SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Xây dựng nhãn hiệu tập thể, tìm lại chỗ đứng cho sen Huế

08:41, 25/10/2022
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sen Huế, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, từ đó góp phần bảo tồn giá trị của sen trong văn hóa Huế.

Sen Huế - hướng đi mới cho nông nghiệp bền vững

Bắt đầu trồng sen từ năm 2002, ông Trương Duy Hòa – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 (58 tuổi, trú thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) cho biết: “ Thổ nhưỡng và khí hậu ở Huế rất thuận lợi cho việc trồng sen. Gia đình tôi có 3ha sen, so với lúa, sen ít bị ảnh hưởng bởi hạn hán, lũ lụt, mang lại thu nhập cao hơn 6 đến 7 lần”.

Ở Huế hiện có nhiều giống sen như: Sen hồng Phú Mộng, sen hồng Vinh Thanh, sen trắng cổ Huế,... Tuy vậy, do năng suất và nhu cầu thị trường, hiện nay chỉ có 2 giống sen được trồng chủ yếu là sen hồng cao sản và sen trắng cổ Huế. Hai giống này cho năng suất và chất lượng hạt cao.

Sen trắng cổ Huế được xem là biểu tượng của vùng đất kinh đô, tuy cho năng suất thấp hơn so với sen hồng cao sản, nhưng bù lại nó có sắc, hương và hàm lượng dinh dưỡng cao. Sen trắng cổ Huế có mùi thơm đặc trưng, nông dân có thể bán để trang trí và ướp trà. Thực tế, hiện nay chỉ còn diện tích nhỏ trồng sen trắng quanh TP Huế, chủ yếu phục vụ khách hàng mua hoa trang trí.

20c6f879ce9509cb5084

 Ông Hoà đánh giá cao việc chuyển đổi từ trồng lúa kém năng suất sang trồng sen. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong khi đó, sen hồng cao sản (có nguồn gốc từ các tỉnh Tây Nam Bộ) là giống sen được bà con nông dân ở Thừa Thiên Huế ưa chuộng, chiếm diện tích lên đến 90% toàn tỉnh. Loại sen này phù hợp với thổ nhưỡng của Huế, do đó cho năng suất rất cao. Những năm gần đây nhiều diện tích đất trồng lúa, rau màu không hiệu quả đã được bà con cải tạo để chuyển sang trồng sen.

Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 600ha diện tích trồng sen, năng suất hạt khoảng 1,5 - 4 tấn/ha, giá bán lẻ từ 30.000 - 60.000 đồng/kg hạt. Theo kế hoạch phát triển trồng sen đến năm 2025 của UBND tỉnh, Huế sẽ mở rộng diện tích trồng mới cây sen đạt 745ha. Trong đó, sen cao sản lấy hạt khoảng 85 - 90% diện tích, sen địa phương từ 10 - 15% diện tích; năng suất bình quân 1,8 - 2 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.200 - 1.400 tấn hạt/năm.

Theo ông Hòa, tiềm năng thực tế của sen Huế là rất lớn, tuy nhiên vấn đề canh tác còn gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là tình trạng “được mùa mất giá”. Nguyên nhân là do việc sản xuất sen vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật nên năng suất và chất lượng chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt là còn thiếu phương thức quản lý và quảng bá nên sản phẩm chưa tiếp cận được với thị trường trong và ngoài nước.

“Sen còn có một hạn chế rất lớn là căn bệnh thán thư, nếu ruộng nào xuất hiện bệnh này thì xem như mất trắng cả vụ”, ông Hòa cho hay. Ngoài ra, do địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có đơn vị sản xuất, cung ứng giống, nên phần lớn người trồng sen sử dụng giống lưu gốc hoặc tự nhân giống bằng hạt, gây khó khăn cho quá trình canh tác.

Nhãn hiệu tập thể tạo đà cho sen Huế bứt phá thị trường

Sen Huế đã trở thành đặc sản của tỉnh với nhiều mặt hàng như: Trà hoa sen ướp, trà tâm sen, trà lá sen, chè hạt sen, “hạt sen Tịnh Tâm”… Những sản phẩm từ sen góp phần làm đa dạng ẩm thực Huế, làm phong phú thêm tiềm năng kinh tế của tỉnh.

