SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 04/04/2024
  • Click để copy

Đi tìm nguồn gốc cà phê muối và nỗi buồn 'khai sinh' muộn của người sáng tạo

11:57, 15/08/2023
Đặt tên quán và sáng tạo ra món cà phê theo một câu chuyện tình, vợ chồng ông Trần Nguyễn Hữu Phong và bà Hồ Thị Thanh Hương (TP Huế) không ngờ 13 năm sau, cà phê muối trở nên phổ biến và vươn mình ra khắp ba miền.

Lịch sử cà phê Việt Nam ghi nhận “vàng đen” này từ Châu Âu du nhập vào Việt Nam từ năm 1857. Tây Nguyên có đất bazan trù phú được chọn là nơi canh tác cà phê đầu tiên. Kể từ đó, Việt Nam xuất hiện những thức uống làm từ hạt cà phê, được yêu thích bởi nhiều tầng lớp.

Ngoài cà phê trứng ra đời nay đã gần 70 năm bởi sự sáng tạo của một đầu bếp trong khách sạn Pháp nổi tiếng tại Hà Nội từ năm 1946, cà phê sữa đá gợi nhớ sự phóng khoáng TP.HCM, thì cà phê muối ra đời muộn hơn lại được sáng tạo từ những người pha chế tay ngang bình dân ở Cố đô Huế.

Từ “hương vị” trong văn học đến thức uống hút khách

Trong khi cà phê muối mới rộ lên ở các tỉnh thành khác thời gian gần đây thì tại Huế, có hai quán cà phê đã bước vào tuổi “thiếu niên”. Bảng hiệu phai màu được vẽ tay giản dị. Phía trước, dãy xe của khách ít khi thưa, để có một chỗ ngồi trong quán cũng không dễ dàng.

Bên tách cà phê, ông Trần Nguyễn Hữu Phong - chủ quán Cà Phê Muối số 10 Nguyễn Lương Bằng và 142 Đặng Thái Thân (TP Huế) - kể năm 2010, chưa ở đâu có khái niệm về cà phê muối. Đường Nguyễn Lương Bằng xưa là đường ngắn chỉ mấy trăm mét, có vài trụ sở cơ quan, buổi tối vắng tanh.

“13 năm trước vì vắng vẻ đường Nguyễn Lương Bằng được xem là “con đường chết” của Huế”, ông Phong nói.

DSC05657

Cà Phê Muối số 10 Nguyễn Lương Bằng (TP Huế) - nơi cà phê muối khởi sinh.

Chọn địa điểm “đường chết” để khởi nghiệp cho đỡ tiền thuê mặt bằng, đôi vợ chồng đam mê cà phê từ ngày đi học bàn nhau mở quán. Ông Phong suy nghĩ đặt tên quán với tiêu chí phải mới, lạ. Bất chợt lúc đó, câu chuyện Cà Phê Muối - một tác phẩm truyện ngắn dịch từ nước ngoài được yêu thích trên mạng xã hội - làm ông bật ra ý tưởng.

Câu chuyện kể về một chàng trai cả đời sống với lời nói dối trong buổi hẹn hò đầu tiên: Anh thích cà phê bỏ một chút muối vì quê ở biển, mỗi lần uống cà phê có muối là nhớ về quê hương, gia đình. Sau này, người con gái hôm đó trở thành vợ vì nghĩ một người đàn ông trân trọng quê hương, gia đình sẽ là người chồng tốt. 50 năm sống bên nhau, cô ngày nào cũng pha ly cà phê cho thêm một thìa muối cho chồng. Ngày ông mất, ông mới thú nhận việc mình không hề thích cà phê có muối, đó là lời nói nhầm trong lúc bối rối.

Cảm động về câu chuyện đó, ông Phong bàn với vợ là bà Hồ Thị Thanh Hương nên lấy tên quán là Cà Phê Muối. “Tôi chỉ muốn có món lạ giống như tên quán để làm "màu”. Tôi đưa món cà phê muối vào cho có món lạ trong menu, để khi khách hỏi quán có món gì ngon thì tôi có thể nói đại là cà phê muối”.

