Khởi công cầu vượt sông Hương, nâng tầm đô thị Thừa Thiên Huế
Theo đó, dự án cầu Nguyễn Hoàng và đường Nguyễn Hoàng tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) mở rộng có tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỉ đồng. Giai đoạn 1 được thực hiện trong 3 năm, chi phí thi công hơn 1.855 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Quy mô dự án hoàn chỉnh gồm 2 hạng mục chính là xây dựng cầu vượt sông Hương (điểm đầu thiết kế cầu tại khu vực nút giao đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Nguyễn Hoàng; điểm cuối tại khu vực nút giao đường Bùi Thị Xuân) và hạng mục đường Nguyễn Hoàng (nhánh đường vào cầu vượt phía bờ bắc sông Hương, chiều dài tuyến khoảng 1,08 km).
Trong đó, dự án cầu Nguyễn Hoàng có chiều dài khoảng 380m, rộng 43m; gồm 2x3 làn xe ô tô rộng 3,5m, 2 làn xe mô rộng 3,5 và các dải an toàn trên mỗi hướng xe chạy, làn đi bộ rộng 3m được bố trí mức ở cả 2 bên cầu.
Cầu được thiết kế vòm thép gồm 5 nhịp dầm, kết cấu bằng bê tông cốt thép và thép, phù hợp phương án thi tuyển kiến trúc được cấp thẩm quyền lựa chọn và thống nhất. Cầu có khổ thông thuyền sông cấp 3, khả năng thông thuyền đảm bảo tối thiểu: rộng 30m, chiều cao 6m.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: “Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương thuộc tuyến đường vành đai 3 là trục giao thông chính, xuyên tâm vào thành phố, kết nối liên thông 2 đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà, Hương Thủy với TP Huế”.
Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, được chọn lọc qua nhiều đợt thi tuyển, với ý tưởng kiến trúc độc đáo dạng vòm biểu tượng “Hạc chầu Thiên Mụ”, mang theo thông điệp về sự trường tồn của vùng đất Cố đô linh thiên; hài hòa với danh lam thắng cảnh, di sản và văn hóa Huế.
Dự án do liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty Cổ phần Tư vấn kỹ thuật E&R (trụ sở Hà Nội) thực hiện; là bước hiện thực hóa chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tạo động lực, điểm nhấn cho khu vực phía tây thành phố Huế.
Ông Phương nhấn mạnh: “Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP Huế; tạo động lực, hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía Tây thành phố Huế; phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh”.
Được biết dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương được khởi công cùng với các dự án được khởi công trước đó trong năm 2022 như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An; đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2) là bước khởi đầu, cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu, chủ trương của tỉnh và của Trung ương về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”.
Để dự án được thực hiện theo đúng lộ trình, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, cảnh quan, môi trường công trình và khu vực bị tác động bởi dự án và của cộng đồng.
Phan Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
Bloomberg: Lợi nhuận trước thuế của TPBank năm 2023 sẽ tăng 15% bằng áp dụng công nghệ toàn diện
-
Cuộc di dân lịch sử, khôi phục diện mạo vốn có cho Kinh thành Huế
-
Than sinh học giải pháp cho nông nghiệp xanh tỉnh Thừa Thiên Huế
-
Thừa Thiên Huế thu hút đầu tư từ Hàn Quốc để phát triển thế mạnh địa phương