Vụ kiện bản quyền Thần đồng Đất Việt: Công ty Phan Thị sẽ kháng cáo?
Kết quả vụ kiện bản quyền Thần đồng đất Việt
Sau 4 ngày xét xử với 2 lần hoãn tuyên án, Tòa án Nhân dân quận 1 đã đưa ra kết luận phiên toà sơ thẩm vụ tranh chấp tác quyền bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.
Cụ thể:
1. Công nhận ông Lê Linh là tác giả duy nhất sáng tạo ra hình tượng 4 nhân vật: Tí, Sửu, Dần, Mẹo còn gọi là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo.
2. Công ty Phan Thị chấm dứt việc khai thác các hình tượng nhân vật này trong các tác phẩm tiếp theo vì đã xâm phạm vào sự toàn vẹn tác phẩm.
3. Xin lỗi tác giả công khai trên báo về việc thông tin không đúng về việc bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả, gây độc giả công chúng hiểu lầm.
4. Phía công ty Phan Thị bồi thường chi phí luật sư cho ông Linh Lê là 15 triệu đồng.
Ngoài ra, Hội đồng Xét xử cho biết thêm, thời gian thực hiện quyền kháng cáo đối với bị đơn là 15 ngày.
Vụ bản quyền Thần đồng đất Việt: Công ty Phan Thị sẽ kháng cáo
Theo thông tin đăng tải trên Zing.vn, ông Nguyễn Vân Nam - đại diện công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh - nói phía ông không ngạc nhiên với kết quả này. “Bên tôi đã dự kiến được phán quyết của tòa cấp sơ thẩm này rồi”, ông Nam nói.
Đại diện Phan Thị tiếp: “Chúng tôi sẽ làm kháng cáo để đi tới tòa phúc thẩm. Tôi hy vọng ở cấp phúc thẩm, hội đồng xét xử sẽ cho thấy rằng mặc dù Việt Nam đang phát triển nhưng đã hội nhập, và có những tiến bộ đáng kể theo chuẩn mực quyền tác giả”.
Theo quy định của pháp luật, trong vòng 15 ngày sau khi công bố bản án sơ thẩm phía Phan Thị sẽ làm đơn kháng cáo.
Nhìn lại vụ kiện Thần đồng Đất Việt
Bộ truyện đã được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận vào tháng 5/2002 cho đồng tác giả là họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, (đại diện công ty Phan Thị), riêng quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị. Tuy nhiên, sau khi bộ Thần đồng đất Việt phát hành đến tập thứ 78 thì họa sĩ Lê Linh quyết định ngưng cộng tác với Phan Thị nên từ đó các tập tiếp theo của bộ truyện tiếp tục ra đời không đề tên tác giả họa sĩ là ông Linh, dù vẽ giống nhân vật của ông Linh. Một số tập chỉ đề tên Công ty Phan Thị, các tập sau nữa đề tên những họa sĩ thực hiện cho đến nay. Trước sự việc hy hữu này, họa sĩ Lê Linh cho rằng ông là tác giả của bộ truyện nên có quyền bảo vệ sự toàn vẹn đối với tác phẩm mà không ai có quyền sáng tác các tập tiếp theo dựa trên các nhân vật có sẵn trong bộ truyện. Vì vậy, từ tháng 4/2007, họa sĩ Lê Linh chính thức khởi kiện Công ty Phan Thị lên Tòa án Kinh tế TP.HCM.
Sau đó, phía Phan Thị cũng kiện ngược lại họa sĩ Lê Linh đã dùng hình ảnh nhân vật Trạng Tý (theo Phan Thị nhân vật này thuộc quyền khai thác của họ) để sáng tác bộ truyện tranh mới.
Trước đó, theo thông tin đăng tải trên Zing, tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, người bảo vệ quyền và lợi ích của công ty Phan Thị cho biết trước đây, ông Lê Linh với chữ ký của mình đã ký xác nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả. Theo điều 3 Bộ Luật Dân sự Việt Nam, ai tự nguyện, tự do ký kết một giao dịch thì người ấy có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch đó. Nếu không thực hiện thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Theo ông Vân Nam, ông Lê Linh đã ký công nhận bà Hạnh là đồng tác giả và yêu cầu Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận. Cục Bản quyền tác giả cũng đã cấp giấy chứng nhận hai người là đồng tác giả. Thế nhưng, ông Linh giờ lại khởi kiện yêu cầu tòa tuyên ông là tác giả duy nhất.
Cho đến khi chữ ký xác nhận công nhận bà Phan thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả với mình còn hiệu lực, thì đến khi đó ông Lê Linh vẫn không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên ông là tác giả duy nhất.
Trong khi đó, họa sĩ Lê Linh khẳng định: “Là tôi là tác giả duy nhất. Đó là yêu cầu tôi đặt ra ngay từ đầu”.
-
Kết quả vụ kiện bản quyền Thần đồng đất Việt: Công ty Phan Thị thua kiện, Lê Linh là tác giả duy nhất
-
Vụ kiện bản quyền Thần đồng đất Việt: Đề nghị công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất
-
Căng thẳng trong phiên tòa tranh chấp bản quyền Thần đồng đất Việt
Linh San