SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Báo động tình trạng khan hiếm nhân lực chất lượng trong lĩnh vực công nghệ cao

16:10, 03/04/2024
(SHTT) - Hiện nay, vấn đề phát triển công nghệ cao được quan tâm hàng đầu. Điều này đặt ra yêu cầu phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản để tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, Việt Nam có những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… Tuy nhiên trong thực tế đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng… Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, sinh viên ngành công nghệ ra trường thường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, khiến cho tình trạng khan hiếm nhân lực công nghệ càng trở nên trầm trọng.

Theo thông tin được cung cấp bởi ông Lê Quang Lương, Tổng Giám đốc, Công ty CP Phần mềm Luvina, nhu cầu nhân lực công nghệ của các doanh nghiệp từ nay đến năm 2024 được dự đoán vào khoảng 1,2 triệu người nhưng số nhân lực thiếu hụt lên tới 500.000 người. Đặc biệt, ngành này đang thiếu số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thêm khoảng 400.000 nhân lực mỗi năm. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp ngành học này chỉ ở mức 30.000 người/năm.

Sự thiếu hụt nhân sự dẫn tới sự mất cân bằng trên thị trường lao động của lĩnh vực công nghệ. Lý do là bởi sự canh tranh, lôi kéo nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp, làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư.

Để có cái nhìn rõ hơn về thực trạng trên, phóng viên chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật.

s1

Ông Nguyễn Phú Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ. (Ảnh: NVCC) 

PV: Vâng thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về thực trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ hiện nay?

Ông Nguyễn Phú Hùng: Hiện nay, Việt Nam có những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới,... nhưng thực tế đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ví dụ, nói đến ngành công nghiệp bán dẫn (hay còn gọi là vi mạch) phải nói đến chip bán dẫn. Đây là thứ quan trọng trong kỷ nguyên công nghiệp. Từ việc có chip bán dẫn, các kỹ sư sẽ xây dựng được những thiết bị điện tử, hệ thống điện tử ứng dụng vào mọi lĩnh vực đời sống. Để cho ra con chip hoàn thiện ước tính phải trải qua khoảng 600 bước, liên quan đến nhiều công nghệ và sản xuất ở nhiều nước.

Các bước này có thể quy về thành 3 công đoạn chính: thiết kế, chế tạo, kiểm tra, đóng gói. Trong 3 công đoạn trên, thiết kế chiếm khoảng 50-60% giá thành sản phẩm, chế tạo chiếm 25-30%, kiểm tra đóng gói chiếm 15-20%.

Tuy nhiên, phần lớn nguồn nhân lực tại Việt Nam mới chỉ tập trung ở công đoạn thiết kế và đóng gói, chưa thực sự tham gia chế tạo hay chủ động về công nghệ. Chính vì vậy, bài toán đặt ra đó là làm thế nào để gia tăng sự đóng góp của Việt Nam trong công cuộc chế tạo, làm chủ trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành này.

s2

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam là rất lớn. (Ảnh: Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ) 

PV: Như ông vừa chỉ ra thực trạng thiếu hụt nhân lực đặc biệt nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ, như vậy thì nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên?

Ông Nguyễn Phú Hùng: Theo đánh giá, hiện nay chúng ta chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao mà mới chỉ dừng lại ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố công nghệ cao nào đó mang tính chuyên ngành.

Chính vì vậy, vấn đề nhân lực công nghệ cao vẫn đang là một bài toán khó đối với Việt Nam. Phần lớn nguồn nhân lực Việt Nam đang tập trung ở thiết kế đơn giản và đóng gói. Có rất ít công ty trong nước tham gia ở công đoạn thiết kế chip. Rõ ràng, nếu Việt Nam chỉ mới tham gia khâu đóng gói, triển khai dịch vụ thiết kế thuê mà không tích cực tham giam làm chủ thì nguồn thu sẽ rất hạn chế.

Bên cạnh đó, tình cảnh thiếu hụt nhà khoa học giỏi, nhà khoa học đầu ngành luôn hiện hữu. Mặc dù số lượng cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ khá đông, nhưng hiện nay tình trạng thiếu hụt đội ngũ kế cận đang diễn ra. Số lượng nhà khoa học có trình độ cao và có kinh nghiệm ngày càng giảm do đến tuổi nghỉ hưu, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, lĩnh vực công nghệ cao.

Bài toán đặt ra là làm sao gia tăng được số công đoạn Việt Nam có thể làm chủ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tăng tính độc lập tự chủ.

PV: Với tư cách là một người thuộc cơ quan quản lý, ông có thể chia sẻ thêm cần phải có những chính sách gì để cải thiện vấn đề này?

Ông Nguyễn Phú Hùng: Để giải bài toán này, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế thu hút, tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, đầu tư tại các viện, trường, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương đối với các nước có thế mạnh khoa học, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ.

Như tôi được biết, theo Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy chia sẻ, việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo vài tháng tới để đáp ứng nhu cầu.

Bộ Giáo dục và đào tạo hiện đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm 2023 đề án quan trọng: Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao; Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0.

PV: Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của ông về vấn đề ngày hôm nay!

Minh Thơm

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Dạy lập trình máy tính cho trẻ em đang được coi là xu hướng giáo dục mới trên thế giới và Việt Nam. Không phải là những giờ học khô khan theo kiểu đọc, chép một chiều, các em nhỏ tại lớp học lập trình có thể rèn luyện tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề và thỏa sức sáng tạo.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 1 ngày trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…