SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Đừng để hình ảnh của TP.HCM chỉ toàn là ‘hàng đểu’ trong mắt du khách

10:47, 03/03/2023
Hàng giả, hàng nhái công khai bày bán ngay trung tâm thương mại, chợ mua sắm lớn của TP.HCM, mặc dù đã bị lực lượng chức năng xử lý nhiều lần nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông", TP.HCM từ lâu đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, ghi dấu ấn bởi những di tích lịch sử, di sản, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, con người hào sảng, hiếu khách... Bên cạnh đó là biểu tượng của sự phát triển, những công trình hiện đại, những khách sạn mang thương hiệu quốc tế.

Trong năm 2022, TP.HCM đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 32 triệu khách nội địa, doanh thu ngành du lịch đạt 131.000 tỷ đồng… các chỉ số tăng gấp đôi so với năm 2021.

Trong năm 2023, TP.HCM kỳ vọng đón 5 triệu khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu 140.000 tỷ đồng. Đặc biệt, TP.HCM mong muốn du khách khi đến thành phố sẽ ở lại lâu hơn, tham quan nhiều điểm đến, chi tiêu nhiều hơn. Ngoài những mô hình du lịch truyền thống, TP.HCM sẽ tích cực tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến du lịch tạo dấu ấn thương hiệu và các hoạt động thưởng thức ẩm thực, tham quan, mua sắm.

Các khu chợ nổi tiếng sẽ trở thành điểm dừng chân của du khách, trong đó phải kể đến những địa điểm nổi tiếng chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại An Đông, Saigon Square. Bởi nơi đây buôn bán đủ mặt hàng từ quần áo, giày dép, túi xách, kính mát, đồng hồ đến hàng hàng hiệu cao cấp mà không có bất cứ trung tâm thương mại hay cửa hiệu nào bên ngoài có đủ.

e79c411cce8614d84d97

Chợ Bến Thành - một trong những địa điểm thu hút du khách đến tham quan, mua sắm khi có dịp đến TP.HCM.

Theo đánh giá, mẫu mã hàng hóa ở các khu chợ được cập nhật liên tục và theo mùa, quần áo cho mọi lứa tuổi, đủ mọi vóc người, kích cỡ. Mức giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Do đó, từ sáng đến tối, hầu như những khu chợ này lúc nào cũng đông khách.

Nổi tiếng là vậy, nhưng chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại An Đông hay Saigon Square lại là những "điểm đen" nổi cộm trong vấn đề buôn bán hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc,… trong nhiều năm qua.

Đáng nói, người mua mặc dù biết là hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận vì giá thành thấp xa so với hàng chính hãng. Trong khi đó, mẫu mã được thiết kế y như mẫu thật. Người mua thì có nhu cầu xài "hàng giá rẻ như thật", còn người bán cũng không cần giấu mà công khai bày bán, tư vấn. 

Vấn đề được đặt ra là nếu mô hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái này cứ tiếp tục tồn tại, công khai thì hình ảnh của TP.HCM sẽ như thế nào trong mắt du khách, đặc biệt là khách quốc tế?

222a473511afcbf192be

Tại các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm và mẫu mã khác nhau nhưng chủ yếu là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng.

Vừa qua, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) vừa công bố "Danh sách những nơi diễn ra hoạt động mua bán các sản phẩm giả mạo và trái phép năm 2022" (NML 2022), Việt Nam có 2 "đại diện" là Trung tâm thương mại Saigon Square (TP.HCM) và chợ Tân Thanh (Lạng Sơn).

Trong đó, Trung tâm thương mại Saigon Square nằm tại trung tâm TP.HCM được mô tả là “nơi buôn bán số lượng lớn và nhiều loại sản phẩm hàng xa xỉ giả như túi xách, bóp ví, đồ trang sức và đồng hồ”. USTR ghi nhận nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc thường xuyên kiểm tra địa điểm này, nhưng cho rằng mức phạt vi phạm thấp và ít có tác dụng răn đe.

USTR lần đầu tiên đưa các chợ truyền thống của Việt Nam vào danh sách đen này vào năm 2017, với sự góp mặt của chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) và chợ Tân Bình (TP.HCM). Trong bốn năm liên tiếp từ 2018 - 2021, chợ Bến Thành (TP.HCM) và chợ Đồng Xuân (Hà Nội) là những cái tên thường xuyên được nhắc đến.

Ngày 20/01/2021, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã từng phải kiến nghị lên UBND TP.HCM đề nghị cho đóng cửa Trung tâm mua sắm Saigon Square. Lý do cần phải đóng cửa được Cục Quản lý thị trường đưa ra là vì nơi đây kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng đến nay, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square diễn ra hằng ngày.

