SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 09/01/2025
  • Click để copy

Đa số các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến từ người thân quen

10:59, 16/06/2023
Nhiều vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến từ chính người nhà, người thân quen của chủ sở hữu. Chính điều này khiến các vụ tranh chấp thường phức tạp và kéo dài.

Từ cơ sở đặc sản truyền thống ý thức đăng ký bảo hộ sớm, cho đến các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp đang “chập chững” khởi nghiệp chưa có nhiều kiến thức về sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng giả là trở lực lớn phát triển thương hiệu. Nhiều vụ việc từ ồn ào dư luận đến im lặng “chịu trận” đều có điểm chung là đến từ người nhà, hàng xóm, người thân quen theo quan hệ thầy – trò, bạn bè, đồng nghiệp…

Lật lại những vụ điển hình

Cơ sở đặc sản truyền thống vướng vào tranh chấp, bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ tạo “sóng” dư luận một thời tại Đà Nẵng là bánh khô mè Bà Liễu Mẹ. “Đó là vụ việc nổi tiếng được nhiều người quan tâm một thời”, bà Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (VPĐD Cục SHTT) miền Trung – Tây Nguyên - nhắc lại.

Trên đường Lê Đình Dương, bánh khô mè Bà Liễu Mẹ mới mở cơ sở 2 trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đây là lần đầu tiên thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao đặc sản Đà Nẵng vươn ra mở chi nhánh lớn trong trung tâm thành phố. Ông Huỳnh Đức Sol - chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ - cho hay: “Gia đình mở cơ sở 2 ở đầu cầu Rồng vừa để quảng bá văn hóa ẩm thực đặc sắc của Đà Nẵng, vừa thuận tiện cho du khách mua sắm làm quà”.

“Nhiều người nghĩ thương hiệu Bà Liễu Mẹ có sự mâu thuẫn trong gia đình, tranh giành thương hiệu giữa mẹ con, anh em nhưng đó chỉ là hiểu nhầm”, Sol cười hiền nói và dẫn chúng tôi gặp ông Huỳnh Đức Khiển - cha của mình - để được nghe kể ngọn ngành.

Ông Huỳnh Đức Khiển tuổi ngoài 70, niềm nở tiếp chúng tôi bên ly trà và chiếc bánh nhà làm vuông vắn, cắn vào giòn rụm lại sực thơm hương quế, hương gừng. Trong hậu vị ngọt ngào của bánh khô mè, ông Khiển dần nhớ lại câu chuyện của 30 năm trước: “Hồi đó việc bảo hộ nhãn hiệu còn chưa nhiều người quan tâm”.

Mẹ ông Khiển tên thật là Phan Thị Nhẫn. Sau khi lấy chồng, bà Nhẫn còn có tên gọi ở nhà là bà Liễu theo tên con đầu. Năm 1998, ông Khiển đang theo nghề làm gỗ và chị gái là bà Huỳnh Thị Điểu làm nghề buôn thúng bán bưng quyết định cùng lui về làm bánh với mẹ. Hai chị em nối nghiệp gia đình để lại. Chị lấy chồng về Liên Chiểu mang theo nghề gia truyền và có cơ sở sản xuất riêng.

340996143_719256969941614_6402009745938637947_n

Bà Liễu Mẹ thương hiệu từ năm 1945. 

“Tôi in lụa nhãn hiệu Bà Liễu trên khổ giấy A4 cùng với số điện thoại”, ông Khiển cho biết cách tự quảng cáo thời đó. Thứ bánh từng làm lương khô cho sĩ tử xứ Quảng ra kinh thành Huế đi thi, cho bộ đội kháng chiến… trở thành niềm tự hào của quận Cẩm Lệ.

Năm 1998, ông Khiển nhận thấy số hàng bán ra sụt giảm nhiều. Lân la tại một số khu chợ, ông Khiển bắt gặp nhãn “Võ Thị Liễu” bên chợ Cồn với nhiều dấu hiệu giống nhãn hiệu sản phẩm của ông. Ông Khiển không đành lòng để “gia sản vô hình” của gia đình mất đi, liền báo với Cục Quản lý thị trường thành phố.

“Sau đó, tôi biết người nhái nhãn "Bà Liễu" với tên "Võ Thị Liễu" không ai khác là bà Nguyễn Thị Thu, hàng xóm nhà tôi. Bà Thu thấy tiềm năng nên bắt chước làm theo. Vỏ bánh in lụa ăn cắp nhãn của chúng tôi được lấy bút tẩy xóa tên và số điện thoại để in đè lên Bà Liễu. Sau khi nắm rõ thông tin, cơ quan chức năng kiểm tra nhà bà Thu phát hiện mấy thùng nhựa sản phẩm vi phạm, lập biên bản tại chỗ”, ông Khiển kể.

344085893_155274100840489_3924254257308685526_n

 Bà Liễu Mẹ chính hãng từng là nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp nhãn hiệu cách đây 30 năm.

