SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Vụ VNG xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Nhầm lẫn về bản chất giấy xác nhận?

15:55, 20/10/2023
Liên quan đến vụ vi phạm bản quyền của VNG, đại diện pháp luật của nguyên đơn TK-L - Văn phòng Phan Law Vietnam – cho rằng phán quyết của Toà án cấp phúc thẩm có sự nhầm lẫn về bản chất giấy xác nhận là hợp đồng cấp phép khai thác các bộ phim.

Phan Law Vietnam là đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của TK-L đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của VNG - bị đơn.

Đơn vị này vừa có thông tin về phán quyết bất ngờ của Tòa án phúc thẩm vụ kiện 3 phim Minh Lan truyện, Bạch Phát Vương Phi, Phượng Dịch giữa Công ty cổ phần truyền thông TK-L (TK-L) và Công ty Cổ phần VNG (VNG).

Quyền tác giả tự động được bảo hộ

Ngày 29/9/2022, vụ kiện 3 bộ phim Minh Lan truyện, Bạch Phát Vương Phi, Phượng Dịch, Tòa án nhân dân TP.HCM đã phán quyết sơ thẩm xác định VNG vi phạm bản quyền, buộc VNG bồi thường cho nguyên đơn số tiền hơn 14,3 tỷ đồng và công khai xin lỗi trên 3 số báo.

phim BPVP

Nếu ở phiên xử sơ thẩm buộc Công ty Cổ phần VNG bồi thường hơn 14,3 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần truyền thông TK-L vì xâm phạm bản quyền thì cấp phúc thẩm lại bác đơn kiện của nguyên đơn. 

Ngày 16/10/2023, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng không thể buộc VNG bồi thường 14,3 tỷ vì chưa đủ điều kiện để xác định TK-L được độc quyền phát hành 3 bộ phim. 

Tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng chưa đủ điều kiện xác định nguyên đơn được đối tác nước ngoài là Công ty Sea Yuen Limited cấp độc quyền 3 bộ phim Minh Lan truyện, Bạch Phát Vương Phi, Phượng Dịch.

Tuy nhiên, theo đại diện Phan Law Vietnam, căn cứ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và Công ước Berne mà Việt Nam là nước thành viên, nguyên đơn là TK-L chứng minh quyền độc quyền của mình đối với các bộ phim theo đúng quy định của luật sở hữu trí tuệ.

Thứ nhất, về nguyên tắc, quyền tác giả tự động bảo hộ kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức nhất định mà không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Thứ hai, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền chuyển giao quyền của mình cho cá nhân tổ chức khác, trên cơ sở đó, tổ chức được chuyển giao quyền được xem xét là chủ sở hữu quyền tác giả được chuyển giao quyền, hay nói cách khác là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

“Dựa vào các nguyên tắc nói trên, phía nguyên đơn đã cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh thời điểm cấp phép mà các chủ sở hữu quyền tác giả gốc, chủ sở hữu quyền thứ cấp xác nhận trong các tài liệu trên đều xác nhận quyền cho Sea Yuen và nguyên đơn trước thời điểm VNG vi phạm. Như vậy, phía nguyên đơn đã có đầy đủ quyền độc quyền với toàn bộ các bộ phim này”, đại diện Phan Law Vietnam nêu rõ.

Bên cạnh đó, đơn vị đại diện cho nguyên đơn cũng cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm đã nhầm lẫn về bản chất giấy xác nhận này thành hợp đồng cấp phép. 

Cụ thể, tòa án cấp phúc thẩm cho rằng các giấy xác nhận này là hợp đồng cấp phép gốc nên dẫn đến việc nhầm lẫn thời điểm ký các giấy tái xác nhận này của chủ sở hữu quyền cho nguyên đơn sau ngày VNG vi phạm, nên cho rằng là việc cấp phép diễn ra sau khi VNG vi phạm nên nguyên đơn không có quyền độc quyền với các bộ phim nói trên. 

Đại diện nguyên đơn là TK-L là Phan Law Vietnam cho rằng đây là nhầm lẫn nghiêm trọng vì thực tế nội dung các giấy xác nhận này là văn bản tái khẳng định của chủ sở hữu quyền gốc xác định nguyên đơn có quyền độc quyền đối với các bộ phim trước thời điểm VNG vi phạm bản quyền.

Nhầm lẫn về giấy phép nhập khẩu của Cục Điện ảnh?

