SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Lụa Vạn Phúc: Nét đẹp tinh túy ngàn năm không phai

10:18, 15/04/2024
(SHTT) - Nhắc đến Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), người ta nhớ đến nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có truyền thống lâu đời với đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Ngày nay, đứng trước sự cạnh tranh của thị trường, lụa Vạn Phúc có còn được ưa chuộng hay đang dần đánh mất đi vị thế của mình?

Làng nghề hơn 1100 năm tuổi

Theo lịch sử, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc được truyền lại bởi bà A Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, Thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo (sau đổi thành làng Vạn Phúc). Hơn một thiên niên kỷ trôi qua, ngôi làng này đã trở nên đặc biệt nổi tiếng bởi những sản phẩm lụa với vẻ đẹp cao cấp, tinh xảo và độc đáo.

lua van phuc

Kén tằm - Nguyên liệu chính dệt lên những tấm lụa Vạn Phúc 

Nguyên liệu làm lụa Vạn Phúc chủ yếu là tơ tằm bởi độ mềm mại và dẻo dai của nó. Để tạo ra những sản phẩm tơ lụa hoàn hảo, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn kì công như tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, phơi căng… Ở bất kì công đoạn nào người nghệ nhân cũng phải hết sức cẩn thận, túc trực theo dõi ngay cả những công đoạn đã có máy móc thực hiện.

Nét hoa văn trang trí trên những tấm lụa là những hình ảnh gần gũi với người Việt Nam được cách điệu như trống đồng, hoa mai, hoa ban, cây trúc, đèn lồng, chữ thọ,... Nghệ nhân Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa cho biết: ‘‘Điều làm nên sự khác biệt và đắt giá của sản phẩm lụa Vạn Phúc là tất cả đều được may thủ công từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Hoa văn chìm nổi trên mỗi tấm lụa được tạo ra ngay từ công đoạn dệt, chứ không phải sử dụng công nghệ in ấn như những nơi khác, vì thế cả hai mặt vải đều có thể dùng được’’. Cũng vì vậy mà ngay cả khi những cơ sở làm lụa ‘‘mọc lên như nấm sau mưa’’, cạnh tranh về giá cả mang sức ép nặng nề, nhưng lụa Vạn Phúc vẫn mang một dấu ấn riêng, khó trộn lẫn, thu hút sự yêu thích của một bộ phận người tiêu dùng nhất định.

Năm 1913, lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ ở Marseille và Paris, được người Pháp đánh giá là loại tinh xảo của vùng Đông Dương. Tiếng tăm vang xa, cơ hội xuất khẩu mở ra từ đó. Từ năm 1958 - 1988, thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm lụa Vạn Phúc là các nước Đông Âu. Từ năm 1990 tiếp tục được xuất khẩu ra nhiều quốc gia khác trên thế giới, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Việt Nam. Có thể nói, lụa Vạn Phúc không chỉ mang ý nghĩa văn hóa dân tộc mà còn có ý nghĩa kinh tế đối với quốc gia. Bảo vệ được làng nghề truyền thống này không bị mai một là sự góp sức lớn lao của cộng đồng làng nghề. Không chỉ là một kế sinh nhai, đó còn là tình yêu, sự biết ơn của thế hệ sau dành cho tiền nhân.

lua van phuc1

  Kéo sợi là công đoạn đầu tiên trong quá trình dệt lụa

Đổi mới từng ngày để đi tiếp cùng thời đại

Năm 2017. lụa Vạn Phúc rơi vào khủng hoảng do nhiều cửa hiệu nhập hàng Trung Quốc về bán làm ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề. Không chỉ làm giảm uy tín, sản phẩm bán ra khó tiêu thụ mà một số con buôn hám danh còn lợi dụng tâm lý chuộng đồ rẻ của người mua, ngang nhiên đánh tráo khái niệm đồ kém chất lượng với lụa Vạn Phúc. Đứng trước nguy cơ đánh mất thương hiệu, làng nghề nghìn năm tuổi, chính quyền cùng các nghệ nhân Vạn Phúc đã và đang tìm con đường đổi mới không ngừng để vượt qua thách thức, bảo tồn nghề dệt truyền thống.