2ea6b891d9850adb5394

 Cà phê muối do bà Hồ Thị Thanh Hương sáng tạo. Ảnh: Trần Nguyễn Hữu Phong.

Tên món lạ đã có nhưng đó chỉ là câu chuyện tình lãng mạn trong văn học chứ đâu có thật. Bà Thanh Hương lúc này mới suy tư mày mò pha chế thử. 6 tháng trôi qua, khách vẫn thưa, đường vẫn vắng, không nhớ bao nhiêu ly cà phê muối pha thử đã hỏng, bà Hương lại sợ dở nên không dám mời ai uống. Lúc này, ông Phong tình nguyện nếm thử cho đến khi bà Hương hoàn thiện ra công thức cà phê muối.

Người Huế nổi tiếng cầu kỳ trong ẩm thực. Họ trau chuốt món ăn, thức uống tao nhã, đậm vị, giàu sáng tạo với sự hài hòa giữa tính chất, mùi vị, màu sắc. Vị mặn trong ly cà phê muối là sự thăng bằng và thăng hoa như thế của ẩm thực Cố đô do bà Hồ Thị Thanh Hương sáng tạo nên.

“Tôi là người đầu tiên uống thử cũng là người đầu tiên pha cà phê muối cho khách uống”, ông Phong nhớ lại lúc được vợ hướng dẫn rồi liều pha cho khách uống.

Nhấp ngụm cà phê đăng đắng vị đầu, ngọt ngào đánh thức vị giác khi xuống cổ, mọi thứ tan ra béo ngậy của sữa, kem lẫn hương vị cà phê thơm thoang thoảng. Từ đó, cà phê muối ra đời vào cái thời mà mọi người còn ít dùng mạng xã hội. Họ biết đến quán qua việc truyền miệng, mọi người kháo nhau rằng “quán này có món cà phê lạ lắm”.

Năm 2015, cha mẹ ông Phong tin tưởng cho hai vợ chồng mở cơ sở 2 quán Cà Phê Muối tại nhà ở đường Đặng Thái Thân - con đường bình yên trong thành nội. Giờ đây, hai quán cà phê đón trung bình khoảng 500 lượt khách/ngày nhưng giá cà phê chỉ 15.000 VNĐ/ly và nhiều năm nay không đổi.

Phóng viên hỏi: Vậy cà phê muối có vị gì? Ông chủ Cà Phê Muối Huế đáp: “Hương vị của tình yêu: Mặn, ngọt và đắng”.

Chậm “khai sinh” tài sản trí tuệ

Khách đến nhâm nhi cà phê, tỉ tê đời thường. Từ thức uống nghe lạ lùng, giờ đây, cà phê muối vượt lên phạm vi thức uống của một tiệm cà phê nổi tiếng ở TP Huế mà vươn ra ngoài địa phương.

a9ecf1a195b546eb1fa4

 Mỗi ngày, khách lẻ và khách tour đến đây để được thưởng thức ly cà phê muối chính gốc trong không gian Huế.

Tại Đà Nẵng, nhiều quán cà phê có bảng hiệu Cà Phê Muối, Cà Phê Muối Gốc Huế, Cà Phê Muối Huế Nguyên Bản,… hay chí ít là cà phê muối trong bảng dài thực đơn từ truyền thống đến ngoại nhập nổi lên nhan nhản.

Trần Thị Huyền Trang - chủ quán Cà Phê Muối Maricha (187 Nguyễn Hữu Thọ, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ, Trang bán cà phê muối nhưng chỉ biết loáng thoáng cà phê muối xuất phát từ Huế chứ không biết ra đời thế nào. “Tôi từng chạy bàn cho một quán cà phê. Cà phê muối có trong thực đơn nên tôi được ông chủ hướng dẫn làm. Sau khi nghỉ việc ở đó, tôi tự mở xe cà phê này, mỗi ngày cũng bán được 50 ly cà phê muối, là thức uống được gọi nhiều nhất trong menu”, Trang thật thà chia sẻ.

