SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 16/01/2025
  • Click để copy

Gia hạn chứng nhận OCOP gặp khó khăn vì nhiều thủ tục, tốn kinh phí

15:00, 08/01/2025
Sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao được công nhận trong thời hạn 36 tháng. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều chủ thể đang lưỡng lự khi gặp khó giữa mong muốn gia hạn chứng nhận khi hết hạn với “bài toán” hiệu quả kinh tế, loay hoay với nhiều thủ tục tốn thời gian và kinh phí.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (viết tắt là Chương trình OCOP) được triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2018 với trọng tâm “phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương”. Đây là hướng phù hợp phát triển các sản phẩm nông đặc sản có “quy mô”, mang tính đặc trưng và có dư địa phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các sản phẩm gặp khó gì khi gia hạn OCOP

Sau thời gian thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn thị xã (TX) Hương Thủy phát triển thành các sản phẩm OCOP có thương hiệu và uy tín.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Liên Minh Xanh (xã Dương Hòa, TX Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của TX Hương Thủy được chứng nhận OCOP 4 sao từ năm 2021 cho sản phẩm tinh dầu Thanh Trà Làng Hạ.

338321374_644560234117009_4918982548493160332_n-1434

 Ảnh minh họa về sản phẩm được chứng nhận OCOP tại Huế.

Người Huế xưa ăn quả tiến vua bưởi Thanh Trà (Thanh Trà) xong thường dùng vỏ phơi khô, treo giàn bếp để dùng dần quanh năm. Họ lấy vỏ Thanh Trà cùng vài thứ lá quanh nhà để nấu nước xông hay kết hợp với các thảo mộc bồ đế, lá sả để gội đầu dưỡng tóc. Tinh dầu trong vỏ trái Thanh Trà vừa thơm vừa có nhiều công dụng.

Để việc khơi khô, cất, nấu như ngày xưa không còn vất vả, Liên Minh Xanh tạo nên những giọt tinh dầu Thanh Trà Làng Hạ bằng những thiết bị công nghệ tốt nhất. Vỏ Thanh Trà Huế chất lượng nguyên chất được giữ đúng mùi hương tựa như khi đi thuyền dọc đôi bờ sông Hương cuối xuân đầu hạ.

Sản phẩm tinh dầu Thanh Trà giành được nhiều giải thưởng uy tín như Giải Ba cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp vùng Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên năm 2018; Giải Nhất sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu TX Hương Thủy năm 2021. Chứng nhận OCOP 4 sao một lần nữa tiếp nối niềm tin và kỳ vọng sản phẩm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo ra thêm thu nhập cho người dân địa phương, mở ra hướng canh tác bền vững cho loại cây đặc sản trong tương lai.

Theo ông Phan Trọng Trí - thành viên của Liên Minh Xanh: “Chúng tôi đang chuẩn bị gia hạn chứng nhận sản phẩm OCOP cũ bị hết hạn đối với tinh dầu Thanh Trà Làng Hạ và đăng ký chứng nhận mới cho sản phẩm dầu gội nhưng nhác lắm vì hồ sơ nhiều quá. In ấn, công chứng tốn nhiều thời gian.

Giờ sản phẩm OCOP nhiều về số lượng quá. Thấy báo cáo chỗ nào cũng OCOP nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế. Các sự kiện hỗ trợ cả những chương trình khác chứ không phải mỗi dành cho sản phẩm OCOP. Nếu chương trình sản phẩm nông thôn tiêu biểu chỉ mất một ngày để làm hồ sơ, mỗi lần làm được nhiều sản phẩm còn chứng nhận OCOP đơn lẻ quá, mất nhiều thời gian”.

Ông Trí cũng cho hay sau 3 năm được chứng nhận công ty vẫn chưa thay đổi gì rõ rệt để thấy hiệu quả từ chương trình mang lại.

Đó không phải là trường hợp khó khăn hiếm gặp, tại huyện Phong Điền, sản phẩm gạo hữu cơ do HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Lỗ (xã Phong Hiền) được chứng nhận OCOP 4 sao cũng đang đến kỳ cần gia hạn. Thế nhưng, sản phẩm của hợp tác xã này lại đang lúng túng trong việc chuẩn bị hồ sơ gia hạn vì… thiếu kinh phí.

DSC06934

Ông Phan Sỏ - Trưởng Ban Kiểm Soát HTX Kinh Doanh dịch vụ nông nghiệp An Lỗ với lúa hữu cơ.

