SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 09/12/2024
  • Click để copy

Tết Nguyên tiêu Hội An được ghi nhận là di sản văn hóa quốc gia

16:33, 07/02/2023
Tết Nguyên tiêu Hội An (Quảng Nam) là Tết của cộng đồng diễn ra từ trong phố cổ đến các làng, xã với đặc trưng riêng. Tết Nguyên tiêu nơi đây giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, trở thành ngày hội độc đáo của miền Trung Việt Nam.

Dịp Nguyên tiêu Quý Mão 2023, TP Hội An đón nhận danh hiệu "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" của Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch.

Tết Nguyên Tiêu riêng của Hội An

3h ngày 16 âm lịch tháng Giêng (tức ngày 6/2), dòng người nối dài thành tâm dâng hương tại trung tâm tín ngưỡng của người dân Quảng Nam xưa và Hội An nay - Miếu Quan Công (24 Trần Phú, Hội An). Miếu cổ nổi tiếng linh thiêng được xây dựng vào năm 1653, thời kỳ thương cảng thịnh vượng nhất.

MQC

Miếu thờ vị tướng tài thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (Quan Vũ) biểu tượng cho hình mẫu người có triết lý sống cao đẹp thời bấy giờ với Nghĩa – Trung – Tín – Dũng. Ảnh: Di sản Hội An

Tết Nguyên tiêu được xem ngày “thiên quan tứ phước” – người ở trên trời ban phước đức cho nhân gian. Người dân tới đây đảnh lễ cầu an, noi gương sáng, cầu mong năm mới làm ăn phát đạt như các thương nhân một thời.

Đó chỉ là một địa chỉ tâm linh ở Hội An giữa hàng loạt hoạt động sôi nổi ngày rằm tháng Giêng. Những ngày trăng tròn nhất của tháng giêng từ 14 – 16 âm lịch, mặt sông Hoài loáng ánh trăng soi bóng phố cổ về đêm. Những chuyến xe chở người Việt, người Hoa và du khách ở mọi miền xuôi ngược về phố cổ đón Tết Nguyên tiêu thêm đông đúc, tấp nập.

45568fdd3291e8cfb180

 Cùng với việc phát triển đô thị thương nghiệp, cư dân Hội An có điều kiện kinh tế cũng là có điều kiện phát triển Tết Nguyên tiêu thành lễ hội lớn. 

“Hội An trở nên lộng lẫy bởi những chiếc đèn lồng treo cao. Tôi du xuân đầu năm, trở lại Hội An lần thứ ba đúng dịp Nguyên tiêu, cầu mong những điều tốt đẹp, vạn sự như ý”, Nguyễn Thơ - du học sinh Hàn Quốc vừa trở về nước du xuân - nói.

“Lễ Nguyên tiêu ở đây lớn lắm, chúng tôi chuẩn bị cả tuần nay đợi sum họp con cháu như thường niên. Lượng khách về đình tăng lên mấy ngàn người”, ông Lê Phú Quang - Hội quán Quảng Triệu Hội An - mời chúng tôi ở lại ngày 16 âm lịch để cảm nhận không khí của lễ hội.

Từ ngày 15 âm lịch, đoàn diễu hành gần 300 người và đội thiên cẩu của Hội An cùng đoàn lân sư rồng biểu diễn rất náo nhiệt. Năm nay thêm tưng bừng khi đoàn mang đến không khí đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên Tiêu ở Hội An.

Đoàn diễu hành rước danh hiệu xuất phát tại đình Sơn Phong qua các Hội quán Triều Châu, Hải Nam, Tụy tiên đường Minh Hương, Chùa Ông, Phước Kiến, Ngũ Bang, Quảng Triệu, Chùa Cầu, Đình Cẩm Phô đến đình Hội An

Cố GS. Trần Quốc Vượng - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN - từng đánh giá: “Hội An là nơi tụ nhân, tụ thủy, tụ văn”. Thành phố sáng tạo thuần hậu từ nhiều đời cũng là mảnh đất của lễ hội gồm: lễ hội làng nghề, tín ngưỡng dân gian, lễ hội hiện đại…

Tết Nguyên tiêu có ở mọi miền đất nước nhưng Nguyên tiêu ở Hội An đặc sắc riêng khi trở thành lễ hội lớn. Lễ hội được hình thành trên cơ sở văn hóa bản địa của người Việt từ rất sớm. Đặc biệt khoảng thế kỷ 17 thông qua cộng đồng Minh Hương người Việt gốc Hoa, lễ hội lan tỏa, giao thoa văn hóa của các nước Nhật Bản, Trung Quốc.

Thư tịch cổ Hội An còn giữ được cho thấy, ít nhất từ thế kỷ 18 Tết Nguyên tiêu thường được tổ chức trọng thể vào ngày 15/1 âm lịch. Người dân ngày này nô nức thả đèn, treo lồng đèn, rước kiệu ngoài phố.

“Họ tổ chức đám rước trên bộ hoặc trên thuyền với nhiều nhạc cụ… biểu hiện niềm vui, chúc phúc”, Thạc sỹ Phùng Tấn Đông - chia sẻ. Lễ hội tâm linh lớn, người Hội An sớm chuẩn bị từ tháng chạp, đặc biệt sau ngày mồng 7 Tết sẽ bắt đầu dọn dẹp, vệ sinh bàn thờ gia tiên, trang hoàng đủ đầy.

