Luật Thủ đô (sửa đổi) đề ra giải pháp nổi trội trong phát triển 'tam nông'
Hà Nội luôn đặt mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao; tập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho cả nước.
Xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hoá đặc trưng của Thủ đô. Đồng thời, xây dựng người nông dân Thủ đô văn minh, có kỹ năng, trình độ, là chủ thể xây dựng, thụ hưởng thành quả phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, trong những năm qua, đơn vị đã tham mưu, xây dựng nhiều quy hoạch chuyên ngành. Các quy hoạch này đều cần thiết để làm định hướng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch thì các nội dung quy hoạch chuyên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội đều là thành phần trong phương án quy hoạch và được nghiên cứu khi lập quy hoạch Thủ đô. Chính vì vậy hiện nay, các phương án quy hoạch của ngành NN&PTNT vẫn chưa được thông qua khiến phát triển “tam nông” Hà Nội gặp nhiều rào cản.
Để tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội trong phát triển “tam nông”, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề ra nhiều nhóm giải pháp nổi trội, đặc thù. Trong đó có thể kể tới các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông thôn; thu hút, khai thác, phát huy các nguồn lực.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đưa ra các giải pháp nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn như: giao cho Chính quyền Thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm; Hà Nội được phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác.
Ngoài ra, Thành phố Hà Nội cũng sẽ được quyền quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp; cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội khoá XV đưa ra thảo luận cũng đề cập đến một loạt các giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao đời sống của nông dân, người lao động tại các tổ chức kinh tế nông nghiệp. Cụ thể là thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của từng đối tượng hình thành, hướng đến phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, TP đang trong quá trình đô thị hóa, do đó nông nghiệp Thủ đô cần phát huy nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ và tài chính để xây dựng các mô hình theo hướng liên kết, nâng cao giá trị.
Lãnh đạo TP Hà Nội chia sẻ luôn trăn trở làm sao để nông nghiệp Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội và có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái. Đồng thời bày tỏ quan điểm: không có lý gì ở một vùng đất đai màu mỡ, người dân chăm chỉ lao động, có thị trường tiêu thụ lớn, có nguồn lực đầu tư, có đội ngũ chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp mà lại không có sự bứt phá.
Hương Mi