Nóng chuyện tranh luận thu vé tham quan phố cổ, Hội An có đánh mất mình?
Trước đây, du khách tham quan các địa điểm di tích trong khu phố cổ mới phải mua vé. Theo kế hoạch với quy định mới tất cả du khách bước vào không gian của phố cổ, thậm chí không vào di tích nằm trong danh sách tham quan cũng bắt buộc mua vé.
Bán vé tham quan phố cổ là câu chuyện dài
Quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ Hội An được xem như một “bảo tàng sống” về kiến trúc, về lối sống đô thị. Bao đời nay người dân Hội An “sống cùng phố cổ, sống với phố cổ, sống vì phố cổ”. Họ liệu có được lợi từ việc bán vé tham quan cả không gian phố cổ?
Lãnh đạo TP Hội An cho rằng đây là kế hoạch đưa ra còn sắp tới thành phố sẽ tổ chức họp báo tham vấn ý kiến cư dân và các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan ban ngành khác. UBND thành phố khẳng định người dân địa phương được phân luồng lối riêng, người thân của bà con sinh sống trong khu phố cổ có thể ra vào thăm hỏi mà không phải mua vé.
Việc triển khai các biện pháp chống thất thu, siết chặt việc bán và kiểm soát vé, quyết liệt xử lý đối với những trường hợp cố tình đưa khách đi chui được triển khai song hành với việc bồi dưỡng các nguồn thu từ vé tham quan với rất nhiều công việc khác.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An - cho hay: “Trước hết phải hiểu rằng thực chất vé tham quan không phải dành cho toàn bộ phố cổ Hội An, mà chỉ giới hạn trong khu vực I của khu phố cổ”.
Theo lãnh đạo UBND TP Hội An, mô hình thu vé tham quan là bước đi trải nghiệm từ mấy chục năm và quy định mới là nhằm “hoàn thiện hơn cho mô hình mang nhiều ưu điểm”.
Nguyên do thay đổi mô hình mang nhiều ưu điểm này bắt nguồn từ việc qua đối sánh số liệu thống kê hàng năm, thành phố nhận ra tổng số vé phát hành tham quan phố cổ Hội An luôn rất thấp (hơn 40%) so với tổng lượt khách đến Hội An, tổng lượt khách lưu trú tại Hội An. Lâu nay, vé tham quan phố cổ Hội An thường có trong giá tour chào bán của các hãng lữ hành. Tuy nhiên, hướng dẫn viên đưa khách đi tham quan phố cổ không ít người tìm mọi cách “chui”, trốn không mua vé, thả du khách đi lang thang.
“Tình trạng này tạo nên cảm giác hụt hẫng cho du khách vì không có vé đồng nghĩa với việc không được tiếp đón, phục vụ chu đáo, thuyết minh tường tận, khám phá giá trị đích thực của không gian phố cổ Hội An mà lẽ ra quyền lợi đó họ được tận hưởng. Mặt khác, tình trạng dẫn khách tham quan “chui” dẫn đến thất thu 40% của vé tham quan - nguồn ngân sách chủ yếu để phục vụ các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phát triển du lịch Hội An.”, ông Lanh cho hay.
Năm 1985, Khu phố cổ Hội An chính thức được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Để gắn công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ với định hướng phát triển các hoạt động dịch vụ - du lịch, tháng 6/1986, Ban quản lý di tích và dịch vụ du lịch Hội An thành lập. Đây cũng là thời điểm bắt đầu bán vé tham quan phố cổ Hội An.
Những năm đầu, vé tham quan phố cổ được thiết kế gồm 4 điểm di tích đều thuộc sở hữu tư nhân và tập thể, với giá 7.000 đồng/khách nước ngoài và 1.500 đồng/khách nội địa; 50% số tiền thu được thuộc phần các chủ di tích, 50% còn lại chi phí hành chính, ấn loát, điện nước, sửa chữa nhỏ các di tích trong ô vé tham quan. Đến năm 1992, giá vé được điều chỉnh 5.000 đồng/lượt đối với khách Việt Nam, 50.000 đồng tương đương 5 USD/lượt khách quốc tế.
“Giá vé quá thấp lại thêm nhiều đoàn du khách đến tham quan phố cổ nhưng không qua bộ phận bán vé nên khoản thu phí tham quan hầu như không đáng là bao. Liên tục trong mấy năm, tiền thu được từ bán vé tham quan ít hơn các khoản chi phí, nhà nước phải bù lỗ’, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An lý giải.