566fd74db15962073b48

Cà phê muối Huế xuất hiện tại Đà Nẵng và phổ biến ở nhiều tỉnh thành khác. 

Thế nhưng, chúng tôi ngạc nhiên khi biết rằng những quán cà phê lấy tên Cà Phê Muối với món cà phê muối làm món chính hút khách giống quán vợ chồng chị Thanh Hương đều do người khác làm chủ chứ không phải được nhượng quyền.

“Nhiều người đến đây uống cà phê và xin học cách pha chế. Nhiều người đặt vấn đề hợp tác, mở thêm cơ sở ở các tỉnh thành khác nhưng tôi nghĩ nên để cà phê muối như một văn hóa riêng của Huế để giới thiệu tới du khách”, ông chủ Cà Phê Muối tâm tình. 

Việc không muốn nhượng quyền hay mở rộng kinh doanh là điều dễ hiểu, khi những người sáng tạo ra thức uống này có tính cách rất Huế - không muốn bon chen, sống biết đủ.

Cà phê muối giờ đây được bắt chước và sáng tạo khắp nơi, nó đang có một “đời sống” sôi nổi trên thị trường kinh doanh cà phê Việt. Mỗi nơi cà phê muối xuất hiện, dường như luôn có những điểm khác nơi khởi đầu.

“Trước đây, tôi nghĩ sở hữu trí tuệ chỉ dành cho lĩnh vực công nghệ mới cần đăng ký, tiếc quá. Nhiều người làm cà phê muối đang làm thương hiệu rất nổi ở ba miền đều về đây thử và bắt chước chúng tôi”, ông Phong nói.

Hai quán Cà Phê Muối bây giờ tấp nập khách. Có những cụ già 80, dân văn phòng, sinh viên đều yêu thích quán cà phê này. Nhiều du khách xem Cà Phê Muối là điểm đến nhất định phải thử được giới thiệu trong tour du lịch ẩm thực. “Tôi không phải là người hay dùng cà phê, nhưng tôi thấy vị cà phê ở đây rất thú vị và đặc biệt. Hương vị cà phê muối giống như ẩm thực Huế, rất ngọt ngào nhưng cũng đậm đà khó quên”, ông Charuka Samrasekara vui vẻ nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy – phụ trách Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cà phê muối là tên gọi của thức uống, không phải tên riêng, không phải là dấu hiệu phân biệt để đăng ký nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu phải kèm tên riêng. Ban đầu, công thức pha chế ra cà phê muối có thể đăng ký dưới dạng sáng chế/giải pháp, tuy nhiên đến nay đã mất tính mới nên cũng không thể bảo hộ độc quyền.

“Ngay từ đầu nếu họ đăng ký nhãn hiệu tên quán Cà Phê Muối thì khả năng vẫn được bảo hộ, vì muối lại không liên quan đến cà phê nên vẫn có thể có dấu hiệu phân biệt (Ví dụ: Nhãn hiệu Cà Phê Bụi). Tuy nhiên bây giờ trong cà phê này muối như 1 gia vị, phụ gia như cà phê sữa, cà phê trứng”, bà Thúy nói thêm.

Tìm giá trị cốt lõi cho cà phê muối

Ông Lê Hiền – Chủ chuỗi cà phê Lê Café, cơ sở chế biến cà phê tại Huế - cho biết đến nay, mặc dù nhiều người tỏ ra thích thú với cà phê muối mới lạ nhưng ông lại giữ chủ kiến riêng.

“Nó chỉ là phong trào nhất thời vì không có cốt lõi. Cà phê muối xuất hiện cách đây khoảng 13 năm rồi nhưng cà phê muối hồi đó khác về công thức với cà phê muối bây giờ”, ông Hiền cho hay.

