SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Huế xuất hiện những cây bút ký triển vọng

15:48, 26/01/2023
Cuộc thi bút ký “Di sản văn hóa và con người Thừa Thiên Huế” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức vừa khép lại với 13 tác phẩm đạt giải. Các sáng tác văn chương phát hiện thú vị vẻ đẹp Huế, góp phần "bồi đắp" văn hóa, con người Việt Nam.

Nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học Phạm Phú Phong – Trưởng Ban Chung khảo cuộc thi - đánh giá: “Chúng ta rất vui mừng trước sự xuất hiện những tín hiệu mới, như những cơn mưa đầu mùa có tia chớp: Lệ Hằng, Trần Băng Khuê, Bạch Diệp, Nguyễn Hữu Tấn, Trang Thùy, Hải Hạc Phan… hứa hẹn triển vọng tốt đẹp trong “làng” văn chương”.

Kết quả từ cuộc thi ngắn

Cuộc thi bút ký “Di sản, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế” được phát động trong vòng hơn 7 tháng. Ban tổ chức cuộc thi đã nhận 70 tác phẩm của 51 tác giả là các nhà văn, nhà báo chuyên và không chuyên ở nhiều độ tuổi, tỉnh thành trên cả nước gửi dự thi. Trải qua vòng đọc loại vào sơ khảo, ban sơ khảo chọn ra 19 tác phẩm của 15 tác giả vào chung khảo.

321482008_3241362199509054_3433156946638481648_n (1)

 Ban tổ chức, ban giám khảo chụp hình lưu niệm với các tác giả đạt giải tại cuộc thi. Ảnh: N.T.T

Ban giám khảo cuộc thi làm việc công tâm, khách quan có 5 thành viên, đó là: Nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học Phạm Phú Phong - Trưởng Ban chung khảo; Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và nhà văn Hà Nguyên Huyến. Từ đó, ban giám khảo chọn ra 13 tác phẩm xuất sắc, xứng đáng, có chất lượng để trao tặng giải thưởng.

Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - tham dự buổi lễ trao giải cuộc thi bút ký đánh giá cao kết quả cuộc thi.

Thông qua cuộc thi đặt nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo, những người làm văn hóa tỉnh nhà trong thời gian tới làm sao để khơi dậy được lòng yêu Huế đối với những người Huế xa quê, du khách… quảng bá di sản văn hóa, thương hiệu du lịch văn hóa Huế.

324539462_610933860796400_8127062657420495721_n

 Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - trao tặng giải Nhất tác giả Lệ Hằng tác phẩm bút ký Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng.

“Chúng ta muốn những điều được các tác giả, tác phẩm đề cập tới có nhiều người quan tâm hơn, biết đến hơn góp phần vào chiến lược phát triển Thừa Thiên Huế vươn tầm”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Khẳng định và tôn vinh vẻ đẹp Huế 

Tham gia cuộc thi, nhiều tác giả theo đuổi các mảng đề tài với hướng tiếp cận, phản ánh đa dạng và mới mẻ giá trị truyền thống văn hóa, di sản, con người Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Vẻ đẹp Huế trở thành hình tượng nghệ thuật đầy cảm hứng với thiên nhiên như phá Tam Giang, núi Ngự, dòng sông Hương. Hay cuộc sống, văn hóa, phong tục của con người gắn liền với sự quyến rũ, chan hòa đầy bao dung, màu nhiệm của thiên nhiên vùng núi đồi A Lưới. Những hoa cỏ, mưa nắng đời người gắn với mai vàng xứ Huế, cây xanh thành phố hay hàng chè tàu trong nhà vườn rực rỡ hoặc thâm trầm rất Huế.

Ở mỗi tác phẩm, không gian văn hóa Huế ghi dấu ấn vào lòng người được bắt rễ sâu xa và tạo nên từ không gian văn hóa của cá nhân, gia đình, dòng tộc, nguồn cội quê hương. Ở đó, người đọc quyến luyến, say mê với một vùng đất xuất phát từ yêu cảnh, yêu người, từ chỗ học, chiêm nghiệm, cảm nhận cùng tác giả về lối sống có phong cách riêng và ứng xử nhân văn của người dân xứ kinh kỳ.

324454753_1289333134964958_4150260412214190840_n

 Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - trao giải Ba cho 4 tác giả Nguyễn Hữu Tấn, Đăng Vũ, Trang Thùy và Hải Hạc Phan

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - cho hay: “Các tác phẩm bút ký khai thác những nội dung, khía cạnh có khác nhau nhưng có một điểm chung là mong muốn để Thừa Thiên Huế phát triển hài hòa với thiên nhiên. Các tác phẩm đề xuất phương án hướng đến xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa và du lịch đặc sắc của cả nước”.

