SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 10/05/2024
  • Click để copy

Xây dựng sen Huế từ sản phẩm nông nghiệp đến giá trị văn hóa, du lịch

14:40, 11/07/2023
"Hồi sinh" sen hồ Tịnh Tâm là "hồi sinh" thương hiệu sen Huế, nhưng làm thế nào để phát huy tối đa giá trị tài sản trí tuệ từ "viên ngọc sáng" này là bài toán không dễ.

Ngày hội Sen Huế tổ chức giữa không gian của hồ Tịnh Tâm khoáng đạt, tươi mát hương thơm sen trắng cổ lôi cuốn du khách nô nức đến vãn cảnh, mua sắm, thưởng thức. Ấy vậy mà cũng hồ này, trước năm 2019 bị bỏ hoang cho bèo và rác "chiếm lĩnh" khiến ai cũng xót xa. Nay sự "hồi sinh" của sen Tịnh Tâm cùng những làng sen trong tỉnh Thừa Thiên Huế, phát triển nhiều sản phẩm chế biến chuyên sâu đang mở ra nhiều triển vọng đi xa cho thương hiệu sen Huế.

"Hồi sinh" thương hiệu Sen Huế

Đến Huế, ai cũng nghe tiếng sen Tịnh Tâm. Thế nhưng, hồ sen này đã vắng bóng sen suốt hàng chục năm.

Thế rồi, năm 2020, khi Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo, ý tưởng "Phát triển sen Huế gắn với phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái" của Công Ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt đã mở ra hy vọng "hồi sinh" những mùa sen.

'Ngọc sáng' trong sen Huế: Từ thú vui tao nhã nhất Kinh thành xưa đến chất liệu sáng tạo

“Hồ sen thương hiệu của Huế mà không có hạt sen nào sẽ ảnh hưởng hình ảnh Huế. Tôi quyết tâm lấy lại thương hiệu cho sen Huế”, bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công Ty TNHH MTV Hữu Cơ Huế Việt nói về hành trình khởi nghiệp.

DSC03765

 Chỉ ra phía những đóa sen chớm nụ nơi mọi người đang check - in, bà Huệ kể rõ: Lúc đầu toàn bộ diện tích mặt nước 10ha này của Tịnh Tâm chỉ toàn rác và bèo. 

Miệng nói tay làm. Sau khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục tráng giống sen trắng cổ thành công, bà Huệ xin đưa loài sen quý ra khỏi hoàng thành nhân rộng trên hồ Tịnh Tâm. Trồng sen phải hiểu sen, mày mò nghiên cứu, bà Huệ dày công tiếp tục tìm cách cấy men xuống nước, tạo tầng đất rồi cấy vi sinh sống trên mặt nước để nhân vi khuẩn có lợi lên. Bao giọt mồ hôi rơi xuống cho vạn đóa hoa nở trở lại, năm sau tốt tươi hơn năm trước.

Trồng sen cũng như những cây trồng khác, người dân “trông trời, trông đất, trông mây”. Khi thời tiết ngày càng thất thường hay mùa sâu, nấm, mốc... là thách thức không phải lúc nào sen và người trồng sen cũng chống chọi nổi.

“Nhớ đến mùa sen năm 2022, lũ lụt liên miên, tháng tư trời vẫn còn lũ nên mất mùa đến 80%. Trồng sen khó không phải ở sản lượng mà ở thời tiết”, bà Huệ trên tay cầm búp sen trắng chúm chím và cười nói về vất vả nhẹ như không, thất bại vẫn không làm bà chùn bước.

DSC04396

 Bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt.

Sự kiên trì “nở hoa”, năm 2020 lần đầu tiên sen trắng nở trên hồ Tịnh Tâm sau 25 năm vắng bóng. Hồ Tịnh Tâm có được một mùa sen với cảnh quan như ngày xưa. Sen trắng thức giấc tạo hiệu ứng tốt, được người dân rất đón nhận là tiền đề để nhân rộng, phát triển chuỗi giá trị sen Huế.

Đến nay đứng từ cầu Hồng Cừ nối đến đảo Bồng Lai hay cầu tre Bích Tảo qua đảo Phương Trượng, ý tưởng của bà Huệ thực sự làm "hồi sinh" không chỉ sen Tịnh Tâm mà hồi sinh cả thương hiệu sen Huế. Du khách đến ngày hội không chỉ ngắm sen mà còn đón nhận hương thơm dịu mát trong lành.

"Hồi sinh" sen Tịnh Tâm là "hồi sinh" môi trường hồ Tịnh Tâm, giữ được hương vị khác biệt của sen Tịnh Tâm bởi giữ được cấu tạo đặc biệt của hồ khi hai bên khu vực cầu dưới cùng là cát, bùn đặc, bùn loãng cao hơn 1 m. “Người trồng sẽ phụ thuộc thời tiết từng ngày để khai thác hoa hay hạt. Nếu ngày mai mưa thì không thể thu hoa vì không đủ hương để làm trà”, bà Huệ giải thích.

