Trước khi thương mại hóa sản phẩm, doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?
Từ doanh nghiệp nhỏ, nhiều chủ sở hữu thành công trong việc thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong nước mà chưa nghĩ đến thị trường nước ngoài. Cho đến khi có nhiều đơn đặt hàng của đối tác quốc tế, doanh nghiệp mới bắt đầu đăng ký bảo hộ ở thị trường nước ngoài thì bất ngờ đã có doanh nghiệp khác đăng ký trước.
Luật sư Hà Thị Kim Liên - Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam tại Hà Nội - lưu ý:
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng đổi mới và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, từng bước nâng tầm chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Mục tiêu là không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước mà còn nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Theo đó, thương mại hóa đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp và lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong quá trình thương mại hóa cũng đóng một vai trò hết sức đặc biệt.
Chính vì thế, việc các doanh nghiệp chưa chú ý đến chuyện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài là một vấn đề đáng được lưu tâm. Đã có nhiều trường hợp các doanh nghiệp, sau một thời gian dài phát triển mở rộng thị trường tại nước ngoài, đã tạo được uy tín và danh tiếng cho mình, tuy nhiên, đến khi nghĩ đến việc thực hiện đăng ký để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thì đã có doanh nghiệp khác đăng ký trước. Đây là những vấn đề nan giải và gây ra rất nhiều rủi ro pháp lý cho các doanh nghiệp trong nước khi kinh doanh tại thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp trong nước cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, bất kỳ doanh nghiệp nào khi đã, đang và có dự định thương mại hóa bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, hãy luôn chủ động bảo vệ triệt để các tài sản sở hữu trí tuệ của mình cả trong và ngoài nước sớm nhất có thể, nghĩa là, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cần gắn liền với bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ.
Quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, được hình thành và bảo vệ dựa trên quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan có thẩm quyền, tuân theo quy trình đăng ký trong pháp luật về sở hữu trí tuệ của từng quốc gia hoặc được công nhận thông qua đăng ký quốc tế theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, việc doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam không tự động có hiệu lực bảo hộ tại các quốc gia khác trên thế giới.
Nói theo một cách khác, bất kỳ quyền sở hữu công nghiệp nào của doanh nghiệp được bảo hộ tại Việt Nam sẽ không đồng nghĩa với việc quyền sở hữu trí tuệ này cũng được bảo hộ tại các thị trường quốc tế khác mà doanh nghiệp đã, đang và sẽ thực hiện hoạt động kinh doanh.
Vậy nên để mở rộng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ra các quốc gia khác theo định hướng thương mại hóa của mình, doanh nghiệp cần thực hiện đăng ký tại các thị trường quốc tế cụ thể. Việc được bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ tại các thị trường kinh doanh sẽ giúp nâng cao uy tín cho hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh đồng thời tránh khỏi những rủi ro pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong suốt quá trình kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp.
Thứ hai, ngoài các kiến thức pháp lý về kinh doanh cũng như các lĩnh vực liên quan đến quá trình hoạt động doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến kiến thức về sở hữu trí tuệ bao gồm nhưng không giới hạn việc đăng ký, xác lập quyền bảo hộ trong nước và ngoài nước để các tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp được bảo vệ, bảo hộ một cách triệt để ở thị trường nước ngoài.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với đơn vị tư vấn sở hữu trí tuệ ngay từ thời điểm có dự định thương mại hóa và/hoặc các tài sản sở hữu trí tuệ chưa được công bố sâu rộng. Từ đó, đơn vị tư vấn có chuyên môn sẽ hỗ trợ tư vấn và đưa ra các giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp để ngăn chặn, hỗ trợ và có những đề xuất kịp thời, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tập trung đầu tư kinh doanh, xuất khẩu,…
Một điều lưu ý thêm, trường hợp đã có doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tương tự ở nước ngoài và nếu doanh nghiệp mong muốn được sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ đó một cách hợp pháp trong kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tiến hành thương lượng, thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc nhận chuyển quyền sử dụng từ người đã đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, quá trình thương lượng và thực hiện các thủ tục này sẽ có thể mất rất nhiều chi phí và thời gian.
Võ Liên
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- xưởng may áo thun đồng phục uy tín
- Năng lượng mặt trời sun win
- Dịch vụ xây dựng group facebook