Tại phiên tòa phúc thẩm, theo HĐXX, đối với bộ phim Bạch Phát Vương Phi, ngày nguyên đơn ký thỏa thuận mua của đối tác là 20/5/2019 và đến 30/5/2019 nguyên đơn mới được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp phép nhập khẩu phim. Tuy nhiên, vi bằng chứng minh ngày bị đơn là VNG có hành vi vi phạm là 16/5/2019. Điều này có nghĩa là thời điểm được cho là bị đơn có hành vi vi phạm thì nguyên đơn chưa được khai thác độc quyền bộ phim tại Việt Nam.

Theo Phan Law Vietnam, Tòa án cấp phúc thẩm đã nhầm lẫn rằng giấy phép nhập khẩu của Cục điện ảnh là giấy phép chứng minh cho việc nguyên đơn là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các bộ phim trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. 

Đại diện Phan Law Vietnam cho rằng đây cũng là nhận định sai lầm của Tòa án cấp phúc thẩm, trái với các nguyên tắc phát sinh quyền tác giả theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ. Như đã phân tích ở trên, kể từ thời điểm được cấp quyền theo nội dung ghi trong giấy xác nhận mà nguyên đơn được chủ sở hữu quyền cấp thì quyền độc quyền của nguyên đơn đã được phát sinh mà không cần phải thông qua thêm bất cứ thủ tục cấp phép nào.

Bên cạnh đó, Tòa án cấp phúc thẩm còn nhầm lẫn về giá trị của giấy phép nhập khẩu của Cục Điện ảnh với các bộ phim. 

Căn cứ trên quyền độc quyền khai thác thương mại các bộ phim trên, phía nguyên đơn hoàn toàn có quyền khai thác trên lĩnh vực truyền hình.

Tuy nhiên, do các bộ phim là sản phẩm báo chí (quy định tại Điều 3.11 Luật Báo chí) nên ngoài việc đảm bảo nội dung trình chiếu trên kênh truyền hình phải có bản quyền, nội dung trình chiếu đó không được vi phạm các điều cấm của pháp luật (quy định tại Điều 9 Luật Báo chí). Do đó, để đảm bảo rằng các bộ phim có thể chiếu trên kênh truyền hình thì các đài truyền hình phải đảm bảo nội dung bộ phim đã được kiểm duyệt.

MLT

Bộ phim "Minh Lan truyện" được TK-L khai thác độc quyền tại Việt Nam.  

Bản chất “Giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm” là để nhập khẩu các đĩa DVD có chứa nội dung các bộ phim để nhằm mục đích kiểm duyệt nội dung. Đây cũng là lý do mà các đĩa DVD này được xem là văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, được nhập khẩu để phục vụ cho việc kiểm duyệt nội dung.

Như vậy, với phân tích nêu trên, quyền độc quyền kinh doanh thương mại của phía nguyên đơn đã được xác lập kể từ thời điểm nguyên đơn được cấp phép. Đối với “Giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm”, đây chỉ là các giấy phép con mà phía nguyên đơn cần bổ sung để nhập khẩu đĩa DVD có chứa 1 bản sao các bộ phim để kiểm duyệt nội dung nếu muốn khai thác kinh doanh bộ phim này trên kênh truyền hình đúng quy định pháp luật về việc kiểm duyệt nội dung. Đây là 2 vấn đề hoàn toàn tách bạch với nhau.

Do đó, giấy phép nhập khẩu trong vụ án hoàn toàn không phải là điều kiện cần như Tòa án cấp phúc thẩm nhận định là phía nguyên đơn phải có trước thời điểm VNG vi phạm để xác định nguyên đơn có quyền độc quyền với các bộ phim này.

Cũng theo đại diện của TK-L - Phan Law Vietnam, phán quyết của phiên tòa Phúc thẩm hoàn toàn đi ngược lại với quan điểm chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tạo nên tiền lệ xấu, dung túng cho hành vi “ăn cắp” bản quyền công khai.

Bình Tú

 

Tin khác

Pháp luật 7 giờ trước
(SHTT) - Theo cảnh báo của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội, hình thức cung cấp dịch vụ cấp lại mật khẩu, chỉnh sửa thông tin ứng dụng VssID - BHXH có lấy phí là trái pháp luật và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Phần mềm độc hại Trojan được đặt tên là "Brokewell" ngụy trang dưới dạng bản cập nhật cho Google Chrome sẽ thu thập dữ liệu bí mật, có thể “đánh bay” tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng mới của Canada đang tạo ra những làn sóng trái chiều. Các doanh nghiệp đang lo ngại việc đạo luật mới mang lại quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.