SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 20/05/2024
  • Click để copy

Gốm Phù Lãng: Vang bóng một thời vùng Kinh Bắc

08:55, 30/04/2024
(SHTT) - Với lịch sử hơn 700 năm Phù Lãng hiện lên âm trầm, mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế với các sản phẩm từ đất sét đỏ. Đặc trưng của gốm Phù Lãng ấy là gợi lên “chất quê” bình dị, gần gũi, mộc mạc nhưng đầy tinh tế và thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật làm gốm.

Nghề gốm vang danh khắp vùng Kinh Bắc

Lịch sử đồ gốm Việt Nam bắt đầu từ những món đồ bằng đất sét trộn bằng bột vỏ sò không tráng men, dùng khuôn bằng giỏ đan, màu nâu đậm hay nhạt cách đây đã hàng ngàn năm. Gốm được coi là nét văn minh sơ khởi của con người, từng là điều huyền bí, linh thiêng trong truyền thuyết. Kỹ nghệ gốm có những bước phát triển mạnh mẽ đầu tiên từ giai đoạn Phùng Nguyên – thời kì Hùng Vương (cách đây khoảng 4000 năm).

Đến thời Lý - Trần, kỹ thuật gốm có sự phát triển vượt bậc với sự xuất hiện của bộ ba ông Tổ nghề gốm: Hữa Vĩnh Kiều – người làng Bồ Bát (Thanh Hóa), Đào Trí Tiên - người làng Thổ Hà (Hà Bắc) và Lưu Phong Tú – người làng Kẻ Sặt (Hải Dương). Cả ba ông sau khi đi sứ đã học được nghề làm gốm và sau khi trở về đã truyền nghề lại cho dân làng. Ông Kiều trở về Bồ Bát, ông Đào Trí Tiên về với làng Thổ Hà còn ông Lưu Phong Tú dạy nghề gốm cho làng Phù Lãng.

1

 Gốm Phù Lãng đặc biệt ở chỗ được làm bằng đất sét đỏ

Hiện ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, gốm Phù Lãng được trưng bày một số tác phẩm có niên đại vào khoảng thế kỷ 17 – 19. Cùng với lịch sử làng nghề hơn 700 năm, Phù Lãng nổi tiếng với các sản phẩm gốm gia dụng như vại, ấm, nồi, chum, chậu hoa, đôn cảnh, tiểu quách. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ bắt nhịp với thị hiếu thị trường, Phù Lãng đã phát triển dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ.

Dạo quanh làng, ngoài những vật dụng thường thấy như vại, chum nước, gốm Phù Lãng còn có những sản phẩm khác để trang trí nội - ngoại thất. Sự khéo tay, tinh tế và tỉ mỉ của người thợ gốm đã tạo nên những bức tranh vô cùng sống động. Dòng tranh gốm được sáng tác với nhiều chủ đề đa dạng, mộc mạc, giản dị. Mỗi sản phẩm là một khuôn hình mộc mạc, bình dị như chính người dân làng gốm, gợi nhớ về nguồn cội, quê hương.

2

 Tranh gốm vô cùng bắt mắt, sinh động

Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu từ “xương” đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng. Điều đặc biệt ở gốm Phù Lãng chính là loại đất sét được các thợ nghề trong làng sử dụng. Đất không được lấy trực tiếp trong làng mà được vận chuyển từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) và được chở về vùng Phù Lãng theo đường sông (chủ yếu sông Cầu).

Điều này khiến cho cấu trúc địa chất và cảnh quan làng Phù Lãng không bị phá vỡ. Đất lấy về phải là loại đất có độ dẻo, sau đó được phơi để đất bạc màu, trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm nước”, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm. Đất sét phải được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn mới có thể mang đi tạo hình.

3

 Gốm được tạo ra từ bàn tay của những người thợ lành nghề

Sản phẩm gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc nhưng chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

4

Gốm sau khi nung được vẽ màu để tăng thêm màu sắc 

Từ xưa đến nay, Phù Lãng vẫn được xem là một vùng quê đẹp của đất Kinh Bắc và "sơn thủy hữu tình". Cả làng tựa vào chân đồi, với dòng sông Cầu thơ mộng bao quanh, bến nước Phù Lãng ngày đêm tấp nập thuyền bè qua lại nối liền hai bến bờ Bắc Ninh và Bắc Giang. Gốm của làng Phù Lãng không chỉ đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương mà còn góp phần tạo nên một nét đẹp văn hóa có thể coi là đặc sắc nhất của vùng đất Kinh Bắc.

Hướng đi mới đưa nghề gốm “bay xa”

Xã Phù Lãng hiện có khoảng hơn 200 hộ sản xuất gốm; trong đó, có 50 lò nung đốt gốm truyền thống, gần 20 lò nung đốt gốm bằng khí gas; số lao động trực tiếp tham gia sản xuất gốm khoảng gần 1.000 người.. Nhờ sự đổi mới trong cách làm, những sản phẩm gốm của Phù Lãng đã được đông đảo khách hàng gần xa biết tới. Không chỉ đưa sản phẩm tới mọi miền đất nước, người làm gốm Phù Lãng còn mong muốn đưa được nét văn hóa dân tộc thông qua các sản phẩm gốm của làng ra với bạn bè thế giới.