DSC04079

 Ngày hội sen Huế tổ chức tại đảo Bồng Lai, hồ Tịnh Tâm.

Sen trắng quý hiện diện ở hồ trả lại cho Huế không gian ngự uyển số một dưới thời vua Thiệu Trị.

Đến nay, Công ty Hữu cơ Huế Việt đã chế biến sâu được những gói hạt sen sấy ăn liền có hương vị giòn, bùi, đóng gói trong gam màu tím. Bà Huệ phấn khởi: “Những hạt sen Tịnh Tâm đều được sấy, chế biến xuất đi các nước và một ít trong nội địa ở phân khúc cao cấp chứ không bán ra ngoài hạt nào”.

Hiện nay, Huế có 2 giống sen, giống sen trồng tại Huế và giống sen Huế cổ... Bên cạnh sen trắng được phát triển, Hữu cơ Huế Việt đang nghiên cứu nhằm phục hồi và nhân rộng 2 loại sen hồng cổ Huế rất hiếm trên thị trường để đa dạng hóa sản phẩm.

Không chỉ hồi sinh sen trắng cổ trên hồ Tịnh Tâm là một điển hình. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định mở rộng diện tích trồng sen theo hướng bền vững, nhân rộng thành công mô hình sen trắng trên hồ Phước Tích. Tại Huế, những làng sen Huế như Hương Chữ, Hương Thọ (TX Hương Trà), Phong Điền… tô thêm sắc hương và niềm hi vọng cho những người nông dân chân lấm tay bùn.

Phát triển tài sản trí tuệ của sen Huế

d68eabe851498017d958

Ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế - thay mặt Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" cho Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế.  

Niềm vui đến với người trồng sen Huế, tại buổi khai mạc ngày hội Sen Huế 23/6, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Hồ Thắng - thay mặt Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Sen Huế" cho Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đây là kết quả của dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sen Huế” cho các sản phẩm sen của tỉnh Thừa Thiên Huế”. Dự án là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp trong phát triển nghề trồng và chế biến sen.

DSC03903

 Dòng người dập dìu trong Ngày hội sen Huế 2023.

Phát huy danh tiếng của sen Huế, dự án góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân sản xuất kinh doanh sản phẩm sen Huế. Từ đó, khẳng định chất lượng đặc trưng Sen Huế đến gần với tâm thức người tiêu dùng, tương xứng với đặc sản vùng đất Cố đô.

Trước tình trạng đâu đâu cũng dán nhãn sen Tịnh Tâm và Sen Huế, bên cạnh việc cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc dán nhãn của lực lượng chức năng thì người tiêu dùng cần thông thái để nhận biết.

Bà Đặng Thị Thảo - chủ cơ sở kinh doanh Chiến binh nông sản tại Huế - cho biết: “Sen Tịnh Tâm là sen trắng giống sen cổ, hạt nhỏ, chắc, thơm ngon, dẻo bở và rất hiếm. Sen Huế cũng loạn giá vì nhiều loại, nếu Sen Huế đúng đầu mùa thì giá gốc 240.000 VNĐ/kg nhưng chợ vẫn để giá 160.000 VNĐ/kg. Họ lấy sen vùng khác hay sen non, sen cắt đầu, lột xấu mới có giá đó”.

954f60c71f9fcfc1968e

 Hạt sen bày bán bên hồ Tịnh Tâm nhưng không phải sen của hồ Tịnh Tâm.

Đến đường Tịnh Tâm dễ dàng bắt gặp hàng chục hộ, công ty bán hạt sen rất được du khách quan tâm mua làm quà khi đến Cố đô. Thế nhưng, không phải du khách nào cũng biết phân biệt sen có nguồn gốc từ đâu.

DSC03820

Những bó sen trắng giống cổ của hồ Tịnh Tâm. 

f66f66f2bdaa6df434bb

 

“Sen Huế như nếp, sen chỗ khác như gạo. Sen Huế bở, thơm lắm, ăn sống giòn, ngọt. Ăn chín béo, bở. Sen chỗ khác nếu ngon cũng bở nhưng không thơm, chưa kể sẽ sượng”,

Bà Đặng Thị Thảo chia sẻ bí quyết phân biệt bằng kinh nghiệm nghề bán nông sản.

“Dọc đường Đinh Tiên Hoàng rất nhiều quầy bán sen nhưng thực tế đó chỉ là sen bán trên đường Tịnh Tâm chứ không phải sen Tịnh Tâm”, bà Huệ chia sẻ.

Tuy nhiên bà Huệ cũng nói thêm việc tiểu thương nhập về bán cũng tốt khi xây dựng được thương hiệu sen Huế nhưng không thể nhầm lẫn giá trị, bởi vì hiện nay sen Tịnh Tâm đang được xuất bán đi nước ngoài và một số cơ sở ở trong nước hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp. Đáng buồn là có nhiều tiểu thương nhập sen Đồng Tháp, Quảng Bình, Quảng Nam… về nhưng vẫn nói là sen Huế.

