SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 24/04/2024
  • Click để copy

Hương liệu, thổ sản trù phú làm nên thị cảng Hội An phồn vinh một thời

11:00, 19/01/2023
Xứ Quảng là vùng đất trù phú, giàu sản vật thổ sản và hương liệu chất lượng, từ đó góp phần xây dựng một thương cảng Hội An trù phú những thế kỷ trước. Nay có những sản vật đang trở thành thương hiệu lớn quốc gia và cũng có sản vật cần được bảo tồn, khai thác tiềm năng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) – ông Nguyễn Văn Lanh - tự hào khẳng định: "Có thể nói rằng nếu không có hương liệu, thổ sản chắc chắn không có thị cảng Hội An phồn vinh mấy thế kỷ". Từ câu chuyện về hương liệu có thể dẫn dắt đến nhiều quy luật lịch sử, văn hóa thương hiệu thú vị.

Xứ Quảng trù phú sản vật

Về ngang mảnh đất "chưa mưa đà thấm", mỗi địa danh lại gắn nỗi nhớ niềm thương với một của ngon vật lạ, làm nổi tiếng bao miền quê xứ Quảng.

Theo TS. Đinh Thị Kim Ngân - Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ - hàng xuất khẩu qua thương cảng cổ Hội An gồm nông sản, các sản phẩm thủ công, lâm và hải sản. "Sự phong phú về nguồn hàng xuất khẩu là đặc điểm nổi bật của nền thương mại ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII. Trong đó, trầm hương là một mặt hàng nổi trội", TS. Ngân nói.

Quảng Nam được biết đến là xứ trầm hương - loại gỗ quý phân bố nơi các sườn núi, trong rừng sâu hiểm trở dọc dãy Trường Sơn các huyện Nông Sơn, Tiên Phước, Quế Sơn. Từ đây, nhiều nghề liên quan sớm hình thành như đi trầm, buôn trầm, làm hương cung cấp trầm hương cho Đàng Trong để xuất khẩu.

4cb797070e02d65c8f13

 Trầm hương Tiên Phước nổi tiếng xứ Quảng.

Trầm hương sinh ra từ thương tích trên thân cây dó bầu. Qua thời gian dài "đau thương", từ nhựa dầu tích tụ thành loại gỗ hiếm được nhiều nơi xem là vật phẩm quý.

Phu trầm Hồ Văn Sơn (xã Trung Phước) kể: "Tôi làm nghề khai thác trầm từ năm 1986 đi được 11 chuyến trầm rồi chuyển sang buôn trầm. Năm 1990 tôi nghỉ nghề". Với ông Sơn, nghề tìm trầm nhiều hiểm nguy như lũ rừng, sốt rét đến cướp bóc nhưng vẫn hấp dẫn bởi nếu "trúng mánh", giá trầm từ vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng tùy theo kích cỡ và giá trị trầm.

Trầm hương Quảng Nam tự nhiên hay khoan nhân tạo cũng có mùi thơm dịu ngọt tựa hoa quả chín, nhẹ nhàng mà lắng sâu, lan tỏa và vương vấn. "Việc lấy trầm gian nan, nhưng do mặt hàng này được thương nhân nước ngoài ưa chuộng nên người dân bất chấp vào rừng tìm trầm hương", TS. Ngân chia sẻ.

Bên cạnh trầm hương, huyện Tiên Phước, Trà My của xứ Quảng còn được coi là vùng "cao sơn ngọc quế" với rừng quế tự nhiên và quế vườn nhà chất lượng nổi tiếng cả nước. Ông Nguyễn Đinh Hùng (xã Tiên Mỹ) gắn bó quá nửa đời mình hơn 40 năm trồng quế cho hay Tiên Phước vào trước năm 1975 có vùng trồng nguyên liệu quế, xuất khẩu quế sang Trung Quốc.

"Từ xưa người ta dùng gỗ tạp, bỏ rơm vào lót quế, gọi là thúng quế kẹp để đưa xuống Hội An và chở đi bán", ông Hùng mân mê những thúng quế cũ trong nhà nói.

Huyện Tiên Phước vốn có đông đảo người Hoa từ Hội An đến lập nghiệp. Từ ngày xưa, họ đã lập ra những hiệu buôn lớn. Nhiều vị cao niên ở đây kể: "Một trong những mặt hàng chính người Hoa mua tại huyện Tiên Phước là hồ tiêu. Những người buôn vào các vườn tiêu đổi hàng hóa lấy hồ tiêu hoặc mua tiêu rồi bán lại cho những hiệu buôn người Hoa".

Những hiệu buôn này gom hồ tiêu với số lượng lớn, vận chuyển bằng đường bộ, đường sông đến những hiệu buôn tại Hội An… Tiêu Tiên Phước từ xưa được thương nhân nước ngoài đưa đến nhiều nước trên thế giới qua những chuyến tàu viễn dương. "Người Tiên Phước xa quê hay khách xa đến Tiên Phước ăn bữa cơm, hương vị đầu tiên mà họ nhớ chính là hương tiêu trong các món ăn".

Lần theo con đường hương liệu, thổ sản về xứ sở dầu rái huyện Đại Lộc, các bậc cao niên kể, ngày xưa vào giờ ghe chở dầu rái và lâm thổ sản từ Bến Dầu xuôi về hạ lưu, trước khi rời bến mọi người ăn uống tạo nên không khí nhộn nhịp cả một khúc sông Thu.