Kỹ sư Phạm Xuân Nam - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Ở Huế, cây sen có rất sớm, chúng được trồng nhiều ở các khu vực đền, chùa, miếu, lăng tẩm… Hoa sen được sử dụng nhiều trong các lễ hội ở Huế  và người dân rất trân trọng giống cây này bởi ý nghĩa thanh cao của nó. Ngoài ra, sen còn là cây trồng giúp người dân Huế tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế nông hộ”.

Tuy nhiên, các sản phẩm từ sen tại Huế hiện nay đang có xu hướng giảm chất lượng, khiến uy tín sen Huế đang dần mai một. Sự du nhập của các giống sen cao sản có nguồn gốc từ Đồng Tháp đã dẫn đến hiện tượng các giống sen Huế giảm nhiều về số lượng lẫn chủng loại. Hơn thế nữa, còn có hộ dân trồng sen vì lợi ích cá nhân, sử dụng các loại hóa chất không khuyến khích và không đúng quy trình trong nông nghiệp an toàn.

Một vấn đề không kém quan trọng là hoạt động phổ biến, tập huấn kiến thức kỹ thuật trồng trọt, về chọn giống, chăm bón, bảo tồn giống sen quý của Huế và kỹ thuật thu hái sơ, chế biến… cũng chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có một tổ chức đầu mối đại diện cho các doanh nghiệp, hộ dân trồng sen đứng ra tiếp nhận các quy trình nêu trên để phổ biến cho người dân.

b62e34ef0a03cd5d9412

 Sen có vị trí đặc biệt trong văn hoá ẩm thực Huế (Ảnh: thuathienhue.gov ).

Trước thực trạng trên, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu, đánh giá dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "sen Huế" cho các sản phẩm sen của tỉnh Thừa Thiên Huế". Dự án do Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để tìm ra các giải pháp nhằm phát triển nghề trồng và chế biến các sản phẩm từ sen, tạo danh tiếng cho sen Huế.

Dự án sẽ xây dựng được hệ thống công cụ phục vụ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể sen Huế, có được mô hình tổ chức quản lý và khai thác trên thực tế.  

Dự án cũng là cơ hội thuận lợi để phát huy sức cạnh tranh của sản phẩm sen, tăng giá trị kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, hình thành một ngành sản xuất nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị, hiệu quả trị kinh tế cao và bền vững. 

Bên cạnh đó, nhãn hiệu tập thể sen Huế sẽ là động lực bước đầu tác động đến các doanh nghiệp và người dân sản xuất chế biến kinh doanh sản phẩm sen, với một tư duy sản xuất kinh doanh khoa học mới. Trong đó, tuân thủ các quy trình sản xuất và chế biến các sản phẩm sen Huế có chất lượng ổn định, năng suất cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhãn hiệu tập thể sen Huế là giải pháp bền vững giúp mở rộng thị trường và kích thích đa dạng hóa sản phẩm từ sen. Đây cũng là bước đệm để thúc đẩy thương mại, giúp sen Huế phát huy thế mạnh, xứng đáng là sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phan Hòa

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, Viện thẩm mỹ quốc tế CCI Beauty Center cố tình núp bóng phòng khám chuyên khoa da liễu và lấy địa chỉ các bệnh viện khác “biến” thành cơ sở của mình.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
Công ty Cổ phần La Vo bị xử phạt hơn 70 triệu đồng vì sản xuất sản phẩm mặt nạ Prodak Strawberry Soft Facial Mask không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tài sản trí tuệ 6 giờ trước
(SHTT) - Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã từ chối đơn kiện của hãng dược phẩm Vanda để khôi phục bằng sáng chế cho thuốc chống rối loạn giấc ngủ Hetlioz của họ. Điều mà trước đó đã được xác định là không hợp lệ trong một cuộc tranh chấp với các công ty sản xuất thuốc gốc Teva và Apotex.
Tài sản trí tuệ 6 giờ trước
(SHTT) - Ngày 20/4/2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2024. Hội nghị thu hút sự tham gia của sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Những năm gần đây, xu thế phát triển của TMĐT trở thành một kênh mua sắm quan trọng của người tiêu dùng. TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, là công cụ, phương thức kinh doanh phù hợp của xu thế phát triển hiện nay.