SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Đế chế Asanzo và những vụ tai tiếng hàng tỷ đồng

14:32, 25/06/2019
(SHTT) - Nghi vấn Asanzo nhập hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam đang trở thành tâm điểm của dư luận. Trước đó, đế chế này cũng từng nhiều lần vướng bê bối về nhãn hiệu và lách thuế trong quá khứ...

Bị tố hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, Asanzo nói gì?

Mấy ngày qua, người tiêu dùng bàng hoàng khi báo chí phanh phui vụ Công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam (đơn vị đã được cấp chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn" năm 2017) thực ra chỉ lắp ráp tivi từ linh kiện nhập từ Trung Quốc. Còn đồ điện gia dụng, công ty nhập "nguyên con" từ Trung Quốc, không sản xuất một mẩu linh kiện điện tử nào. Tuy nhiên, trên bao bì, tem nhãn của Asanzo đều ghi xuất xứ Việt Nam kèm slogan "Asanzo - đỉnh cao công nghệ Nhật Bản".

Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu xác minh, làm rõ thông tin trên.

Theo đó, nội dung văn bản được Văn phòng Chính phủ gửi ba bộ Tài chính, Công an, Công thương nêu rõ Thủ tướng giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia - chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về vụ việc các công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.

Đồng thời làm rõ các vi phạm của tập đoàn này để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

asanzo 2

 

Thủ tướng giao các bộ Tài chính, Công thương chỉ đạo cơ quan chức năng hải quan, quản lý thị trường rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ Tài chính, Công thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7/2019.

Khi báo chí phản ánh nhiều sản phẩm của Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam, ngày 23/6, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo thừa nhận công ty sử dụng tới 70% linh kiện của Trung Quốc để lắp ráp tivi ở Việt Nam nhưng việc ghi xuất xứ Việt Nam và công nghệ Nhật là có căn cứ, phù hợp thông lệ thị trường và không trái pháp luật Việt Nam.

Trước đó, Asanzo từng nhiều lần bị xử phạt hành chính về thuế

Theo thông tin được đăng tải trên Vietq, trong thời gian hoạt động (từ 2014-2016), doanh nghiệp cũng có nhiều sai phạm về thuế. Ngày 16/1/2017, Chi cục Thuế Bình Tân đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo với hàng loạt vi phạm như: Vi phạm thủ tục về thuế; Khai sai dẫn tới thiếu số tiền nộp thuế; Chậm nộp thuế; Truy thu thuế…với tổng số tiền lên tới hơn 250 triệu đồng.

Ngày 7/3/2017, Chi cục thuế Bình Tân tiếp tục ra quyết định xử phạt thêm doanh nghiệp này vì vi phạm hành chính về hóa đơn với số tiền là 6 triệu đồng do đã vi phạm nhiều lần và có tình tiết tăng nặng.

Đầu năm 2017, Chi cục Thuế Bình Tân là đơn vị quản lý trực tiếp và duy nhất thu thuế của Asanzo Việt Nam đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo cũng chỉ mới nộp tiền tạm ứng thuế mỗi công ty 20 triệu đồng, ngoài ra chưa thu được thêm được khoản nào.

Asanzo vi phạm nhãn hiệu Asano

Theo thông tin được đăng tải trên Tin nhanh chứng khoán, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương, đơn vị sở hữu nhãn hiệu Asano đã khởi kiện Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam ra tòa vì vi phạm nhãn hiệu.

asanzo 3

 

Theo đơn khởi kiện, năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Asano, hình số 107919 cho các nhóm hàng hóa về máy giặt, máy xay sinh tố, máy ép trái cây, ti vi, đầu lọc đĩa DVD, loa, amply, tủ lanh, điều hòa, nồi cơm điện…

Đến năm 2015, Công ty phát hiện trên thị trường có Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam sử dụng nhãn hiệu Asanzo có kiểu dáng, mẫu mã giống với nhãn hiệu Asano mà công ty đã được đăng ký bảo hộ.

Công ty Đông Phương đã gửi khởi kiện vụ việc ra tòa án, yêu cầu Công ty Asanzo phải bồi thường thiệt hại số tiền tạm tính là 500 triệu đồng, xin lỗi cải chính công khai và xóa bỏ toàn bộ hàng hóa đang dán nhãn hiệu.

Trong khi đó, Công ty Asanzo cho biết, năm 2014, Công ty đã đăng ký nhãn hiệu Asanzo tại Cục Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực đến năm 2022. Công ty cũng có đơn phản tố cho rằng, việc khởi kiện đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. Công ty Asanzo yêu cầu Công ty Đông Phương số tiền bồi thường thiệt hại là 300 triệu đồng.

Sau đó, hai bên tiếp tục kháng cáo, đầu năm 2019 qua Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ khẳng định, dấu hiệu Asanzo là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Asano theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngoài việc bồi thường và xóa nhãn hiệu, Công ty Asanzo phải xin lỗi, cải chính công khai trên 3 số liên tiếp trên Báo Thanh Niên.

Hải Hà

Tin khác

Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.