Đà Nẵng khởi động đào tạo nhân lực nguồn về ngành vi mạch bán dẫn
Dự báo, từ nay đến năm 2030, nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cần đến 50.000 – 100.000 người. Ngành bán dẫn toàn cầu lần đầu tiên trong lịch sử vượt doanh thu 600 tỷ USD, kỳ vọng sẽ trở thành ngành công nghiệp tỷ USD vào năm 2030.
Tăng tốc đào tạo nhân lực nguồn
Năm 2024, Đà Nẵng sẽ tập trung đào tạo lực lượng giảng viên nguồn (khóa đầu tiên) với sự phối hợp giảng dạy của trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng), Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và sự đồng hành hỗ trợ của Công ty Synopsys Việt Nam với bản quyền phần mềm chính hãng.
Theo đó, khóa đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên gồm 25 học viên là giảng viên được tuyển chọn từ các trường đại học trên địa bàn thành phố gồm trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Đại học Duy Tân và Đại học FPT.
Chương trình đào tạo sẽ diễn ra trong 6 tháng. 3 tháng đầu của chương trình đào tạo học viên sẽ học lý thuyết và 3 tháng học theo dự án với 4 mô đun về thiết kế mạch có mật độ tích hợp cao, thiết kế số và ngôn ngữ mô tả phần cứng, thực thi mạch tích hợp số cơ bản, thiết kế mạch tương tự cơ bản.
Các giảng viên nguồn sẽ được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của Synopsys. Khi hoàn thành chương trình, các giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn để truyền đạt lại cho sinh viên tại trường.
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết: “Việc khởi động chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng là một dấu mốc cụ thể. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch, bán dẫn thành phố”.
Đà Nẵng cũng đang hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để triển khai các khóa đào tạo tiếp theo cho đội ngũ giảng viên cũng như nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn của thành phố. Song song với đó, cử giảng viên của các trường Đại học ở Đà Nẵng sang nghiên cứu, học tập trực tiếp tại các cơ sở đào tạo quốc tế.
Trước đó, cuối tháng 1/2024, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng được thành lập. Trung tâm và tập đoàn Synopsys International Limited trao bản ghi nhớ về hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn triển khai chương trình Intel cho nguồn nhân lực tương lai tại TP Đà Nẵng.
Đà Nẵng xây dựng chính sách đặc thù thu hút trí thức Việt kiều trong lĩnh vực này chuyển giao tri thức, công nghệ cho các bên liên quan của TP Đà Nẵng và chính sách hỗ trợ cho người tham gia đào tạo, cho người học nghề chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu làn sóng đầu tư mới vào ngành này.
Tại các buổi tiếp xúc, kêu gọi đầu tư khi đến Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh làm việc với ngân hàng Thế giới, tập đoàn Intel, tập đoàn Qualcomm, công ty ARM, công ty Ampere…
Trong đó, tập đoàn Qualcomm đang rất quan tâm nghiên cứu đầu tư vào Đà Nẵng và thống nhất hợp tác tổ chức các giải pháp và cuộc thi tìm kiếm tài năng, thử thách đổi mới sáng tạo trong thiết kế vi mạch.
Công ty ARM cũng bày tỏ mong muốn mở rộng mạng lưới đào tạo tại Đà Nẵng và có kế hoạch làm việc cùng sự tham gia của công ty VMO (Đối tác trong đào tạo với ARM) và hệ thống khách hàng của doanh nghiệp này đến từ Hàn Quốc, Đài Loan. Đồng thời, VMO đề xuất ký biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Công ty ARM, VMO và Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng để hợp tác triển khai đào tạo nền tảng ARM tại Đà Nẵng.
Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh được khai trương
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tổ chức khai trương Trung tâm Vi mạch bán dẫn và Công nghệ thông minh (VKU-SSTH). Chức năng của VKU-SSTH là đào tạo, nghiên cứu, kết nối và chuyển giao công nghệ. Trung tâm được trang bị 30 máy tính và phần mềm thiết kế vi mạch có bản quyền của Synopsys cùng nhiều trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn và công nghệ thông minh.
Với chức năng như vậy, trung tâm được đầu tư nguồn kinh phí khoảng 10 tỉ đồng trong dự án ODA 7,7 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc giai đoạn 2022-2027 phục vụ đào tạo các khóa vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, trường cũng triển khai khóa bồi dưỡng ngắn hạn về thiết kế vi mạch bán dẫn cho 20 sinh viên năm 3, năm 4 đang học các ngành gần vi mạch và nhân viên đã đi làm có nhu cầu chuyển đổi sang thiết kế vi mạch bán dẫn từ tháng 3 đến tháng 9/2024.
Chuỗi sự kiện khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại TP Đà Nẵng là một trong những nhiệm vụ được xác định là cấp bách, quan trọng trong triển khai chủ trương, đề án phát triển vi mạch bán dẫn của TP Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua đó, khẳng định hướng tiếp cận tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn toàn cầu, dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và ưu tiên phát triển nhân lực cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử trong chuỗi giá trị của bán dẫn và vi mạch.
Chuỗi sự kiện có ý nghĩa là bước khởi đầu cho chặng đường phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn cho thị trường trong và ngoài nước.
Bảo Hòa – Duy Lương