SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 01/05/2024
  • Click để copy

Phát triển tài sản trí tuệ cộng đồng: Những bài học từ việc quên dùng, quên đăng ký

12:41, 26/06/2023
Bảo vệ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cộng đồng, sản phẩm đặc trưng địa phương không dừng lại ở đăng ký để được cấp một tờ giấy chứng nhận OCOP hay nhãn hiệu tập thể, từ thực tế cho thấy cần làm nhiều việc hơn thế.

Thực trạng ghi nhận tại TP Đà Nẵng cho thấy có vấn đề về lỗ hổng trong quản lý, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ cộng đồng và sản phẩm đặc trưng của một số chủ sở hữu, từ đó dẫn đến các nguy cơ “chảy máu” tài sản trí tuệ.

Chứng nhận nhãn hiệu tập thể cất kỹ đến quên dùng, quên gia hạn

Ông T. V. H - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn L.H – C.L (TP Đà Nẵng) - bức xúc phản ánh người tiêu dùng phát hiện rau của HTX đang có dấu hiệu bị nhái, giả bày bán công khai tại một trung tâm thương mại. Theo lời tố này, chúng tôi cùng ông H. đến một trung tâm thương mại tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

2aabc994dc410d1f5450

 HTX sản xuất rau an toàn L.H – C.L được thành lập từ năm 2011. Qua thời gian, HTX gây dựng được thương hiệu nhờ những điểm đặc biệt trong hương vị rau trồng trên đất cát. HTX có các loại rau muống, xà lách, ớt, mướp, rau màu, súp lơ,… tùy theo mùa.

Tại đây, gian hàng rau củ quả có nhiều mặt hàng khá phong phú. Ông H. cầm củ rà rốt lên ngắm nghía, nói: “Đất L.H – C.L không trồng được cà rốt. Còn rau bí đỏ L.H – C.L bán đọt bí đỏ chứ không phải bán hoa, quả”.

Các sản phẩm có dấu hiệu làm nhái ghi đề nhãn hiệu chữ lớn "Rau sạch L.H", kèm theo dòng chữ nhỏ hơn ghi tên riêng hộ kinh doanh V.T.H. Trong khi, Rau sạch L.H có chứa phần tên nhãn hiệu tập thể do HTX rau an toàn L.H – C.L quản lý được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận vào ngày 26/6/2012.

935a07f4b70966573f18

 Rau sạch L.H nhái trong một trung tâm thương mại tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

“Khách hàng ăn rau tươi của L.H dởm điện thoại hỏi tôi: Sao rau L.H nay dở thế. Tôi nhận ảnh gói rau Tần Ô (cải cúc) từ một người tiêu dùng quen thuộc vào tháng 5/2023 nhưng mùa này, rau L.H – C.L làm gì có rau tần ô. Tần ô chỉ trồng vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm”, ông T.V.H bày tỏ thêm về việc phát hiện rau của HTX bị mạo danh.

Hàng của L.H – C.L chính gốc vẫn đều đặn bán cho các khu chợ lớn trong thành phố với sản lượng gần 1 tấn rau/ngày. “Rau chúng tôi tiêu thụ hết, không dư, không ế thừa. Nghĩ thiệt cho người tiêu dùng mất tiền mà dùng hàng kém chất lượng”, ông H. bức xúc nói.

aa3f7544aeb97fe726a8

 Một số loại rau đất L.H - C.L không trồng được hoặc không đúng mùa được Rau sạch L.H nhái bán tại trung tâm thương mại.

Lân la theo địa chỉ ghi trên nhãn hiệu có dấu hiệu nhái Rau sạch L.H, chúng tôi đến địa chỉ 117 Nguyễn Sơn, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ngồi trước căn nhà 117 Nguyễn Sơn lúc này bà Đặng Thị Lợi đang bày bán lèo tèo vài rổ hành, trứng, khoai lang, buồng dừa… tuyệt nhiên không có mớ rau nào. Khi được hỏi về rau L.H, bà Lợi nheo mắt nhìn vào nhãn hiệu có đề địa chỉ nhà, nói: “Tôi có biết đâu. Ở đây không có ai bán hay trồng rau”.

79cb914980b551eb08a4

 

“Cần hết sức lưu ý việc đã xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, được công nhận sản phẩm OCOP nhưng vẫn nên cần quan tâm xác lập quyền sở hữu tài sản trí tuệ cho thương hiệu riêng”, bà Nguyễn Thị Thúy - phụ trách Văn Phòng Cục Sở hữu trí tuệ miền Trung và Tây Nguyên - nhấn mạnh.

Tìm quanh khu vực đường Nguyễn Sơn, phóng viên vẫn không thấy địa chỉ vườn rau ghi trên nhãn "Rau sạch L.H" có dấu hiệu nhái. Gọi số điện thoại gắn trên nhãn, người phụ nữ V.T.H cho biết: “Tôi chỉ nhập hàng sỉ chứ không bán lẻ. Ai đặt mới gửi hàng”. Đáng nói khi được hỏi vườn rau của mình ở đâu, đầu dây bà V.T.H cho biết: “Vườn rau ở L.H” (tức ở làng rau L.H - C.L)". Như vậy, địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm này là không chính xác.

