Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei đăng ký bằng sáng chế cho công nghệ sản xuất chip tiên tiến
Theo các đơn đăng ký bằng sáng chế tại Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc, hai công ty đang phát triển công nghệ được gọi là khuôn mẫu bốn chiều tự liên kết (SAQP) để sản xuất các chip 5 nanometer (nm).
Công nghệ SAQP là một phương pháp tiên tiến trong sản xuất vi mạch điện tử. Qua quá trình này, các đường trên tấm bán dẫn silicon sẽ được khắc nhiều lần để tăng mật độ bóng bán dẫn, giúp tăng hiệu suất hoạt động của chip xử lý. Việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp Huawei giảm sự phụ thuộc vào thiết bị in thạch bản cực tím (EUV) hiện đại từ công ty ASML.
Được biết, ASML là nhà cung cấp duy nhất trên thế giới các thiết bị in thạch bản cực tím, một công nghệ quan trọng trong sản xuất vi mạch. Tuy nhiên, do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, ASML không thể bán các thiết bị này cho Trung Quốc. Do đó, việc sử dụng công nghệ SAQP từ SiCarrier giúp Huawei vượt qua hạn chế này và tiến hành sản xuất chip mà không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ ASML.
Dan Hutcheson, phó chủ tịch của công ty nghiên cứu TechInsights, đã đưa ra quan điểm của mình về việc sử dụng công nghệ SAQP trong ngành sản xuất vi mạch điện tử. Ông cho biết công nghệ này có thể giúp Trung Quốc sản xuất các vi mạch 5 nm, tuy nhiên vẫn còn khá bất cập cho mục tiêu dài hạn mà không phải dựa vào EUV.
Hiện nay, các chip xử lý tiên tiến nhất được sử dụng trong sản xuất thương mại đều áp dụng công nghệ 3nm. Trong khi đó, Trung Quốc đã có khả năng sản xuất các vi mạch 7 nm và đang bắt đầu sản xuất các chip 5 nm, nhằm thu hẹp khoảng cách về công nghệ so với các quốc gia dẫn đầu.
Theo dòng sự kiện, Mỹ và các đồng minh đã thắt chặt quyền tiếp cận của Trung Quốc với các thiết bị sản xuất chip trong nhiều năm qua. Điều này bao gồm cả việc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất chip EUV của ASML và các bộ xử lý đồ họa mạnh mẽ nhất của Nvidia, được sử dụng để huấn luyện các hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng các biện pháp kiểm soát như vậy là "cần thiết vì lợi ích của an ninh quốc gia". Cho thấy rằng Mỹ đang thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm đảm bảo rằng Trung Quốc không có quyền tiếp cận vào các công nghệ quan trọng có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để phát triển khả năng sản xuất chip trong nước. Đồng thời, Huawei cũng đã ra mắt một chiếc điện thoại thông minh đột phá vào năm ngoái, được cung cấp bởi chip xử lý 7 nm tiên tiến. Điều này cho thấy lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đang đạt được tiến bộ bất chấp những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh.
Theo báo cáo từ các nhà phân tích của Citigroup, một nhóm các nhà sản xuất thiết bị vi mạch Trung Quốc bao gồm Naura và AMEC đang xem xét việc sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để sản xuất chip có kích thước từ 7 nm trở lên vì việc sử dụng EUV là không khả thi.
Xuân Hiếu