SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 08/10/2024
  • Click để copy

Thương hiệu du lịch phố cổ Gia Hội - di sản 'chưa thức giấc': Người Gia Hội

12:53, 30/03/2023
Đang ở Muenchen (Đức), nhận được cuộc gọi hẹn phỏng vấn của chúng tôi về Gia Hội - miền di sản “chưa thức giấc”, giáo sư Thái Kim Lan - người lưu giữ hồn Huế xưa - nhận lời ngay và nhắn nhủ: “Câu chuyện phố cổ Gia Hội là câu chuyện đặc sắc”.

Giáo sư Thái Kim Lan bày tỏ mừng vì có người cảm nhận được hồn cốt của những con đường này nhân khi giáo sư cũng đang ấp ủ nhiều dự định cho Gia Hội. Bà bay về Huế, hẹn chúng tôi cuộc nói chuyện về những căn nhà cổ trên đường Bạch Đằng vào ngày cuối tháng ba.

Nét đẹp tính cách và cuộc sống ở Gia Hội

Căn nhà 96 Bạch Đằng (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) lặng lẽ nép mình dưới mái ngói thâm trầm màu theo mưa nắng xứ sở. Qua gian phòng thứ nhất, giữa nhà có cây bồ đề hàng chục năm tuổi. Cây bồ đề chẳng những làm kiến trúc ngôi nhà trở nên độc đáo, khác lạ mà còn gần gũi như người bạn thiên nhiên bên cạnh.

dcf5dfd0a6987ac62389

 Nhà số 22 Bạch Đằng (TP Huế) của bà Nguyễn Thị Cẩm Các được xem là một trong những ngôi nhà xưa đẹp nhất Gia Hội đang phải chịu nhiều áp lực của thời gian.

Ngay kề căn nhà đó là phủ thờ Gia Hưng Vương – con trai thứ 8 vua Thiệu Trị. Phủ dạng nhà vườn đặc thù Huế, ẩn mình tĩnh tại sau vòm cổng cổ kính. Không gian văn hóa hướng nội từng phục vụ sinh hoạt tĩnh lặng của chủ nhân với lối kiến trúc đa chủng, đa tầng, đa dạng cây trồng nay chỉ còn lại cổng và bình phong.

Giáo sư Lan nhớ lại khung cảnh “Một ngày vui trên ngọn sầu đông”, bút ký tả lại thủa bà giáo sư chỉ mới là cô bé 4 tuổi, được “bầu sữa” không gian văn hóa Gia Hội nuôi dưỡng, lớn lên cả thể chất lẫn tâm hồn cho đến khi trở thành thiếu nữ Huế.

3e036771c3391f674628 (1)

Bằng sự nền nã và nụ cười tươi dịu rất Huế, giáo sư Lan cho chúng tôi biết về lịch sử ngôi nhà gần 200 tuổi mà để giữ được hình dáng theo bà… khá tốn kém.  

Gia Hội trong lòng nhiều người dân xứ Huế, mặt ngoài là đô thị, nhiều hàng quán, song nếp sống hài hòa của người dân là nét duyên thầm làm nên sự quy củ và an bình. Khi đi trên con đường Chi Lăng, Bạch Đằng, người ta cảm nhận dường như trở về những con đường xưa cũ đầy cây xanh.

“Bạch Đằng, Chi Lăng là nơi đi bộ rất lý tưởng. Du khách có thể tận hưởng sự yên lặng, hồn nhiên của thành phố văn hóa ngày trước theo đúng tính cách Huế”, bà Lan nhận định.