910a1e93a1df7b8122ce

 Đến với Tết Nguyên tiêu TP Hội An cảm nhận sâu sắc đời sống văn hóa của người dân phố Hội.

Ông Triệu Quảng An - Trưởng Ban Trị Sự Hội quán Quảng Triệu, TP Hội An - vừa sửa soạn vừa nói: “Những ngày lễ ban trị sự chúng tôi thường ngồi lại bàn bạc, chuẩn bị tổ chức chu đáo theo nghi thức cha ông để lại”.

Tết Nguyên tiêu Hội An gửi gắm ước vọng người dân những điều tốt lành qua tục xin lộc thánh hoa quả, gạo muối. Các thương gia lớn, nhỏ đến các đình, chùa báo các thần như bà chúa Tiên, Quan Công vay tượng trưng ít tiền làm ăn đến cuối năm sẽ trả lại cùng với ít lộc đã kiếm được. Tục xin xăm tại các đình Phước Kiến, Cẩm Phô như một cách tư vấn tâm lý giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.

Sẽ tiếc nuối nếu không giữ trọn bản sắc

Chủ tịch UBND TP Hội An - Nguyễn Văn Sơn - cho rằng: “Tết Nguyên tiêu ở Hội An là dịp người dân bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền hiền. Lễ hội lớn nhất đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An thu hút đông đảo người dân và du khách vui chơi giải trí, tạo thành tập quán xã hội đặc trưng.

329130950_736103361355020_2789612779010268131_n

 Mỗi cộng đồng cư dân địa phương có tục lệ cúng tế Tết Nguyên tiêu theo cách riêng nhưng có điểm chung là bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị Phật, vị thần và bậc tiền nhân.

Sau tháng giêng, từ ngày mồng 10 – 17 TP Hội An có cúng đất, cúng xóm, cúng xã, đình miếu, cầu an… cầu cho vạn vật sinh sôi nảy nở, được mùa, mưa thuận gió hòa. Có thể ở trọ không có cơ sở thờ tự nhưng mỗi người, mỗi gia đình vẫn góp nhau cúng xóm giữa đường.

Theo Thạc sĩ Văn hóa học Phùng Tấn Đông: “Không biết cái nào ảnh hưởng cái nào mà các lễ hội lan tỏa, tiếp biến lẫn nhau. Về văn hóa đây là ngày Tết của cộng đồng sau Tết Nguyên Đán, về tâm linh tín ngưỡng là sự cộng cảm của tổ tiên, sông núi".

Hiện nay, những món ăn làm lễ vật phần lớn được Việt hóa. Người Việt ảnh hưởng rất nhiều lên các món ăn của người Hoa: Món cao lầu, Mỳ Quảng, bánh bao, đậu hũ… Ví dụ, truyền thống ẩm thực Việt không dùng bột mì mà dùng bột gạo hay cách chế biến bánh bao người Việt sử dụng là nhân khác…

617931ef97a34dfd14b2

Du xuân nhân dịp Tết Nguyên tiêu.

“Tôi rất tiếc những nghi lễ Nguyên tiêu ngày nay dần bị giản lược và bỏ quên. Những người thực hành nghi lễ đã có tuổi rồi trong khi thanh niên không mặn mà. Nếu trước đây rước thánh, rước quan công, thiên hậu đoàn lễ đi hàng cây số khắp thành phố rất vui thì nay đôi khi không còn rước”, ông Phùng Tấn Đông trăn trở.

Tết Nguyên tiêu ngày xưa tổ chức nhiều trò chơi dân gian thu hút cả đại gia đình tham gia, thắm thêm quan hệ thân tộc, đồng hương rất sâu đậm. Các loại hình dân ca, dân vũ, kinh kịch… trong lễ giờ đây gần như không còn, thay vào đó người ta hát những ca khúc đương đại. Nổi bật nhất là trò du ngoạn trên hồ, tập hợp các đội múa, hát biểu diễn, rước 8 vị tiên trong giai thoại bồng lai tiên cảnh cùng các hình thức tiêu dao của người Hoa rất sôi động.

Sau khi đảnh lễ dâng hương, lễ Phật, khách thập phương đi dạo phố cổ nô nức hòa vào không gian văn hóa biểu diễn lân sư rồng, bốc thăm cầu may, du xuân. Cùng với lễ hội truyền thống, người dân thưởng thức đêm thơ Nguyên tiêu, đánh bài chòi, thả hoa đăng trên sông Hoài… những mảng màu đa sắc khác biệt cho lễ hội Nguyên tiêu độc đáo nhất miền Trung này.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 3 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Ban tổ chức Hội chợ Thương mại và Du lịch miền Tây Thanh Hoá 2024, hội chợ sẽ được tổ chức trong 5 ngày tại sân vận động huyện Thường Xuân. Hiện chính quyền các địa phương và chủ thể sản xuất đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để tham gia sự kiện quan trọng này.
Giải trí 3 giờ trước
(SHTT) - Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các di tích lịch sử - văn hóa, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, góp phần tạo không gian cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Chương trình “Phở số Hà Thành” là hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024, nhằm tôn vinh món phở truyền thống của Hà Nội và giới thiệu tới người dân về “Phở số” được ứng dụng công nghệ hiện đại và chuyển đổi số trong ngành ẩm thực Việt Nam.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO mới đây, di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giải trí 5 ngày trước
(SHTT) - Thời gian qua, huyện Quan Sơn đã và đang chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
. ..