6eb1c216a502765c2f13

Cà phê muối khởi sinh tại Huế vẫn chưa được đăng ký nhãn hiệu.

Kinh doanh và chế biến cà phê sành sõi, ông Hiền cho rằng thành phần chủ yếu của cà phê muối là kem, sữa, hương liệu cộng với cà phê nguyên chất hoặc cà phê hương liệu. Song với ông, cà phê muối vẫn còn thiếu cốt lõi về mặt bản chất, đó là một sự “biến tướng đủ đường”. “Cốt lõi là nó phải có quy chuẩn sản phẩm, mang lại giá trị đích thực cho con người”, ông Hiền khẳng định.

Đồng thời, ông Lê Hiền cảnh báo về tình trạng nhiều nơi bắt chước quán Cà Phê Muối của hai vợ chồng ông Phong - bà Hương tại Huế. Tuy nhiên, họ dùng cà phê hương liệu để làm cà phê muối, đó là điều không tốt cho tương lai sản phẩm này.

22c90dbc89a85af603b9

Dẫu còn nhiều ý kiến trái chiều, Cà Phê Muối đã và đang chiếm cảm tình thuyết phục được khách hàng. Việc cần làm ngay bây giờ là đăng ký nhãn hiệu cho Cà Phê Muối chính gốc, tìm ra quy chuẩn cho sản phẩm này. Ảnh: Cà phê muối chính gốc cơ sở 2 số 142 Đặng Thái Thân, TP Huế. 

Được biết, năm 2023, cà phê muối được các chuyên gia đánh giá là xu hướng kinh doanh đầy tiềm năng. Cà phê muối đặc trưng Huế đang lan tỏa ra ba miền cũng là khi rất nhiều sự nhầm lẫn, nhận lầm về người “sáng chế” cà phê muối xuất hiện. Đến lúc này, vợ chồng ông Phong - bà Hương mới cảm nhận được đã vuột qua nhiều cơ hội khi chậm chân trong bảo hộ tài sản trí tuệ.

Cà phê muối dù mới chỉ ở độ tuổi "thiếu niên" nhưng nếu sớm định vị thương hiệu gắn với Cố đô có thể trở thành một sản phẩm văn hóa độc đáo, góp phần làm nên nét tinh hoa trên bản đồ kinh doanh cà phê Việt Nam tương lai.

Bảo Hòa

Tin khác

Thương hiệu 35 phút trước
(SHTT) - Chiều ngày 22/03, tại khách sạn Grand Plaza, Hà Nội, Hội thảo quốc tế "Ứng dụng thi công vách mặt dựng an toàn và thiết kế xanh bền vững 2024" đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.
Thương hiệu 18 giờ trước
(SHTT) - Thời gian qua, cả nước chứng kiến nhiều vụ cháy lớn, chủ yếu tập trung ở các công trình cao ốc, nhà xưởng, kho bãi gây thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, nắng nóng đang vào mùa cao điểm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ.
Thương hiệu 18 giờ trước
(SHTT) - Sau hàng loạt khiếu nại, ASA đưa ra kết luận người tiêu dùng có thể hiểu lầm quảng cáo của ngân hàng Nationwide.
Thương hiệu 1 ngày trước
(SHTT) - Detech Coffee, một doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tại miền Bắc Việt Nam, đã trở thành tiên phong trong việc áp dụng sáng kiến nông lâm kết hợp đột phá để sản xuất cà phê Arabica bền vững, đáp ứng thách thức biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững.
Thương hiệu 1 ngày trước
(SHTT) - Tháng 3/2024, trợ lý ảo Chatbot ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được BIDV ra mắt trên cả hai nền tảng (Web và Mobile App) của BIDV iBank - dịch vụ ngân hàng số dành cho khách hàng doanh nghiệp.