Trong ký ức của giáo sư Thái Kim Lan, hiện hữu ở Gia Hội là cảnh đẹp bên sông Đông Ba. Đối diện Bạch Đằng là hàng bè Huỳnh Thúc Kháng một thời thường xuyên chở hàng hóa từ thương cảng Thanh Hà, phố cổ Bao Vinh đi lên chợ Đông Ba rất tấp nập. Gia Hội là nơi tọa lạc những phủ đệ cùng nhiều gia đình quyền quý sinh sống gần Đại Nội.

cbdf4781f9c1259f7cd0

 “Đây là những căn nhà của bà Thái Kim Lan. Số 180 vốn là nhà của một thượng thư triều Nguyễn. Các căn số 94, 96 và 98 liền kề ngay cạnh phủ Gia Hưng Vương. Những ngôi nhà vị trí đẹp nhất đường Bạch Đằng”, người bạn sống cách nhà bà Thái Kim Lan chừng trăm mét giới thiệu.

Đã nói tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, sống, sáng tác, làm việc ở nước ngoài nhiều năm, thế nhưng giáo sư Thái Kim Lan nhớ rõ khi bình minh tới, âm thanh rộn rã vui của phố phường Gia Hội. Nhớ cảnh người gánh hàng, lắng lại với hàng cây muối, cây mù u, cây bồ hòn cao lớn bên đường Bạch Đằng một thủa.

“Hai hàng cây quý sau này làm lề đường bị chặt bỏ thay mới. Khi chặt tôi cũng “kêu trời kêu đất’ vì tiếc nhưng mọi người nói: “Chặt rồi cây mới sẽ mọc”, nói thế nhưng bà vẫn nuối tiếc những tán lá che đường nắng cho mình đến trường một thời.

Bà cũng nhớ, ngày xưa thường xuyên lui tới Phủ Gia Hưng và Gia viên để xem hát bội. Theo bà, xu hướng thời đại có internet đã khiến người trẻ không còn thưởng ngoạn nghệ thuật chậm. “Nghệ thuật nuôi sống người như nuôi bông hoa có sắc đẹp lớn lên. Con người sống nhờ xung quanh, nhờ môi trường hiền lành để lớn lên hòa ái”, bà Lan nhấn mạnh.

Con đường Bạch Đằng là con đường mỹ thuật nói riêng và những người làm nghệ thuật nói chung. Nhiều căn nhà phố cổ này là của các họa sĩ, nhiều nhà thơ, nhà văn như nhà số 12 của cố họa sĩ Vĩnh Phối, cố họa sĩ Thái Nguyên Bá - anh trai bà Thái Kim Lan. Nơi đây còn có các tiệm áo dài, thêu may nổi tiếng như Đoan Trang, Cuộc.

7b82a456dc1e0040590f

 Phòng lưu niệm họa sĩ Vĩnh Phối tại số 12 Bạch Đằng (TP Huế).

Nhiều hàng buôn bán song lễ phép chứ không giành giật trở thành nét đẹp phố cổ. Ra ngoài Bạch Đằng là đường phố, hàng quán mưu sinh, vào nhà lại được che chở an lành gần bên các ngôi chùa Diệu Đế, Thuận Hóa với tiếng chuông chùa yên bình mỗi khi trở về.

Chúng tôi ghé thăm các căn nhà xưa còn lại của phố cổ, chạnh lòng nhận ra nơi đây cuộc sống náo nhiệt đôi khi chìm dần nét thanh nhã. Bà Trang - con gái họa sĩ, giáo sư mỹ thuật Vĩnh Phối - chỉ về tấm bình phong rêu xanh lên màu thời gian, nói: “Vào nhà chỉ cần nhìn tấm bình phong là biết nhà nào xưa”. Căn nhà phía trước đã xây lại theo phong cách Tây hóa để bán cà phê nhìn ra sông Đông Ba. Nhà rường phía sau gia đình níu giữ lại yên ắng. Giữa phố, khoảng sân xanh với những mảng cây sapuche, hoàng mai râm bóng nắng.

fbffd185a9cd75932cdc

 Bức bình phong cổ trong căn nhà xưa tại nhà cố họa sĩ Vĩnh Phối tại 12 Bạch Đằng.