Nắm rõ luật về việc không được trùng lặp nhãn hiệu đã đăng ký, ông Khiển tiếp tục nộp hồ sơ kiện nhãn "Võ Thị Liễu" nhái "Bà Liễu" lên UBND thành phố, người thụ lý hồ sơ lúc này là ông Nguyễn Khắc Hiệp - Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng.

Vụ việc thu hút dư luận và tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. “Tôi mua một chiếc máy ghi âm hơn một triệu đồng loại nhỏ, bỏ vào túi áo, thu thập hình ảnh, nhân chứng, vật chứng. May khi đó tôi nhanh chân hơn đăng ký sở hữu trí tuệ trước, nếu bên kia đi đăng ký sở hữu trí tuệ trước xem như mình mất thương hiệu. Họ làm giả là vi phạm nhưng nếu mình chậm không được dùng chữ Liễu nữa, may vậy mà còn chữ Liễu”, ông Khiển vui vẻ chia sẻ.

Lúc đầu ông Khiển cùng chị gái làm chung thương hiệu Bà Liễu, nhưng sau này mỗi người muốn giữ thương hiệu và bản sắc riêng nên ông Khiển lấy tên Bà Liễu Mẹ, còn bà Điểu lấy nhãn hiệu là Bà Liễu. Cả hai cùng song hành phát triển nghề truyền thống của gia đình cho đến nay.

Banh kho me

Ông Huỳnh Đức Sol - chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ.

Thực tế, những năm qua còn có rất nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ người thân quen, như vụ kiện nổi tiếng về tranh chấp nhãn hiệu Tré Bà Đệ giữa con ruột và con rể.

Tré Bà Đệ là đặc sản tại Đà Nẵng có từ năm 1956 được nhiều người dân tin dùng, du khách tìm mua làm quà vì hương vị gia truyền làm nên danh thơm. Thế nhưng, khoảng năm 2015, Tré Bà Đệ bỗng thêm nổi tiếng khi để xảy ra kiện tụng giữa con ruột và con rể về vấn đề thừa kế thương hiệu.

Bà Đệ là người gây dựng thương hiệu. Sau khi bà mất, bà truyền lại cho những người con ruột là ba chị em Mai Thị Thu Thảo, Mai Thị Thanh Bình và Mai Thị Hạnh. Trong đó, bà Thảo là vợ ông Chánh (bị đơn). Sau khi bà Thảo mất, ông Chánh âm thầm đăng ký nhãn hiệu “Tré Bà Đệ” không cho ai hay.

Sau khi đi đăng ký nhãn hiệu, ông Chánh xây dựng trang website, treo biển quảng cáo: “Tré Bà Đệ chỉ có duy nhất tại 81 – Hải Phòng, các địa chỉ còn lại là mạo danh”. 

Lúc đơn đăng ký nhãn hiệu ông Chánh nộp đang trong quá trình kiểm nghiệm, xem xét tại Cục Sở hữu trí tuệ thì hai người con gái còn lại của bà Đệ biết thông tin. Ngay lập tức, bà Bình và bà Hạnh đã có phản ứng. Nhãn hiệu đang quá trình tranh chấp nên Cục Sở hữu trí tuệ không ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhãn Tré Bà Đệ cho ai.

Ông Nguyễn Minh Nhật – nguyên Trưởng phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng - chia sẻ: “Cục không cấp bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Tré Bà Đệ” cho ông Chánh. Đây là thương hiệu thừa hưởng chung của các con bà Đệ. Nếu cấp cho một người dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc trong gia đình, gây bất an trong cộng đồng và không phù hợp với đạo lý của người Việt”.

Vì lẽ như trên, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đồng ý phương án cấp văn bằng bảo hộ “Tré Bà Đệ” cho tập thể các con của bà Đệ, thực hiện đúng nguyên tắc người sử dụng đầu tiên sẽ được ưu tiên trong các vụ tranh chấp về nhãn hiệu hàng hóa chứ không phải là người đầu tiên đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Dù vậy, ông Chánh không đồng tình với kết luận trên. Ông cho rằng mình mới là người được độc quyền sử dụng nhãn hiệu. Từ đó, ông Chánh tiếp tục có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tháng 8/2015, Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đồng chủ sở hữu cho hai người con của bà Đệ là bà Mai Thị Thanh Bình, Mai Thị Hạnh.

Cản trở những người đang khởi nghiệp

Hiện nay, các sản phẩm mới cũng đang đối mặt nhiều vấn đề trong tranh chấp nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, nhiều đối tượng đang khởi nghiệp cũng gặp vấn đề tương tự.

Bà Hoàng Thái My - Phó Giám đốc Công ty TNHH Zutton Group - cho biết đang rất đau đầu vì tình trạng các hội sơn trên mạng xã hội rao bán sản phẩm có dấu hiệu giả, nhái nhãn hiệu.

Bà My chia sẻ về việc phát hiện nhãn sơn Zutton bị một nhãn hiệu có dấu hiệu làm nhái là Zuttong (thêm chữ G phía sau nhãn hiệu). “Việc này khiến khách hàng hiểu nhầm. Nhất là khi công ty có dấu hiệu làm nhái đã bán phá giá, rẻ hơn một nửa so với Zutton chính hãng”, bà My cho hay. Thậm chí, có người còn gửi nhầm mẫu nhãn của bên nhái sản phẩm qua cho Zutton chính hãng ngay trong quá trình đang gia công.

ccc5d0cf6ee4bfbae6f5

 Sản phẩm Zutton và Denko chính hãng của Zutton Group.