Ông Phan Sỏ - Trưởng Ban Kiểm soát HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Lỗ - cho hay sản phẩm lúa hữu cơ của hợp tác xã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao đang đến kỳ gia hạn.“Năm nay, chúng tôi còn xoay chạy nguồn tiền để tiếp tục làm hồ sơ giữ danh hiệu đã được chứng nhận OCOP của mình”, ông Sỏ dốc bầu tâm sự.

“Trước đây, để chứng nhận sản phẩm OCOP, chủ thể phải có khoản tiền đầu tư thực hiện các kiểm nghiệm, thủ tục. Trong lần đầu tiên làm hồ sơ, địa phương hỗ trợ đến 50%. Lần gia hạn chứng nhận thứ 2 này, hợp tác xã phải tự túc. Nhưng đang khổ quá nên… chịu”, ông Sỏ nói.

Sản phẩm gạo hữu cơ của hợp tác xã giá thành tăng gấp đôi từ khi được cấp chứng nhận OCOP, tăng giá trị và nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, hợp tác xã này chia sẻ họ đang khó khăn do nợ tiền mua sắm vật tư sản xuất và việc trồng gạo hữu cơ phải đầu tư nhiều phân vi sinh, làm cỏ bằng tay, cấy bằng máy, hơn nữa diện tích trồng không lớn khiến việc “đầu tư” và hiệu quả chưa tương xứng.

Thấy khó để gỡ

Theo ông Hồ Đăng Khoa - Chi Cục Trưởng Chi Cục Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế: Việc công nhận lại OCOP phải làm hồ sơ như công nhận lần đầu. Mặt khác bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 khắt khe hơn, bổ sung một số tiêu chí mới và tiêu chí “cứng”, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm, tiêu chí về Giấy phép môi trường… dẫn đến việc lập hồ sơ nhiều sản phẩm kéo dài, tốn kém về thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp, chủ thể.

Bên cạnh đó, năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương, chính sách hỗ trợ đăng ký chứng nhận OCOP dành cho các xã sẽ không còn khi các xã lên phường. Các xã nâng cấp phường sẽ không còn nhận được hỗ trợ này.

Ông Hồ Đăng Khoa nhấn mạnh để nâng hạng hay gia hạn cho sản phẩm OCOP, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt, mạnh dạn đầu tư, đổi mới quy trình sản xuất của các chủ thể, cần sự vào cuộc của các cấp địa phương, đồng hành với các chủ thể về thủ tục, hồ sơ, hỗ trợ duy trì và nâng hạng sản phẩm.

Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển Nông thôn khuyến nghị cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhận thức cho cán bộ, người dân và cộng đồng địa phương, cũng như các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP. Từ đó chủ thể kinh tế chủ động trong việc tham gia Chương trình OCOP, hoàn thiện sản phẩm mà không phải là từ các cơ quan nhà nước. Các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, tìm kiếm sản phẩm OCOP tiềm năng để tiếp tục hỗ trợ nâng hạng sao từ 3 sao lên 4 sao; từ 4 sao lên 5 sao.

DSC07285

Ông Hồ Đăng Khoa - Chi Cục trưởng chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế. 

ocop-mb-750x1333

 

Theo Chi Cục Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, tỉnh đã có 100 sản phẩm; trong đó năm 2024 tỉnh đã có 1 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia đầu tiên trong 46 sản phẩm OCOP 5 sao của toàn quốc; 18 sản phẩm OCOP 4 sao (18%); và 81 sản phẩm OCOP 3 sao (81%). Có 04 sản phẩm du lịch nông thôn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Khu du lịch cộng đồng Anor tại A Lưới, Du lịch sinh thái gắn với tài nguyên bản địa tại huyện Nam Đông, Du lịch sinh thái Suối Tiên tại huyện Phú Lộc, Dịch vụ du lịch công đồng Ngư Mỹ Thạnh). Trong đó có 19 sản phẩm đã hết hạn chứng nhận sản phẩm OCOP cần phải thẩm định, chứng nhận lại trong năm 2025.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đặc biệt là các chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP, hữu cơ…). Tập trung chế biến sâu tạo các sản phẩm giá trị gia tăng từ các sản phẩm khởi nghiệp, sáng tạo (sản phẩm bún khô; chế biến sâu từ kiệu, ném, bưởi thanh trà Huế, sen…).