lua van phuc2

 Lụa Vạn Phúc được sản xuất hoàn toàn từ kén tằm và không có các tạp chất nào khác

Để tránh tình trạng ‘‘vàng thau lẫn lộn’’, các sản phẩm lụa Vạn Phúc đều bắt buộc phải ghi rõ xuất xứ, chất lượng và niêm yết giá thành rõ ràng. Trên mỗi lô vải lụa sẽ được dập mẫu logo riêng, du khách nhìn logo là có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Khao khát muốn đưa làng nghề gây dựng lại chỗ đứng, nghệ nhân Phạm Khắc Hà còn cho biết: ‘‘Chất lượng sản phẩm thôi thì chưa đủ mà còn phải là cách tuyên truyền, quảng bá’’. Những nghệ nhân tìm đến các kênh truyền hình, các chương trình khuyến công và chương trình du lịch để quảng bá cho sản phẩm lụa Vạn Phúc truyền thống. Những người trẻ trong làng nghề sẽ được cho đi học lớp marketing để phục vụ cho công việc quảng bá và đưa sản phẩm đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước một cách hiệu quả. Bên cạnh đó làng nghề cũng đang đạt được những thành công nhất định trong việc áp dụng số hóa, mô hình kinh doanh trực tuyến thông qua các trang mua bán thương mại điện tử hay hình thức livestream. ‘‘Thời điểm dịch Covid - 19, số lượng khách đến đây rất hạn chế nên nhà tôi đã cho bán hàng trực tuyến, vừa tiện cho người mua lẫn người bán, doanh thu cũng từ đây tăng lên đáng kể’’, - Nghệ nhân Phạm Khắc Hà chia sẻ.

lua van phuc3

 Ngày nay, các công đoạn sản xuất được thay thế bằng máy móc để tăng năng suất 

Mỗi nghệ nhân ở làng Vạn Phúc cũng luôn mang ý thức đổi mới từng ngày. Nghệ nhân Trần Thị Giang chia sẻ: ‘‘Hôm nay học ngày mai lại thấy mình lạc hậu’’. Trước đây, một số vị khách ghé thăm đã phản ánh về sự thiếu sáng tạo và rập khuôn trong họa tiết và mẫu mã lụa Vạn Phúc, khiến những nghệ nhân ở làng rất buồn và trăn trở. Chính vì thế, dù đã ngoài 70, ông Phạm Khắc Hà vẫn rất tích cực tham gia các hội thảo, hội thi sáng tạo mẫu cho sản phẩm lụa do thành phố tổ chức. Kết quả mỗi năm làng nghề đạt từ 5 - 6 giải thưởng, sáng tạo ra nhiều mẫu hoa văn độc đáo như mẫu Phúc Lộc Thọ, Trống Đồng, Song Hạc, Thọ Đỉnh, Tứ Quý cách tân,... giúp sản phẩm truyền thống tăng thêm nét độc đáo.

Trăn trở về phát triển trong tương lai của làng nghề, ông Hà còn mở các lớp học dạy nghề, mỗi lớp từ 35 học viên, đào tạo trong ba tháng, được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều người học xong, đi nơi khác, mượn danh làng lụa Vạn Phúc mà mở các cơ sở kinh doanh không đảm bảo chất lượng, không tôn trọng nguồn gốc. Vì vậy đến thời điểm hiện tại, ông chỉ nhận những học viên là người địa phương hoặc là người có dự định gắn bó lâu dài với làng, như một cách bảo vệ hồn cốt quê hương mình.

lua van phuc4

Những tấm lụa Vạn Phúc thành phẩm vô cùng bắt mắt 

Phải có tình yêu dành cho làng nghề to lớn thì mới nghĩ, mới làm được như vậy, mà cũng bởi không có tình yêu thì ‘‘không theo cái nghề này được’’. Ông Hà cũng gửi gắm tới thế hệ trẻ rằng, lao động sản xuất thôi chưa đủ, phải có lòng say mê, xem nghề như là máu thịt thì mới có thể gắn bó và phát triển nghề trở nên thịnh vượng, không chỉ về kinh tế mà còn là văn hóa, hồn cốt quê hương, dân tộc.

Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 18 giờ trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.