Nhóm facebook "Hiệp hội sơn nước toàn quốc" có 65.000 thành viên. Tại nhóm này, tài khoản Hoanglinh Tran thường xuyên đăng tải quảng cáo với nội dung: “Thùng sơn nhà em đây các bác nhé. Hiện đang tri ân cho khách hàng dùng thử và trải nghiệm với giá 169k (169.000 đồng). 2 ngày nữa là về với giá 320 (320.000 đồng)”. Bài đăng đính kèm thùng sơn có nhãn Zuttong màu đỏ.

Theo đại diện Công ty TNHH Zutton Group, hiện tại công ty này còn có nhãn Denko đang có sản phẩm có dấu hiệu giả, nhái trên thị trường với tên Denko Pro.

“Nhãn hiệu Zutton và Denko của chúng tôi đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nhưng bên nhái toàn người thân quen, cùng nghề hoặc là bạn bè tách ra làm riêng nên khó xử lý”, bà My bức xúc nói. Ngoài ra, vì ngại tiếp xúc thủ tục hành chính, mất nhiều thời gian và nguồn lực trong khi Zutton Group chỉ mới giai đoạn khởi nghiệp nên bà vẫn chưa tiến hành các thủ tục khởi kiện.

9d3e28588b735a2d0362

Sản phẩm có dấu hiệu giả, nhái của Zutton Group xuất hiện nhan nhản trong quảng cáo trên mạng khiến khách hàng phàn nàn về giá cả và chất lượng. 

Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra, xử lý 91 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ, xử phạt hơn 694 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục phát hiện, xử lý 83 vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính 563 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên - cho biết đa số các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là do người nhà, người cùng cơ quan, thầy – trò, người quen biết nhau thực hiện.  “Đa số các vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ toàn người nhà, người thân. Khi xảy ra kiện cáo, cái mất đầu tiên sẽ là mất tình cảm”, bà Thúy nói.

a7f430379c1c4d42140d

 Sản phẩm Denko pro bị tố đang nhái, giả sản phẩm Denko của Zutton Group.

Theo bà Thúy, đối tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường có tâm lý “ăn xổi ở thì”. Khi bán sản phẩm thường muốn “ăn theo” thương hiệu lớn để bán nhanh chứ không chú trọng phát triển thương hiệu cá nhân, giữ uy tín bằng chất lượng.

Bà Thúy nhấn mạnh: “Trước tình trạng nói trên, giải pháp duy nhất để bảo vệ là cứ ra đời sản phẩm mới phải đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ ngay. Việc người thân quen có thể ăn cắp, lợi dụng tài sản trí tuệ của mình đều xuất phát từ việc chủ sở hữu chủ quan. Về phía cơ quan quản lý cần tuyên truyền tới từng người dân quan tâm đăng ký bảo hộ lên trước. Không đăng ký, việc bị ăn cắp là sớm hay muộn nếu người khác nhìn ra được trong tương lai sản phẩm đó có thể nổi tiếng”.

Bảo Hòa

Tin khác

Tài sản trí tuệ 8 giờ trước
(SHTT) - Công an tỉnh Nam Định đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Văn Vũ vì tội lừa bán các loại thuốc nhỏ mắt giả nhãn hiệu của Nhật Bản cho hơn 10.000 người, thu lợi bất chính hơn 3 tỷ đồng.
Tài sản trí tuệ 8 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), năm qua, đơn vị đã thu về hơn 393 tỷ tiền bản quyền âm nhạc. Con số này đã tăng 14,2% so với năm 2023.
Tài sản trí tuệ 8 giờ trước
(SHTT) - Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM đã gửi đến báo chí thông tin chính thức liên quan đến quyết định tạm đình chỉ công việc và chức vụ đối với TS Nguyễn Trà Giang, Viện trưởng Viện Khoa học và Quản lý thể dục thể thao và hoạt động của Bộ môn Quản lý thể dục thể thao.
Tài sản trí tuệ 8 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường số 14 phối hợp Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ 66 tấn phân bón mang nhãn hiệu Rồng Mỹ và Việt Xô có dấu hiệu vi phạm.
Tài sản trí tuệ 13 giờ trước
(SHTT) - Ngày 7/1/2025, Phòng Cảnh Sát kinh tế, Công an Thành Phố Hà Nội phối hợp cùng với Thanh tra Sở Nông Nghiệp và phát triển Nông Thôn thực hiện nhiệm vụ, ngăn chặn hơn 3 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc.
SO HUU TRI TUE

SO HUU TRI TUE

SO HUU TRI TUE

SO HUU TRI TUE

Van Phong

SO HUU TRI TUE

SO HUU TRI TUE

SO HUU TRI TUE
SO HUU TRI TUE
. ..