Theo ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, sen Huế là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá cao.

“Trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, chúng tôi chọn sen Huế là một trong những sản phẩm để phát triển thương hiệu, bố trí tạo lập, xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể Sen Huế. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng phát triển vùng nguyên liệu sen, quan tâm chất lượng sen Huế từ giống sen đến giải pháp phòng ngừa sâu bệnh cho sen, có dự án nghiên cứu về bệnh sen”, ông Thắng nói.

DSC04382

 "Ngọc sáng" trong sen Huế cần được khai thác, phát huy.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế cũng đang hỗ trợ 2 doanh nghiệp nâng cao khả năng thương mại hóa sen Huế. Trong thời gian tới, Sở sẽ hỗ trợ thêm cho các cơ sở sản xuất sen về giống, nâng cao chất lượng theo hướng sản xuất hữu cơ, xây dựng mẫu mã, nhãn mác cho các những sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao, hướng tới các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, xây dựng sen Huế không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà còn là sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc của Huế.

Trong tương lai, những sản phẩm đổi mới sáng tạo gắn với sen Huế như làm chè sen, đa dạng hóa sản phẩm như Ngày hội sen cũng là cách để làm đưa giá trị văn hóa sen thăng hạng thông qua hình thức nghệ thuật, văn hóa, các nghiên cứu tạo ra những sản phẩm về sen như áo dài, nón lá sen sẽ khiến du khách biết đến Huế nhiều hơn.

DSC03796

 Du khách hào hứng chụp ảnh mùa sen Tịnh Tâm trên cầu Hồng Cừ.

DSC04054

 

“Hiện sản lượng không phải đáng lo ngại bởi toàn tỉnh có đến hơn 500ha trồng sen. Sen Huế rất nổi tiếng nên họ trồng thì xuất được hết, do đó sen mua tại chợ rất khó mua đúng sen Huế. Nhiều nơi bán sen Đồng Tháp vẫn nói là sen huế”,

Giám đốc Hữu cơ Huế Việt bày tỏ.

Theo bà Huệ, diện tích có thể mở rộng được nhưng việc người dân chỉ xuất bán sen tươi thì không ăn thua mà cần chế biến chuyên sâu thành hạt sen khô ăn liền, các loại bánh nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, giữa mùa sen rộ, mỗi ngày thu được hàng tấn hạt, người dân rất áp lực việc phải có nơi thu mua nếu không có thể phải bán rẻ cho các thương lái.

“Doanh nghiệp chúng tôi có hệ thống máy sấy để hạt có chất lượng tốt nhất, thăng hoa chất lượng dẻo, thơm, bùi như hạt tươi. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với người dân để bao tiêu một phần.

Tôi hi vọng họ sẽ giám sát kỹ việc các cơ sở uy tín được dán nhãn hiệu tập thể nhằm đảm bảo sen trồng tại Huế, bởi việc đăng ký nhãn hiệu tập thể không khó nhưng bảo vệ, duy trì, phát triển nó mới khó”, bà Nguyễn Thị Huệ nói thêm.

Với nhãn hiệu tập thể vừa được cấp và Ngày hội Sen Huế được tổ chức vừa qua, sen Huế đang đứng trước nhiều cơ hội, cần kiên trì với các giá trị bền vững. Thông qua bảo vệ thương hiệu khỏi hàng giả, hàng nhái, giữ đúng chất lượng, chế biến chuyên sâu để đa dạng sản phẩm sẽ làm "ngọc sáng" trong sen Huế lan tỏa trong tương lai.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan thủ tục đối với đất rừng để thực hiện dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống; ngày 7/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1821/QĐ-UBND về việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích chuyển đổi là 0,5445 ha.
Tin tức 11 giờ trước
Với kỳ vọng sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho các doanh nghiệp bức phá, Hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024 quy tụ 450 gian hàng của khoảng 400 doanh nghiệp Việt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua hàng đa dạng của các nhà mua hàng quốc tế.
Tin tức 11 giờ trước
Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Uỷ ban Chương trình ký ức Thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO tổ chức tại Mông Cổ vừa xem xét vinh danh "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế" (còn gọi là Cửu đỉnh – Hoàng Cung Huế) của Việt Nam.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Thanh tra ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 8.066 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính đối với 359 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 8,08 tỉ đồng.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Triển lãm Quốc tế Chuyên ngành Y Dược Việt Nam (VIETNAM MEDI-PHARM) được tổ chức thường niên vào tháng 5 tại Hà Nội từ năm 1994. Triển lãm do Công ty CP Xuất Nhập khẩu Y tế Việt Nam (VIMEDIMEX VN), Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) phối hợp tổ chức từ ngày 09 – 12/5/2024.