Họa sĩ Vĩnh Phối đã không còn, học trò ông làm nên một gian trưng này lưu niệm tại nơi ông từng sống và sáng tác để những người yêu mỹ thuật vẫn thường lui tới tưởng nhớ tài hoa. Sau này, con đường dọc sông Hương mang tên nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn, cuối con đường có bến đò Cồn, vẫn thường có những chuyến đò qua bên kia cồn Hến thật trữ tình.

“Ở phố Gia Hội, mỗi gia đình là một câu chuyện. Nếu viết về phố hãy đi hết cả con đường và trò chuyện với những người lớn", bà Trang nói thêm.

Di sản đa dạng cần một tiếng “chuông báo thức”

Trong tập sách “Sông Hương đôi bờ thương nhớ”, nhà văn, nhà báo Nguyên Du viết: “Gia Hội gợi cho người Huế một chốn đô hội xưa và nay, cũ và mới, Việt và Hoa. Nếu đường Bạch Đằng yên bình hướng ra sông thì đường Chi Lăng, trục chính của Gia Hội có hai dãy phố bán buôn sôi động nhưng vẫn giữ được hồn cũ phố xưa với những kiến trúc đặc sắc đan xen làm nên một diện mạo Gia Hội không lẫn vào đâu được ở Huế cố đô”.

Phố cổ Gia Hội hình thành rất sớm, từ thời chúa Nguyễn vào khoảng thế kỷ XVII. Thế kỷ XIX là thời kỳ thịnh vượng, Gia Hội trở thành khu thương mại lớn vùng đất kinh đô dưới thời triều Nguyễn.

997f290796474a191356

 Vẻ đẹp thanh nhã của Gia Hội đang chìm khuất dần trước áp lực đô thị hóa.

Nơi đây có nền di sản văn hóa đa dạng, bao gồm kiến trúc nhà cổ, phủ đệ, đình chùa, hội quán… cấu trúc đô thị đặc thù, riêng biệt. Các lễ hội truyền thống như đua ghe, ngành nghề thủ công cổ truyền như làm phấn nụ, tranh gương, làm diều, lồng đèn. Các nghề may mặc, buôn bán đồ đồng.

Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế có cuộc khảo sát vào tháng 9/2021, tại phố cổ có hệ thống 83 di sản vật thể, trong đó có 3 công trình được xếp hạng di tích Quốc gia là Đình Miếu Thế Lại Thượng, nhà thờ Tổ nghề Kim Hoàn và Thanh Bình từ đường.

Gia Hội trở thành nơi tụ văn khi cộng đồng người Hoa cư trú buổi còn thương cảng Thanh Hà, phố Bao Vinh suy tàn chuyển lên sinh sống, buôn bán. Bên cạnh nếp sống theo các bang hội là kiến trúc mang màu sắc Trung Hoa. Những màu sắc, họa tiết tinh xảo rực rỡ tại chùa Chiêu Ứng, các chùa, hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam… Những kiến trúc đặc sắc ấy tương đồng với những miếu thờ, toà nhà Thiên Tiên Thánh giáo cuối cùng Gia Hội.

DSC_8972

 Khu phố sầm uất Gia Hội.

Bên cạnh đó, nhiều công trình được xếp vào danh mục 205 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa, danh thắng Huế như chùa Diệu Đế, đền Chiêu Ứng, phủ Gia Hưng Vương, phủ Thoại Thái Vương, phủ Tuy An quận công, phủ Ngọc Sơn công chúa, đình làng An Quán, điện thờ Thánh Mẫu, hội quán Phúc Kiến, Triều Châu.

Trung tâm Kiến trúc miền Trung thuộc Viện nghiên cứu kiến trúc – Bộ Xây dựng tiến hành khảo sát năm 2002 Gia Hội – Chi Lăng có gần 70 ngôi nhà cổ, trong đó trục đường Bạch Đằng có 31 nhà, Chi Lăng có 8 ngôi nhà còn giá trị, còn lại nằm rải rác các trục đường trong Gia Hội.