Tiếp tục dẫn chứng về mô hình vé tham quan Hội An, Phó Chủ Tịch UBND TP Hội An dẫn chứng trong “Chương trình hành động” (ngày 6/11/1992), Thị ủy Hội An chủ trương đưa ra quy chế thu hợp lý đối với khách tham các di tích cổ và cho phép một số hộ chủ di tích loại I được thu lệ phí tham quan, nghiên cứu tổ chức thu phí trọn gói đối với khách tham quan khu vực I của phố cổ nhằm giảm tải và đảm bảo cảnh quan trật tự.
Ngày 31/5/1993, HĐND thị xã đề ra Nghị quyết về “Phát triển du lịch và dịch vụ trên địa bàn Hội An giai đoạn 1993-1995 và 1996-2000”. Trong đó, nhấn mạnh việc gấp rút triển khai nghiên cứu phương án bán vé trọn gói tham quan phố cổ.
Vấn đề vé tham quan trọn gói cho phố cổ tiếp tục được đưa ra bàn thảo trong nhiều chương trình nghị sự, diễn đàn ở thị xã và tỉnh. Có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có sự phản đối quyết liệt từ nhiều phía. Cuối cùng, qua quá trình vận động, thuyết phục cơ quan nhà nước cấp trên thống nhất phê duyệt phương án, các doanh nghiệp du lịch cũng dần dần đồng thuận.
Tháng 8/1995, “Quy chế quản lý khách tham quan du lịch phố cổ Hội An” ra đời và đến ngày 15/10/1995 chính thức bán vé trọn gói cho mọi du khách vào tham quan khu vực I phố cổ với giá gấp 10 lần, trong đó có một ô dành chung cho toàn bộ quần thể di tích và những ô khách riêng cho từng điểm di tích tùy theo nhu cầu của du khách.
Ngay trong ngày đầu tiên phát hành được 324 vé, trong đó có 199 dành cho du khách nước ngoài, doanh thu 11 triệu đồng. Năm 1995, tổng số tiền thu từ vé tham quan đạt 5,7 tỷ đồng. Trong khi trước đó, tiền bán vé một năm được 52 triệu trong khi chi phí hết 57 triệu.
Năm 1995 đến nay, phương thức phát hành vé tham quan Khu phố cổ Hội An đã nhiều lần thay đổi. Từ ngày 1/11/2012, giá vé tham quan Khu phố cổ Hội An được điều chỉnh là 120.000 đồng/người/06 điểm tham quan đối với khách quốc tế và 80.000 đồng/người/04 điểm tham quan đối với khách trong nước.
Phương thức bán vé trọn gói khi vào tham quan phố cổ và cơ cấu giá vé không thay đổi. Chủ trương “lấy di tích nuôi di tích”, “khai thác du lịch gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị di tích” trong mấy chục năm qua cũng là vấn đề nhất quán.
Gần 85% tiền thu được từ vé tham quan đầu tư trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng phục vụ khách tham quan. Từ nguồn thu vé tham quan, Hội An thực hiện các dự án “Đêm phố cổ”, “Phố cổ không có tiếng động cơ”, “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”, “Giờ tắt điện”… các sự kiện văn hóa- du lịch và hàng loạt những vấn đề dân sinh của cư dân phố cổ.
Dư luận cho đó là tận thu, lãnh đạo TP Hội An nói vậy là chưa đúng
Rôm rả trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội là các cuộc tranh luận gay gắt diễn ra xung quanh việc thu phí tham quan phố cổ Hội An. Nhiều ý kiến cho rằng đó Hội An đang muốn dựng barie lên để tận thu vé. Đặt ra các câu hỏi về việc quản lý di tích nếu mô hình kiểm soát được nguồn vé hiệu quả thì lâu nay không thất thoát đến khoảng 40%? Những người kinh doanh buôn bán tại phố cổ sẽ gặp khó khăn khi áp dụng bán vé cho toàn bộ không gian này.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP Hội An - đã trực tiếp lên tiếng: “Không gian phố cổ bị quá tải. Đặc biệt, du khách mua vé tham quan phố cổ cho rằng bị ảnh hưởng lớn, không công bằng vì nhiều người cũng vào tham quan phố cổ như họ nhưng không mua vé”.
“Một số trang mạng nói Hội An tận thu là chưa đúng vì chưa chắc thu bù được chi phí có khi chi phí còn cao hơn nữa. Hiện nay, mức thu phí Hội An có thể nói là khiêm tốn nhất so với các quần thể di sản khác”, ông Sơn khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND TP Hội An, bán vé tham quan là việc đã làm lâu nay rồi, chẳng qua bây giờ phân luồng, tổ chức lại cho hợp lý để tránh khách đi tham quan hay khách vào giao dịch, quan hệ, buôn bán cũng đi cùng một lối dẫn tới xô bồ, không khoa học.
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Tour Rừng dừa Bảy Mẫu bằng thuyền thúng