Chả bò Đà Nẵng, bánh chưng Phú Thọ,... lên kệ quà Tết
Với người xa quê, được thưởng thức các đặc sản quê nhà như chả bò Đà Nẵng, nem chua Thanh Hóa, bánh tét Trà Cuôn, bánh chưng Phú Thọ,… cũng phần nào đem lại cảm giác ấm lòng trong những ngày tết. Năm nay, dù giá nguyên liệu tăng, nhiều cơ sở sản xuất vẫn giữ giá bán để tiếp cận được lượng lớn khách hàng.
Có mặt trên thị trường hơn 15 năm, Chả bò cô Huệ không chỉ là thương hiệu nổi tiếng tại Đà Nẵng mà còn gắn liền với cộng đồng người Quảng Nam tại TP.HCM. Năm nay, cơ sở này vẫn giữ nguyên giá bán so với ngày thường dù chi phí nguyên liệu và vận chuyển tăng.
Theo anh Trần Văn Bôi - Chủ thương hiệu Chả bò cô Huệ, lượng đơn đặt hàng của Tết năm 2024 giảm so với những năm trước. Kinh tế khó khăn, nhu cầu đặt hàng để tặng quà cho nhân viên các công ty đã giảm nhiều, đa số lượng khách vẫn là khách lẻ.
"Rút kinh nghiệm từ những năm trước, công ty đã chuẩn bị rất kĩ từ nguyên liệu, công tác đóng gói, bao bì đến vận chuyển. Nguyên liệu để sản xuất cũng được cơ sở lựa chọn, chuẩn bị số lượng lớn để kịp sản xuất đáp ứng nhu cầu của khách hàng dịp Tết. Đối với các khách hàng sỉ, phía cơ sở sẽ giao trước ngày 22 âm lịch, từ ngày 23 âm lịch sẽ giao đủ cho khách lẻ", anh Bôi nói.
Cũng theo anh Trần Văn Bôi, thị trường các năm chủ yếu vẫn là các khách hàng ở khu vực phía Nam, còn khách hàng miền Trung lượng tiêu thụ chỉ ở mức thấp. Mức giá vẫn được anh Bôi giữ nguyên không tăng so với ngày thường, giá chả bò 340.000 đồng/1 kg, chả lụa, chả heo 250.000 đồng/1 kg.
Nhìn chung đến thời điểm hiện tại, lượng khách ổn định, chưa có gì đột biến. Theo thói quen người tiêu dùng mua sắp Tết, từ ngày 25 âm lịch khách hàng khu vực TP.HCM và các vùng lân cận mới "đổ xô" mua. Cơ sở sẽ bán và giao hàng cho khách đến ngày 28 âm lịch.
Anh Nguyễn Thành Nhân - chủ thương hiệu Bánh chưng Đất Tổ (Phú Thọ) - cho biết trung bình một ngày công ty đưa ra thị trường khoảng 1.000 cái. Năm nay, lượng hàng ra thị trường tăng gần 20% so với năm trước, công ty kết hợp bán trực tiếp lẫn bán trực tuyến.
"Giá bán vẫn giữ nguyên mặc dù nguyên liệu, nhân công tăng hơn khoảng 5% so với năm trước. Bánh chưng mặn, chay 140.000 đồng/cái. Giá bán này đã tiếp cận dễ so với nhiều người nên chúng tôi không muốn tăng giá", anh Nhân cho biết.
Cũng theo anh Nhân, tất cả sản phẩm của Bánh chưng Đất tổ luôn phải nhận đặt hàng trước vì cần thời gian để gói và nấu. Để cho ra một mẻ bánh, cần nấu trong vòng 8 tiếng và công tác chuẩn bị mất khoảng 2 - 3 tiếng. Bánh được nấu tại TP.HCM vì nếu chỉ nấu ở Phú Thọ chuyển vào thì sản lượng thấp, riêng nguyên liệu làm bánh phải được đưa từ Phú Thọ vào.
Thương hiệu Bánh chưng Đất tổ đã cung cấp bánh chưng ra thị trường hơn 10 năm. Lượng khách mua chủ yếu là công ty làm quà Tết cho nhân viên, doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng lẻ.
Chào bán ra thị trường dịp Tết năm đầu tiên, chị Nguyễn Ngân - chuyên bán nem chua Thanh Hóa, cho biết giá bán bán năm nay không tăng.
Theo chị Ngân, chi phí nhân công, vận chuyển cho đến nguyên vật liệu như lá chuối tăng 1,5 - 2 lần. Tuy nhiên, nhà sản xuất vẫn giữ giá như ngày thường để khách hàng có thể thưởng thức được món ngon, đặc sản của cơ sở.
Võ Liên