"Cây dầu rái nhiều nhất là ở núi Phúc Khương (xã Đại Thạnh), núi Thọ Lâm, núi Hữu Niên (xã Đại Chánh). Dầu rái của xã Đại Hạnh không chỉ vượt trội về chất lượng mà cả số lượng. Nơi đây thời xưa từng có tới hàng trăm ha dầu rái mọc tập trung", ông Đỗ Thế Hảo (76 tuổi, thôn Mỹ Lễ, xã Đại Thạnh) nói.

Dưới thời chúa Nguyễn, nghề lấy dầu rái được Nhà nước phong kiến quản lý, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

d45a0f0bb30e6b50321f

Dầu rái từng là mặt hàng xuất khẩu được chú trọng dưới thời nhà Nguyễn.

"Quảng Nam sản vật muôn ngàn/Trà My rừng quế, kho vàng Bồng Miêu", câu ca xưa giới thiệu về một xứ Quảng giàu có sản vật với những hương liệu, thổ sản quý. Nhìn lên núi có vàng Bồng Miêu, quế Trà My, trầm hương, hồ tiêu, chè, mít Tiên Phước, dầu rái, cau Đại Lộc … nhìn xuống biển có yến Thanh Châu, cua đá Cù Lao Chàm… mỗi loại một thương hiệu ít vùng nào sánh kịp.

Hội An trù phú một thời

Với nguồn phẩm vật phong phú, dưới thời nhà Nguyễn, Hội An là nơi hội tụ hương liệu, thổ sản Đàng Trong lớn và đa dạng nhất. Thuyền buôn nước ngoài muốn đến buôn bán tại Đàng Trong sẽ phải làm thủ tục xuất nhập cảng tại Hội An.

Theo PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, căn cứ vào nguồn tư liệu gia phả họ Châu ở Hội An, gia phả họ Huỳnh, họ Lê ở Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết một điều quan trọng rằng tổ tiên của họ ở đây buôn bán thổ sản từ Trà My, Tiên Phước chuyển về Hội An.

818cf0e4669cbec2e78d

Quế Trà My hương liệu được khách nước ngoài ưa chuộng tại chợ Hội An ngày nay.

Việc lưu thông hàng hóa nội địa từ các cảng đến Hội An thu được những nguồn lãi lớn. Nguồn hàng hóa gồm sản phẩm nông lâm thổ sản cho đến các mặt hàng quý hiếm, đặc sản cùng với giá không hề rẻ. Từ đó, phát triển lao động sản xuất và buôn bán khắp các phủ huyện ở Đàng Trong, góp phần tạo ra một số thị tứ mang kiểu đô thị và nửa đô thị như Tam Kỳ, Nước Mặn, Kim Sơn, bổ sung thường xuyên hàng hóa cho Hội An.

Theo TS Hà Thị Sương - cán bộ bảo tàng Quảng Nam, sản xuất và xuất khẩu hương liệu và lâm thổ sản đã thúc đẩy nghề thủ công Hội An phát triển. "Thương nghiệp và đô thị Hội An thúc đẩy gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, nghề yến Thanh Châu phát triển". Về Thanh Hà ngày nay sẽ thấy những sản phẩm ngoài nồi, niêu thì loại lon, vại đựng đường cho người sản xuất và các thương gia cũng chiếm khối lượng lớn.

fac27808a10d7953201c (2)

 Cùng với sự phát triển của nghề buôn bán hương liệu, thổ sản kéo theo sự thịnh vượng của nghề mộc Kim Bồng một thời khi đóng ghe chở sản vật khắp xứ Quảng về Hội An.

Việc xuất khẩu hàng năm ở Hội An nhiều loại hàng hóa cần lượng bao bì lớn, tạo ra những mặt hàng mới. Như thợ mộc Kim Bồng ngoài công việc xây dựng nhà cửa, các nhà hàng gia dụng còn làm hai mặt hàng quan trọng là thùng đựng quế và ghe bầu. Tuy nhiên, phần lớn tùy từng thương nhân (Tàu, Nhật) đặt hàng to, nhỏ, dày, mỏng khác nhau. Thợ mộc Kim Bồng còn làm ghe bầu vận tải. Có thể nói hàng Hội An vận chuyển trong nước phần lớn đều do ghe Kim Bồng đảm nhận.

"Ở hiện tại lẫn tương lai, hương liệu, thổ sản tự nhiên vẫn mãi là nguồn hàng đặc biệt quý giá với sức khỏe con người", ông Nguyễn Chí Trung - Chi hội Lịch sử TP Hội An - nhấn mạnh những thương hiệu đã có ở cảng thị cổ là những thương hiệu muôn đời.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Ngày 23/4, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Theo đó, Thành phố sẽ tổ chức 7 trận địa bắn pháo hoa phục vụ công chúng.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời điểm ASEAN bước sang thập kỷ thứ sáu tồn tại và phát triển cũng là lúc chúng ta đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới sau khi hoàn thành việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Hiện nay, người dân Hà Nội và Thừa Thiên Huế có thể đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp ngay trên ứng dụng VNeID bằng cách thực hiện theo 7 bước dưới đây.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Ngày 23/4, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF 2024) với Chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi các Đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền về việc kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.