Theo ông T.V.H, ngoài các chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm, Vietgap, đăng ký nhãn hiệu tập thể thì 17 thành viên của HTX sản xuất rau an toàn L.H – C.L đang dùng chung nhãn hiệu tập thể mà không có thành viên nào có nhãn hiệu riêng. 

“Nếu luộc rau muống nước màu xanh thì đúng là rau của L.H – C.L, còn nếu nước luộc màu xanh đen thì không phải. Mướp L.H – C.L không chỉ dẻo mà còn thơm như nếp, những chỗ khác có thể dẻo nhưng không thơm bằng. Đặc biệt, chúng tôi có ớt xanh rất giòn và thơm”, ông T.V.H hướng dẫn cách nhận biết rau chính hãng.

Được sự hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, ông T.V.H mới biết cần thu thập bằng chứng, làm đơn khiếu nại gửi cho Thanh tra Sở. Tuy nhiên, khi ông mở văn bằng được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ mới tá hỏa phát hiện đã hết hạn từ ngày 26/6/2022 nhưng ông quên chưa gia hạn.

“10 năm gia hạn một lần, tôi cất kỹ quá nên không nhớ”, ông H. nói sẽ khẩn trương đi gia hạn.

6b10b3ac5451850fdc40

 Địa chỉ rau L.H nhái bán tại siêu thị là một hộ dân, họ nói không biết V.T.H là ai, ở đây không bán rau.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy - phụ trách VPĐT miền Trung - Tây Nguyên của Cục Sở hữu trí tuệ, với những hình ảnh phóng viên cung cấp và phản ánh của ông T.V.H, rau L.H – CL đang bị rau sạch L.H nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hiện HTX quá hạn bảo hộ cần tiến hành khẩn trương việc gia hạn nếu không nguy cơ bị mất thương hiệu, nhất là khi tại L.H – C.L lâu nay không có ai đăng ký nhãn hiệu riêng.

Bà Thúy cảnh báo: “Mình có nhãn hiệu chung không có nghĩa là quên đi nhãn hiệu riêng. Hết sức lưu ý bảo vệ thương hiệu trong chung có riêng là lựa chọn rất quan trọng”.

Chưa đăng ký nhãn hiệu tập thể hoặc đăng ký xong không làm gì để phát triển

Ông Phạm Công Chính - Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng - nêu ra tình trạng có chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhưng không biết làm sao để phát huy tác dụng. "Tôi muốn chia sẻ về chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì dễ nhưng để xây dựng, phát triển lên thì rất khó. Tôi ví dụ có nhiều sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ lâu, ví dụ bánh tráng Túy Loan; chè dây Hòa Bắc, nước mắm Nam Ô… Thế nhưng qua một thời gian sở hữu nhãn hiệu tập thể quý giá như thế, chúng ta thấy cũng không phát triển là mấy".

Thiếu sự sáng tạo trong sử dụng, đổi mới thường xuyên dẫn tới chưa đáp ứng những yêu cầu của người tiêu dùng.  "Tôi ví dụ bánh tráng Túy Loan. Ngày xưa làm thế nào bây giờ làm y như thế không có gì thay đổi”, Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng nhấn mạnh.

321962861_690974966054499_4811537942146849940_n-0904

 “Tôi nói bánh tráng bây giờ còn làm to như cái nón thì đúng là chỉ luẩn quẩn trong địa phương, ai nhớ quê gửi cho chục cái bánh tráng cho vui. Chỉ là cho vui chứ không thể bay cao, bay xa, thương mại hóa được”, Chủ tịch Liên minh HTX nói.

afd7950f72f2a3acfae3

 

Sau khi được chứng nhận đạt hạng OCOP 4 sao, nước mắm nhĩ B.M mới biết mình vừa vào “ô mất lượt” do chậm chân đăng ký nhãn hiệu riêng cho B.M. “Tên B.M ở miền Nam đã có người đăng ký sử dụng rồi nên không thể đăng ký nữa. Bây giờ dùng thì cứ dùng như vậy nhưng không xác lập được quyền sở hữu trí tuệ. Nếu bị kiện hoàn toàn có khả năng không còn được dùng tên B.M nữa”.

Bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng.

Ông Chính đặt ra kỳ vọng các chủ thể nhãn hiệu tập thể cần thay đổi, sáng tạo trong việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp, thiết kế mẫu mã nhỏ hơn, đẹp hơn, dễ mang đi xa hơn… 

Không chỉ sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, hiện nay, dù Đà Nẵng quan tâm hỗ trợ đăng ký bản quyền sản phẩm OCOP nhưng tình trạng chưa đăng ký sở hữu trí tuệ trước đó sẽ là một "mối nguy" tiềm ẩn mất thương hiệu. Sản phẩm OCOP chỉ là sản phẩm tiêu biểu đặc trưng nhưng để phát triển trên thị trường, cần phải có những quy định về pháp luật khác trong đó có quyền sở hữu trí tuệ.