6

 Sản phẩm Gốm của Phù Lãng tuy mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần độc đáo

Hiện thực hóa ước vọng này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài "Phát triển nghề làm gốm tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh". Cung cấp viện trợ cho dự án là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), UBND huyện Quế Võ là chủ dự án.

Dự án nhằm hỗ trợ, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật làm gốm bằng phương pháp Nhật Bản để tạo ra các sản phẩm gốm tiêu chuẩn, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Đồng thời, quảng bá các sản phẩm gốm Phù Lãng ra thế giới và xây dựng kế hoạch phát triển nghề làm gốm Phù Lãng trong tương lai… Dự án được triển khai thực hiện với tổng số vốn hơn 16,7 tỷ đồng. Dự án được xem là động lực, giúp làng gốm cổ Phù Lãng có thêm cơ hội “bay” xa…

7

Các sản phẩm trang trí cũng rất được khách hàng ưa chuộng vì độ tinh tế 

Không dừng lại ở việc làm ra những sản phẩm gốm, người dân Phù Lãng đang mong muốn ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến làng nghề gốm Phù Lãng. Một hướng phát triển mới cho làng nghề là phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm văn hóa nông thôn. Gần đây Phù Lãng đã bắt đầu đón khách từ các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương… và một số đoàn khách quốc tế. Năm 2016, người dân làng nghề vui mừng vì gốm Phù Lãng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Với những lợi thế có được từ trong quá trình gây dựng nên thương hiệu, kết hợp với điều kiện giao thông thuận lợi, thích hợp cho việc giao thương, gốm sứ Phù Lãng đang dần khẳng định thương hiệu, chỗ đứng của mình trên thị trường. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc đẩy mạnh thương mại điện tử để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh là cần thiết. Do đó không chỉ đơn thuần áp dụng phương thức bán lẻ truyền thống mà doanh nghiệp cần chú trọng vào thương mại điện tử.

Mỗi mặt hàng của Phù Lãng cần được gắn tem nhận diện thương hiệu, tem truy vấn nguồn gốc nhằm hoàn thiện thông tin về sản phẩm. Khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và đặt hàng trực tuyến trên website riêng. Những chính sách về lợi ích, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được công khai trên internet. Ngoài trưng bày mẫu mã sản phẩm, mô hình kinh doanh này còn giúp khách hàng hiểu thêm về làng nghề gốm cổ Phù Lãng.

8

 Tương đất nung cũng là một trong những sản phẩm độc đáo của Phù Lãng

Trên cơ sở dự án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch, tỉnh Bắc Ninh cũng đang chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch đối với làng gốm Phù Lãng. Tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 15 tỷ đồng với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề gốm Phù Lãng; xây dựng làng gốm trở thành địa danh du lịch làng nghề; du lịch trải nghiệm gắn với các sản phẩm OCOP.

Từ một làng nghề đứng trước nguy cơ mai một, gốm Phù Lãng đang phát triển mạnh nhờ sự tìm tòi, sáng tạo của người dân. Ở mỗi sản phẩm gốm ngày nay đều được các nghệ nhân tiếp thu những tinh hoa cổ với nét hiện đại giúp gốm Phù Lãng có kiểu dáng, hoa văn, họa tiết phong phú, đa dạng hơn và có sức cuốn hút lớn chiếm lĩnh được thị trường ở trong và ngoài nước.

Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 3 giờ trước
(SHTT) - 35 năm đóng vai Bác Hồ cũng là 35 năm Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi đồng hành bên người bạn đời của mình, ấy là nữ nghệ sĩ hóa trang Vương Đạm Thủy, mà theo tâm sự của chị: “Anh là Bác Hồ trên sân khấu và trở lại là chồng chị sau khi tẩy trang”…
Giải trí 5 giờ trước
(SHTT) - Một công ty của CH Séc đang in 3D mô hình Tháp Eiffel khổng lồ cho sự kiện Thế vận hội Olympic tại địa phương với vật liệu duy nhất là rác thải đại dương tái chế. Mô hình nặng hai tấn, được làm từ vật liệu tương đương 800.000 chai nhựa, sẽ không bị phân hủy và trường tồn với thời gian.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - TP Thanh Hóa đang giao cho các phường có tuyến phố đi bộ đi qua chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sớm đưa tuyến phố đi bộ vào hoạt động.
Giải trí 3 ngày trước
Vào cao điểm hè 2024, nhiều doanh nghiệp lữ hành sớm đưa ra chương trình ưu đãi với đa dạng sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách.
Giải trí 4 ngày trước
(SHTT) - Những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa liên tục ghi nhận tăng trưởng tích cực cả về lượng và chất, ngày càng khẳng định được vị trí, thương hiệu. Đây được xem là cơ hội mở ra cánh cửa để các khu, điểm trên địa bàn tỉnh tiếp cận đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.