Gia Hội đang lặng lẽ biến mất, thất thoát đến 40 % số nhà cổ trong vòng hơn 20 năm trở lại đây. Hàng chục ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi là “chứng tích” đô hội Huế xưa vĩnh viễn không còn. Nhiều phủ đệ xây dựng bằng vật liệu mới. 

d0c410cf7687aad9f396

 Diện mạo mới của phủ Thọ Xuân.

962258edf1a52dfb74b4

 

“Đối với tôi, Gia Hội có những con đường đẹp nhất TP Huế. Tôi rất tiếc bây giờ phố cổ thay đổi nhiều so với thời xưa, tiếc khi chưa có chính sách phù hợp kịp giữ lại mặt tiền phố cổ. Nhưng may thay, đến nay khu phố chưa phát triển lắm so với nhịp sống hiện đại nên tính cách Huế còn đậm nét”.

Giáo sư Thái Kim Lan

Những công trình được xếp hạng Quốc gia như nhà thờ Thanh Bình từ đường – tổ nghề hát bội, nhà thở tổ nghề Kim Hoàn đang dần xuống cấp nghiêm trọng trước sự khắc nghiệt của thời gian, áp lực đô thị hóa.

Khu phố Gia Hội xưa toàn nhà cổ dần biến dạng trước sự “bạo lực không gian” bằng những công trình mới có phần thô cứng, lấn át kiến trúc có sẵn. “Tôi rất tiếc khi thành phố bắt đầu xem Chi Lăng, Bạch Đằng là những con đường phố cổ Gia Hội cách đây gần 20 năm nhưng không làm rõ cho người dân hiểu về giá trị mặt tiền phố cổ là như thế nào”.

Mỗi căn nhà xưa nhiều thế hệ chung sống. Đến đây, tôi nghe chuyện về thời ngựa kéo kiệu xe các ông hoàng bà chúa, dưới sông những con đò làm nên hai dãy đèn sáng trên phố dưới sông những đêm về. Về những căn nhà lưu được nhiều món đồ cổ, nhà còn câu đối, bức hoành, sắc phong, nhà vốn là phủ đệ, người hầu trong cung… Ký ức trong mỗi người riêng nhưng niềm tiếc nuối chung: Tại sao Gia Hội vẫn “chưa thức giấc” trở thành thương hiệu du lịch về thành phố sáng tạo trong miền di sản?.

Tôi ra về nhìn lên tấm hoành cổ được sắc phong “Thành nhân chi mỹ” trong căn nhà Bạch Đằng cảm nhận cung cách sống tinh tế ở đó, những người vào nhà khoe có tủ sách gia đình to có lẽ hiếm còn nơi đâu tại Việt Nam có… Thoáng thấy phố cổ đẹp cả nhờ sự lãng quên, có phải đang đợi những “hồi chuông báo thức”.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 06/10/2024 vừa qua, LaMode Fashion Show quay trở lại với sự thành công ngoài mong đợi của show diễn mang tên Cộng hưởng, để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng khán giả qua những thiết kế độc đáo, chuyên nghiệp mà không thiếu đi tính nghệ thuật được hoàn thành 100% bởi các học sinh cấp 3.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Tiếp nối tinh thần “Bước chạy vì một Việt Nam vượt trội”, Giải Marathon Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank Mùa thứ 7 - một trong những hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2024 sẽ trở lại với nhiều điểm hấp dẫn.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Chiều tối 5/10, tại Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm các tác phẩm tranh sơn mài “Dấu thiêng" của hoạ sĩ Chu Nhật Quang. Đây không chỉ là một sự kiện nghệ thuật mà còn mang đến những câu chuyện văn hóa, lịch sử đầy cảm hứng.
Giải trí 4 ngày trước
(SHTT) - Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP Hà Nội quý 3/2024, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Lê Thị Ánh Mai cho biết, cao điểm từ ngày 29/9 đến 10/10/2024, TP Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Giải trí 4 ngày trước
(SHTT) - Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Triển lãm “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển”. Triển lãm diễn ra từ ngày 4 đến 14/10/2024 tại Bảo tàng Hà Nội.