“Rất tiếc trước khi làm sản phẩm OCOP không có cơ sở dữ liệu xem thử sản phẩm OCOP đó đã ai đăng ký sở hữu trí tuệ chưa, đăng ký bảo hộ như thế nào. Vì sản phẩm OCOP không bắt buộc phải đăng ký sở hữu trí tuệ nên khi đã được công nhận OCOP rồi đưa ra thị trường các tỉnh, thành khác, chúng ta mới phát hiện họ đã đăng ký rồi”, bà Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng chia sẻ.

Ông Nguyên Vũ - chuyên gia sở hữu trí tuệ của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng và Tư vấn Chuyển giao Công nghệ TP Đà Nẵng - chia sẻ hiện Đà Nẵng có rất nhiều sản phẩm OCOP tương tự nhau giữa các quận, huyện. Đáng lưu ý, ông Vũ chỉ ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng OCOP nhưng chưa xác lập quyền sở hữu trí tuệ, khi muốn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì nhận ra đã muộn.

Điển hình, sản phẩm nước mắm nhĩ B.M của HTX Mắm B.M (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) với sản phẩm chủ lực là nước mắm nhĩ là một trong những thương hiệu nổi tiếng làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô. Những giọt “mật biển” nước mắm nhĩ B.M sản xuất theo phương pháp truyền thống từ cá cơm tươi và muối tinh, ủ trong lu sành, dưới nhà tôn kín, lên men hoàn toàn tự nhiên.

Trước đây như nhiều cơ sở sản xuất đặc sản truyền thống khác, B.M yên tâm khi đã đăng ký quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể nước mắm Nam Ô.

bd7458b2be4f6f11365e

 Gà đồi Hòa Bắc được chứng nhận nhãn hiệu tập thể cần đăng ký bảo hộ các thương hiệu riêng.

Tương tự như vậy, sản phẩm gà đồi Hòa Bắc khá nổi tiếng. Tuy nhiên, với nhiều sản phẩm gà đồi tương tự cạnh tranh tại mỗi quận, huyện lại có một thương hiệu gà đồi riêng. Khi các thương hiệu khác xác lập quyền sở hữu tập thể trước thì danh tiếng của gà đồi Hòa Bắc ít nhiều bị ảnh hưởng.

Tháng 6/2023, gà đồi Hòa Bắc nhận quyết định chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Ông Phạm Văn Chiến - HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bắc (VN) - phấn khởi nhưng tỏ ra băn khoăn: “Dù có nhãn hiệu tập thể nhưng phát triển còn tùy thuộc thị trường và người tiêu dùng. Chăn nuôi để có chất lượng cực kỳ khó khăn, năm nay giá cám lên giá trứng thì hạ, đủ thứ chi phí đội đầu nông dân, rủi ro cao. HTX chúng tôi nuôi khoảng 7.000 con chủ yếu tiêu thụ tại Đà Nẵng, Quảng Nam song năm nay bán được lai rai".

Sản phẩm chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chứng nhận chất lượng OCOP thôi chưa đủ, các chủ sở hữu không thể lơ là sau khi được chứng nhận mà quên gia hạn, quên đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu riêng, quên đổi mới, sáng tạo để phát triển hiệu quả tài sản trí tuệ của cá nhân và cộng đồng.

“Chưa đăng ký sở hữu trí tuệ cũng giống như đất mình khai hoang mà chưa có sổ đỏ. Kinh nghiệm là đăng ký sở hữu trí tuệ khi chưa nổi tiếng, nếu nổi tiếng rồi mới đăng ký là mất. Lời khuyên cho tất cả các cơ sở sản xuất, sớm đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ, các sở ban ngành liên quan xem xét có kế hoạch, hỗ trợ để bảo hộ nhãn hiệu. Đừng để như nước mắm nhĩ B.M phát triển thương hiệu, sản xuất quy mô lớn rồi mới biết không thể đăng ký sở hữu trí tuệ nữa”, bà Lê Thị Thục - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nói.

 Bảo Hòa

Tin khác

Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
Chuẩn bị cho mùa du lịch, đặc biệt là dịp lễ 30/4 - 01/5, Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, hướng dẫn các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh tại các bãi biển thuộc địa bàn được giao quản lý chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh.
Tài sản trí tuệ 14 giờ trước
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Đội 2 - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn xã Bối Cầu huyện Bình Lục.
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Qua công tác thanh, kiểm tra lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi 6 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng...
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) -Thực trạng hút thuốc lá điện tử ở người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đã trở nên đáng báo động hơn bao giờ hết. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ. 
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Vẫn còn trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, Thẩm mỹ quốc tế Lucy vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn trái phép ngay ở trung tâm Quận 1 (TP.HCM).