SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp cần theo đuổi tới cùng việc bị xâm phạm nhãn hiệu

11:13, 22/03/2023
Đa số các vụ việc xâm phạm bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam được xử lý bằng biện pháp hành chính thay vì các biện pháp dân sự hay hình sự như nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với biện pháp hành chính, mức xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe.

Trong những năm gần đây, số đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam tăng, song song đó vấn đề xâm phạm nhãn hiệu cũng tăng nhanh. Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2022, ở lĩnh vực nhãn hiệu, tại Việt Nam có 1.430 vụ xâm phạm quyền được xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 18 tỷ đồng, tăng gần 30% về số vụ và 35% tổng tiền phạt so với năm 2021. 

Với những con số trên, một vấn đề có thể đặt ra là việc cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách.

Tái diễn xâm phạm sau xử lý vi phạm

Thực tế, Việt Nam chưa có cơ quan chuyên trách thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan tòa án, quản lý thị trường, thanh tra, hải quan, công an, ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Việc áp dụng các biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án. Việc áp dụng các biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan thanh tra, công an, quản lý thị trường, hải quan, ủy ban nhân dân các cấp. 

Dù có trong tay 3 biện pháp xử lý như hình sự, dân sự, hành chính, thế nhưng biện pháp hành chính vẫn được áp dụng nhiều hơn bởi tính nhanh gọn, ít tốn kém chi phí và ít phức tạp so với hai biện pháp còn lại. Thực tế việc áp dụng biện pháp hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe với cá nhân và doanh nghiệp cố tình vi phạm, hơn nữa còn có tình trạng xử phạt rồi tiếp tục tái diễn.

gia-mao-nhan-hieu-1-2044

Ngày 10/3/2023, Cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện 11 vụ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Nike, Adidas, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Rolex,… 

Cụ thể, ngày 12/3/2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phối hợp với Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường tiến hành kiểm tra đột xuất 20 quầy/sạp kinh doanh tại Saigon Square và chợ Bến Thành (Quận 1). Qua kiểm tra, cơ quan chức năng tạm giữ 1.500 đơn vị sản phẩm hàng hóa gồm bóp ví, đồng hồ, túi xách... có dấu hiệu giả nhãn mác các nhãn hiệu đang được bảo hộ theo quy định của pháp luật, với tổng trị giá khoảng 146.195.000 đồng.

Nhưng cho đến năm 2023, việc kinh doanh hàng giả vẫn diễn ra tại hai địa điểm trên, cơ quan chức năng lại tiếp tục ra quân kiểm tra và xử phạt thêm nhiều lần khác.

Doanh nghiệp cần có ý thức chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ

Sở hữu trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu, là một loại tài sản quan trọng và có giá trị đối với mỗi doanh nghiệp. Dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cần quan tâm và ưu tiên đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và quốc tế. Hiện nay, nhiều cá nhân hoặc doanh nghiệp cố tình tạo ra sản phẩm giống hệt hoặc tương tự các sản phẩm nổi tiếng đã được bảo hộ trên thị trường. Dù biết vi phạm nhưng nhiều đơn vị kinh doanh vẫn bất chấp vì lợi nhuận khủng thu về từ các sản phẩm trên.

Năm 2022, hoạt động hỗ trợ thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ quan tâm, đẩy mạnh thông qua việc cung cấp 219 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền; tham gia 9 vụ kiện tại tòa án và tham gia Ban thường trực Chương trình phối hợp hành động chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quốc gia.

Trong lúc chờ đợi những thay đổi mang tính pháp lý cứng rắn hơn, chính các doanh nghiệp cũng cần chủ động để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp cần phải theo dõi quá trình khi thương mại hóa sản phẩm ra thị trường bằng cách gửi đơn hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng khi phát hiện có nhãn hiệu tương tự hoặc nhãn hiệu của mình bị giả mạo trên thị trường. 

bia-sai-gon-1059

Ông Lê Đình Trung (56 tuổi) bị phạt 700 triệu đồng vì làm gần 9.000 thùng bia có kiểu dáng xâm phạm nhãn hiệu Bia Saigon của Sabeco.

Vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở lại phiên tòa xét xử vụ làm nhái vỏ bia Sài Gòn. Theo đó, ông Lê Đình Trung (56 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) và pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (có trụ sở chính tại 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM) cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Đây là một trong những vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đầu tiên ở Việt Nam mà đối tượng bị khởi tố là pháp nhân (công ty). SABECO (Tổng Công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn) - đơn vị bị xâm phạm bảo hộ nhãn hiệu - đã chấp nhận theo đuổi vụ việc trong thời gian gần 3 năm với quyết tâm đòi lại quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Theo đó, cơ quan giám định thuộc Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xác định dấu hiệu trình bày trên vỏ lon Bia Saigon Vietnam; hình khiên đứng; hình con rồng gắn trên mặt trước và sau lon bia, thùng đựng bia là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bia Saigon đã được bảo hộ thuộc sở hữu của SABECO.

Kết quả pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam bị phạt 3 tỷ đồng, ông Lê Đình Trung bị tuyên mức phạt 700 triệu đồng về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại dịch vụ Trí Hải (chủ thể quyền sở hữu trí tuệ) thời gian qua đã gửi đơn cho Cục Quản lý thị trường các tỉnh như Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… nhằm kiểm tra một số cơ sở kinh doanh sản phẩm mắm ruốc, mắm tôm Bắc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Trí Hải. Kết quả cho thấy, có đến hàng nghìn sản phẩm được phát hiện và thu giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Mắm Trí Hải. 

Gần đây, sự việc tài xế hãng taxi Saigontourist chặt chém du khách người Nhật vừa bị lực lượng chức năng xử lý được dư luận quan tâm. Điều làm cho nhiều người không khỏi bất ngờ, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết hãng taxi Saigontourist thuộc Công ty Cổ phần Vận chuyển Saigontourist có logo và tên thương mại gần giống với hình ảnh nhận diện của Saigontourist Group. 

Theo Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, hãng taxi này nhiều lần cố tình sử dụng thương hiệu Saigontourist gây nhầm lẫn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh thương hiệu của Saigontourist Group. 

Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chính doanh nghiệp. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công nhưng bên cạnh đó doanh nghiệp cần tự bảo vệ thương hiệu trong quá trình thương mại hóa. 

Doanh nghiệp có thể gửi thư khuyến cáo đến doanh nghiệp, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền; gửi đơn đề nghị xử lý xâm phạm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường xuyên tra cứu cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp để kịp thời ngăn chặn các hành vi xác lập quyền có khả năng gây xung đột với quyền sở hữu trí tuệ đã xác lập của doanh nghiệp bằng cách nộp đơn phản đối cấp văn bằng bảo hộ sau khi đơn được công bố.

Võ Liên

Tin khác

Pháp luật 21 giờ trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.