Có kế hoạch, định hướng phù hợp phát triển nhóm sản phẩm đặc trưng bản địa và điểm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch trong Chương trình OCOP với lợi thế tại địa phương .

Theo Nghị quyết 20 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đã sửa đổi hoàn thiện để ban hành mới trong tháng 1/2025 tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo các cấp, các ngành trong thực hiện Chương trình OCOP. Chú trọng chính sách: hỗ trợ máy móc, thiết bị từ Chương trình Khuyến công; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ Chương trình Khoa học và Công nghệ; thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng vùng nguyên liệu từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP.

Một trong những vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay của các chủ thể sản phẩm OCOP 1- 3 sao cấp huyện đó là, họ thường sẽ phối hợp với một số đơn vị tư vấn, việc quá dựa vào tư vấn trong lần đầu đăng ký dẫn tới không tìm hiểu thủ tục, lưu trữ tài liệu đầy đủ nên khi làm lại hồ sơ gần như phải làm mới.

“Nguyên tắc nhà nước chỉ hỗ trợ một lần, thành thử khi làm lại các kinh phí liên quan không được hỗ trợ ví dụ như chứng nhận an toàn thực phẩm, nếu xây dựng thêm chỉ tiêu HACCP, hữu cơ, Vietgap thì sẽ tốn kém nên chủ thể rất ngại” ông Khoa cho hay.

Quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ

Chi Cục Phát triển Nông Thôn tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị cần quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ của các chủ thể kinh tế, đặc biệt là các loại hình bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận (điều kiện bắt buộc của sản phẩm OCOP 4 sao).

“Vấn đề này cần sự tham gia của các ngành hỗ trợ các tiêu chí bắt buộc 4 sao (TXNG điện tử, sở hữu trí tuệ…). Tập huấn, đào tạo các Doanh nghiệp, chủ thể OCOP tiếp cận với các phương thức bán hàng qua Tiktok, Shoppee; tham gia các phiên livestream với các KOL nổi tiếng để quảng bá, nâng cao hiệu quả cho sản phẩm OCOP địa phương”, ông Hồ Đăng Khoa nói thêm.

f3ad44694679fb27a268

Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog tham gia hỗ trợ Mega live sản phẩm gia vị bún bò Huế đạt OCOP 5 sao rất hiệu quả với 15 phút trên Tik Tok, chủ thể này thu về 400 triệu đồng.

Việc đáp ứng tiêu chí mới liên quan đến đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) để đạt chứng nhận OCOP là một thách thức lớn, đặc biệt khi thời gian cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu kéo dài. Để giúp các chủ thể và đơn vị tư vấn quản lý tốt hơn quá trình này, bà Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Khu vực miền Trung  -Tây Nguyên đưa ra một số lời khuyên.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy, hai vấn đề mà chủ thể và đơn vị tư vấn cần quan tâm để đảm bảo thời gian đăng ký chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP không bị kéo dài gồm chuẩn bị hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ sớm và lập kế hoạch gia hạn OCOP hiệu quả.

Các chủ thể và đơn vị tư vấn cần thực hiện đăng ký sớm từ ngay khi có ý tưởng phát triển sản phẩm OCOP, cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Điều này giúp giảm thời gian chờ đợi khi sản phẩm sẵn sàng tham gia OCOP. Hồ sơ cần được chuẩn bị cẩn thận và đầy đủ để tránh việc phải bổ sung hoặc chỉnh sửa, làm kéo dài thời gian xử lý.

Bà Nguyễn Thị Thúy nhấn mạnh: “Chủ thể cần chủ động theo dõi thời hạn hiệu lực của chứng nhận OCOP để lên kế hoạch gia hạn trước 6–12 tháng. Đồng thời, hợp tác với địa phương đảm bảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan OCOP tại địa phương để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến hồ sơ gia hạn”.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 10 giờ trước
Trung Tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng vừa tổ chức sự kiện kết nối đổi mới sáng tạo giữa các quỹ đầu tư Nhật Bản và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Đà Nẵng.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhưng thực tế ở nhiều nơi vẫn xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến pháo nổ tự chế. Phần lớn nạn nhân lại là những em học sinh đang trong độ tuổi tò mò dễ bị cuốn hút bởi hành động nguy hiểm.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Hiện, ứng dụng VNeID đã tích hợp các thông tin về bằng lái xe, bao gồm các thông tin về điểm giấy phép lái xe (GPLX).
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà vừa ký Công văn số 116/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Lễ hội Xuân năm 2025.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
. ..