Theo Trưởng Ban Chung khảo cuộc thi Phạm Phú Phong, Huế là nơi trầm tích trữ lượng văn hóa nhiều tầng lâu đời, là vùng văn hóa màu mỡ cho thể loại ký, nơi mang lại sự thành danh cho nhiều cây bút không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài như: Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Tường Bách, Thái Kim Lan hoặc gần đây Nguyễn Văn Dũng, Dương Phước Thu,... Mỗi người một dáng vẻ, am tường một mảng, đề tài và đặc trưng của từng tiểu loại để tạo nên một dòng chảy liền mạch của thể ký.

Đặc biệt, có những bút ký khai thác những hình tượng nghệ thuật sống động tưởng như đã “chảy tràn vào tâm hồn và trang văn" biết bao thế hệ, đã khai thác tận cùng và cạn kiệt không còn điều gì để nói như: Người uống nước sông Hương (Bạch Diệp), Ngự Hà – sự hồi sinh kỳ diệu (Nguyên Quân),…

“Chính văn hóa quy định ngoài những di sản văn hóa tự nhiên, được tự nhiên ưu ái ban phát mà chỉ có Huế mới có còn có những di sản văn hóa do con người tạo dựng nên như những bản tổng phổ tâm hồn con người và tâm thức sáng tạo”, nhà văn Phạm Phú Phong khẳng định.

323071282_1960385347802403_3468179917855301725_n

 Ấn phẩm tuyển tập cuộc thi Bút ký với 19 tác phẩm lọt vào chung khảo trong đó có 13 tác phẩm đạt giải.

Được đánh giá là thể loại khó song dễ tạo ra ảnh hưởng đến người đọc, thể loại đòi hỏi các tác giả muốn thành công cần chọn cho mình một phong cách độc đáo, giàu sức hút, bút ký vừa đẫm tính tự sự và trữ tình. Đáng tiếc, có một số tác phẩm dự giải đã nhầm lẫn thể loại, có những tác giả để chất thông tấn lấn át văn chương nghệ thuật nên không vượt qua được vòng sơ khảo.

“Cuộc thi chỉ diễn ra trong vòng mấy tháng, lần đầu tiên Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy đứng ra tổ chức đã đạt được những kết quả đáng mừng, trong đó, có sự xuất hiện những cây bút viết ký mới (có thể trước đây họ đã từng thử bút bằng các thể loại khác), như là bước kế tục cho truyền thống của quê hương là thành quả lớn và đáng mừng nhất.”, nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học Phạm Phú Phong nói.

Những tác giả viết bút ký hứa hẹn con đường sáng tác phía trước dù con đường đó cần thêm nhiều bản lĩnh, kiên trì để tạo ra các tác phẩm lớn. Quan trọng vẫn là những người đọc mới là những “giám khảo” tinh tường nhất quyết định sức sống cho tác phẩm.

Cuộc thi kết thúc, song đã mở ra nhiều hi vọng không chỉ ở những cây bút mới mà còn gợi lên nhiều suy nghĩ, thảo luận về bút ký hay trong thời đại mới, về vai trò của các nhà văn trong việc phát huy, phát triển các giá trị di sản, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế.

Tác phẩm "Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng" của tác giả Lệ Hằng được trao giải nhất; hai tác phẩm "Sóng Mỹ Hòa đủ để bạc đầu" của Trần Băng Khuê, "Người uống nước sông Hương" của Bạch Diệp đạt giải nhì; giải ba được trao cho 4 tác phẩm: "Mắt xưa còn xanh màu biếc" của Nguyễn Hữu Tấn, "Làng ngư bên phá Tam Giang" của tác giả Đăng Vũ, "Thơm lắm nghề hương" của Trang Thùy, "Lên ngàn tìm tiếng ríu ran" của tác giả Hải Hạc Phan; cùng 6 tác phẩm khác được trao giải khuyến khích.

Nguyên An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Tại sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IPDAY 2024), sáng 26/4 tại Hà Nội, PGS.TS Lê Hoài Đức chia sẻ rằng người Việt chưa quen biến tài sản trí tuệ thành tiền.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 04/4/2024 đến ngày 15/4/2024, lực lượng QLTT Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về nhãn và không niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 117.000.000 đồng.
Tài sản trí tuệ 19 giờ trước
(SHTT) - Cấp quyền hình ảnh nhân vật (Character Licensing) là chiến lược kinh doanh được nhiều tập đoàn sáng tạo trên thế giới áp dụng thành công và đem về những nguồn lợi nhuận khổng lồ. Vậy Character Licensing là gì và cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Shimano - công ty nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất các bộ phận xe đạp đã tiết lộ một phát minh đột phá. Bằng sáng chế mới cho thấy Shimano đang phát triển một bộ truyền động không dây hoàn toàn mới mang lại hiệu suất tối đa cho các tay đua và người yêu xe đạp.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều 25/4, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 3 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Ninh Giang và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương tổ chức giám sát việc tiêu hủy 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.