Bài học cho thương hiệu du lịch ẩm thực từ vụ ngộ độc bánh mì Phượng
Bánh mì Phượng là một thương hiệu nổi tiếng ở Hội An, được du khách trong nước và quốc tế biết, tìm tới. Gần đây, qua sự cố 150 thực khách phải nhập viện điều trị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng, trong đó có 30 du khách nước ngoài đã trở thành tâm điểm dư luận ở phố cổ. Vụ việc là một bài học trong quản lý thương hiệu du lịch văn hóa ẩm thực.
Hiện tất cả các khách hàng bị ngộ độc đều đã xuất viện, chủ cơ sở sản xuất bánh mì Phượng có thư xin lỗi gửi đến khách hàng. Thư xin lỗi đăng tải công khai trên fanpage của tiệm, facebook cá nhân bà chủ Trương Thị Phượng. Song những vớt vát sau sự cố ánh mắt của thực khách dành cho thương hiệu từng được tìm kiếu bấy lâu không biết bao giờ mới thôi nghi ngại.
“Trong những ngày qua, sự việc gây ngộ độc thực phẩm liên quan đến tiếm bánh mì đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và sinh hoạt cuộc sống của quý khách hàng. Trước vụ việc này chúng tôi rất đau lòng và đáng tiếc, vì sự cố không ai mong muốn trong tất cả các lĩnh vực ăn uống nói chung và tiệm bánh mì nói riêng.”, bánh mì Phượng viết trong thư.
Bà chủ Trương Thị Phượng đồng thời cho biết: “Đây là sơ sót của chúng tôi trong quy trình kiểm soát nhập nguyên liệu đầu vào cũng như chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng… Vì sự cố đáng tiếc xảy ra làm quý khách hàng thất vọng bởi một cơ sở đã có kinh nghiệm kinh doanh trong 34 năm qua tại Hội An”.
Bên cạnh những “fan ruột” của tiệm bánh mì hoan hỉ bỏ qua vì sự cố thì việc bàn luận, thậm chí tẩy chay nghiêm khắc từ những khách hàng khó tính cũng không ít. Nhân vụ việc bị ngộ độc thực phẩm lần này nhiều người cũng cho rằng, thái độ phục vụ những khi khách đông của tiệm bánh mì cũng rất mếch lòng.
Sự cố xảy ra ban đầu phát hiện có một vài người nhà của thực khách lên facebook phản ánh việc bị ngộ độc vì có ăn bánh mì Phượng. Sau khi kiểm tra, trong ngày, cơ quan chức năng địa phương phát hiện thêm hàng chục bệnh nhân liên quan tới vụ việc. Sau một ngày số lượng bệnh nhân phải nhập viện vì ăn bánh mì Phượng lên tới 150 người.
Trước đó, Viện Pasteur Nha Trang cũng đã thông báo kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm do Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Nam lấy mẫu tại cơ sở bánh mì Phượng. Kết quả cho thấy mẫu chả heo có chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL. Mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo phát hiện chủng Baclillus cereus sinh độc tố NHE; mẫu xíu mại phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE; thịt heo xíu mại phát hiện Salmonella.
Viện Pasteur Nha Trang còn xác định các mẫu thực phẩm có vi khuẩn Bacillus cereus. Tuy nhiên, theo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam dựa trên triệu chứng, mẫu phân của bệnh nhân khẳng định nguyên nhân ngộ độc chính là do vi khuẩn Salmonella.
Vi khuẩn Salmonella cũng là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có những vụ có quy mô lớn trên thế giới. Khi bệnh nhân bị ngộ độc do loại vi khuẩn này thường có biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Nó gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi, những người có hệ miễn dịch kém.
Thường khi bị nhiễm vi khuẩn Salmonella, bệnh nhân có dấu hiệu khởi phát gồm sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, nôn ói. Việc nhiễm khuẩn Salmonella thường do rất nhiều nguyên nhân, có thể do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết thịt. Vi khuẩn Salmonella có ở trong máu, thịt và đặc biệt là các phủ tạng như gan, lá lách, ruột. Một số loại gia cầm như vịt, ngan, ngỗng khi để trứng tại những nơi kém vệ sinh cũng có thể bị loại vi khuẩn này xâm nhập qua vỏ trứng vào bên trong.
Nguyên nhân khác có thể do dụng cụ chứa đựng, nguồn nước, ruồi, chuột hay trong các thực phẩm nguội, chế biến trước khi ăn quá lâu nhưng không được đun sôi lại, món ăn chưa được nấu chín hay quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Hơn 35 năm xây dựng thương hiệu, bánh mì Phượng còn mở tại Hàn Quốc và từng là thương hiệu được đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdai của Mỹ mệnh danh là món “bánh mì ngon nhất thế giới”.
Được người nổi tiếng giới thiệu, bánh mì Phượng “gặp thời” chiếm được cảm tình khách hàng. Nhưng sự cố đã xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch nói chung và kinh tế Hội An cũng như thương hiệu bánh mì Phượng.
Sự việc là một tiếng chuông cảnh báo trong giữ gìn thương hiệu, hình ảnh điểm đến đặc biệt khi phát triển du lịch văn hóa ẩm thực nhưng việc kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt là ẩm thực đường phố còn lỏng lẻo.
Trong hành trình khám phá du lịch, ẩm thực là biểu thị văn hóa, đặc trưng sinh hoạt của bản địa, là sản phẩm du lịch luôn được hầu như mọi du khách đều quan tâm.
Ẩm thực Việt Nam luôn hấp dẫn, được truyền thông quốc tế vinh danh, là điểm mạnh tạo nên sức hấp dẫn, quyến rũ của du lịch Việt Nam. Thế nhưng, những quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động du lịch ẩm thực qua sự cố của bánh mì Phượng đã bộc lộ những vấn đề cần được quan tâm. Bên cạnh tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp kinh doanh thì phải đảm bảo an toàn cho du khách đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An - từng cho biết: “Du lịch ẩm thực là một trong hai loại hình được địa phương ưu tiên thúc đẩy phát triển trong giai đoạn này. Do đó sắp tới, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, sắp xếp lại và tích cực làm mới các sản phẩm ẩm thực phù hợp với đặc trưng địa phương để thu hút, đáp ứng được nhu cầu của cả khách nội địa lẫn khách quốc tế về dài hạn”.
Đã đến lúc, Hội An cần đầu tư bài bản để phát triển bền vững du lịch văn hóa ẩm thực đồng thời có những hành động để bảo vệ thương hiệu văn hóa ẩm thực của địa phương để không còn một sự cố hi hữu đáng tiếc như bánh mì Phượng vừa qua gây thất vọng trong lòng du khách.
Bảo Hòa