Nhiều năm qua, lực lượng chức năng liên tục tổ chức các đợt truy quét hàng lậu, hàng giả tại các khu chợ nổi tiếng này với hàng loạt cơ sở kinh doanh bị xử phạt, hàng ngàn sản phẩm nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel, Coach, MCM, Christian Dior… bị tịch thu. 

Cuối năm 2022, Cục Quản lý thị trường TP.HCM thành lập nhiều đoàn kiểm tra, truy quét các khu chợ. Tại Saigon Square, bị "đột kích" bất ngờ, nhiều tiểu thương đã đóng cửa trốn lực lượng chức năng kiểm tra. Bước đầu lực lượng chức năng xác định, phần lớn các hộ kinh doanh này có các hành vi vi phạm: Bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng ngoại nhập lậu; không đăng ký kinh doanh.

Tại Trung tâm Thương mại – Dịch vụ An Đông, lực lượng quản lý thị trường phát hiện tại nhiều địa điểm trưng bày các sản phẩm là giày, dép, quần, áo và đầm các loại không có hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có nhãn hàng hóa theo quy định, có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Chanel, Gucci, Dior, Hermes, Louis Vuitton, Burberry.

Tuy nhiên sau đó, theo ghi nhận thực tế của PV,  việc buôn bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ,.... vẫn diễn ra công khai như chưa từng có đợt kiểm tra, xử phạt nào.

Từ đó có thể thấy, những hoạt động kiểm tra, tịch thu, xử phạt người bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ,... chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Nạn hàng giả khó mà được giải quyết một cách triệt để.

z3846429549857_fbfb31d263

Lực lượng chức năng nhiều lần ra quân kiểm tra, thu giữ nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc.

Không quá bất ngờ vì lợi nhuận thu được từ việc bán hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng quá lớn, nên các tiểu thương vẫn bất chấp vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ, rời rạc, chưa nhất quán, quyết liệt nên tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái tiếp diễn liên tục.

Tại Hội thảo khu vực châu Á về "Phòng chống buôn bán thực phẩm, thức uống, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng nhanh giả mạo" tổ chức năm 2019, ông Peter Folwer - Cố vấn cấp cao cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ từng cho biết theo thống kê của cơ quan chức năng, tỉ lệ hàng giả mạo Việt Nam trên thị trường Mỹ nhỏ chưa tới 1%.

Đây có thể được coi là con số đáng tự hào cho thương hiệu hàng hóa Việt. Tuy nhiên, thực trạng vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng tại chợ Bến Thành, Trung tâm thương mại An Đông, Saigon Square kéo dài như thời gian qua có thể để lại những hệ lụy tiêu cực không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính….

Đặc biệt, trong thời điểm ngành du lịch TP.HCM đang ráo riết triển khai nhiều hoạt động để nâng cao hình ảnh du lịch cũng như chất lượng điểm đến, việc kinh doanh hàng giả hàng nhái ngang nhiên giữa trung tâm thành phố sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch trong lòng du khách, đặc biệt là những khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Vì vậy, vai trò của cơ quan chức năng trong việc triệt phá nạn hàng giả, hàng nhái đặc biệt quan trọng. Kết hợp với vai trò của lực lượng chức năng, cần có một chế tài thật nghiêm minh để xử lý triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái thương hiệu nhan nhản như hiện nay.

Kỳ tiếp: Xử phạt người tiêu dùng cố tình mua hàng giả: Liệu có khả thi?

Thanh Thảo

Tin khác

Pháp luật 20 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ môn Sở hữu trí tuệ - Khoa Khoa học Quản lý phối phợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam tổ chức tạo đàm “Luật Sở hữu Trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại”.
Pháp luật 20 giờ trước
)SHTT) - Ngày 17/4/2024, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hoá vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng để phục vụ điều tra.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Lê Xuân Lộc (TGVN) đã có phần trình bày của mình về những sửa đổi của quyền sở hữu trí tuệ cho đến thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật này tại Việt Nam.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty Johnson Controls (JCI.N) đã đồng ý trả 750 triệu USD để giải quyết vụ kiện liên quan đến "hóa chất vĩnh viễn" vô cùng độc hại trong bọt chữa cháy do công ty sản xuất.
Pháp luật 1 ngày trước
(SHTT) - Tại Tọa đàm Luật Sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà (Vision & Associates) - thành viên của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã mang tới nhiều thông tin hữu ích liên quan đến hệ thống pháp luật về xác nhận quyền đối với nhãn hiệu.