả đều cảm thán trước tài năng của người hoạ sĩ. Khách vẽ chân dung trải dài từ học sinh, sinh viên cho đến những du khách nước ngoài. Họ muốn lưu lại kỷ niệm bằng một bức tranh chân dung mộc mạc qua sự lao động chân chính của các hoạ sĩ. Là một du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh dừng lại để quan sát quá trình vẽ tranh, chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (22 tuổi) cho biết: “Mình thấy mấy bác vẽ tranh hay lắm, như đang giữ chân mình ở lại đây vậy. Mọi người cũng đến xem nhiều nữa. Các nét vẽ thực sự rất lôi cuốn, mỗi chi tiết đều được vẽ rất sống động”.

Thách thức của nghề ký họa chân dung

Mỗi người hoạ sĩ tìm đến nghề ký họa bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng điểm chung là đều có sự yêu thích với công việc này. Hoạ sĩ Nguyễn Linh chia sẻ: “Từ ngày bé tôi đã thích lấy mấy viên gạch non vẽ dưới nền nhà theo kiểu trẻ con. Sau này, bố mẹ thấy có năng khiếu nên cho tôi đi học bài bản, thế rồi tôi gắn bó với nghề này đến giờ”. Còn đối với anh Nguyễn Bá Hiệp (30 tuổi) - một hoạ sĩ đã gắn bó với nghề ký họa chân dung hơn 10 năm: “Cái nghề này đến với mình như một cái duyên, mình yêu nó, quý nó, khiến nó trở thành sự nghiệp của mình”. Từ một nghề tay trái khi còn sinh viên, bởi niềm đam mê, anh đã biến nó trở thành công việc chính của bản thân. Suốt những năm qua, anh không ngừng học hỏi, rèn luyện kĩ năng để trau dồi thêm kinh nghiệm và sáng tạo ra chất vẽ riêng không trộn lẫn. Có lẽ chính vì “chất riêng” đó mà góc vẽ của anh luôn thu hút những người muốn thưởng thức tranh.

Đam mê là thế, nhưng người hoạ sĩ không thể tránh khỏi những khó khăn, vất vả mà công việc này mang đến. Những năm trước, khi nghề ký họa chân dung còn mới lạ, người dân vì hiếu kỳ với loại hình nghệ thuật này mà sẵn sàng bỏ tiền ra để có cho mình một bức họa bản thân. Thế nhưng, càng về sau, những bức chân dung không còn là điều mới mẻ với thị hiếu của người dân, lượng khách vì thế cũng ít đi. Không những thế, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng khách tới vẽ tranh thưa dần. Đây chính là một khó khăn đối với người hoạ sĩ xem việc ký hoạ chân dung là nghề kiếm sống chính. Ông Trần Đức Quyền (họa sĩ đường phố) chia sẻ: “Ngày trước nghề vẽ huy hoàng lắm, họa sĩ tuy ít nhưng lúc nào cũng vẽ liên tay, có người còn yêu cầu vẽ 2, 3 tấm. Thế mà giờ đây, người ta không còn háo hức trầm trồ như xưa bởi không còn mới lạ nữa”.

KY HOA CHAN DUNG1

 Họa sĩ Nguyễn Linh đang hoàn thiện bức ký họa của mình

Đặt trong bối cảnh phố đi bộ đang xuất hiện thêm nhiều hình thức giải trí mới thu hút sự chú ý của khách tham quan… phải làm cách nào để những bức tranh chân dung có thể khẳng định giá trị không bị mai một của mình? Trả lời cho câu hỏi đó, hoạ sĩ Trần Đức Quyền chia sẻ: “Phải vẽ tốt lên, vẽ chuyên nghiệp, bức tranh đẹp là khi nó thể hiện được chất lượng của mình và trình độ của hoạ sĩ. Đẹp thì mới thu hút được nhiều người. Muốn thế thì phải kiên trì rèn luyện, phải vẽ nhiều hơn để nâng cao tay nghề, con mắt thẩm mỹ cùng cái óc sáng tạo”.

Đối với người họa sĩ, đặc biệt nhất là mỗi khi hoàn thành xong một bức tranh: “Bức nào vẽ xong thì thấy khoan khoái, nhẹ nhõm lắm” - họa sĩ Nguyễn Linh bộc bạch. Nụ cười hài lòng, đôi lúc là sự trầm trồ thán phục của khách hàng khi nhìn bức vẽ được hoàn thiện đã trở thành nguồn động lực to lớn giúp những người họa sĩ có thêm tình yêu cũng như sự kiên trì đối với công việc họa tranh. Không phải cứ cầm bút vẽ là sẽ trở thành họa sĩ, đó là cả quá trình học hỏi, mài giũa, khám phá và sáng tạo để được mọi người công nhận. Chính vì thế, mỗi bức tranh mà du khách chiêm ngưỡng chính là sự chăm sóc, say sưa, yêu quý và tôn trọng; đó là tâm huyết và là đam mê của người họa sĩ dành cho những “đứa con tinh thần” của mình.

Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 47 phút trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 20 giờ trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.