Ai mới thực sự là 'cha đẻ' của ChatGPT?
Cụ thể, trong bài viết của mình, Tạp chí TIME đã gọi Mira Murati là “creator” - người sáng tạo - của ChatGPT.
Được biết, Mira Murati, 35 tuổi, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong đội ngũ kỹ thuật (CTO, Chief Technology Officer).
Được biết, thông thường trong các công ty, CEO là người phụ trách vận hành chung, còn CTO hay giám đốc kỹ thuật là người đứng đầu đội ngũ thiết kế, kỹ sư và kỹ thuật trực tiếp tạo ra sản phẩm.
“Murati lãnh đạo nhóm phát triển DALL-E, AI để tạo tác phẩm nghệ thuật dựa trên văn bản và ChatGPT, chatbot AI gây sốt vì có thể trả lời lưu loát các câu hỏi phức tạp”, theo Time.
Không chỉ sở hữu sản phẩm, đội ngũ kỹ thuật của OpenAI còn phát triển GPT-3, mô hình làm nền tảng cho cả 2 AI.
Được biết, CTO Mira Murati của OpenAI hiện đang ở độ tuổi 35 và sở hữu cho mình bảng thành tích khủng bao gồm: Tốt nghiệp Dartmouth College Hanover, từng làm trợ giảng tại Thayer School Of Engineering thuộc Dartmouth College; làm nhân viên phân tích cho Goldman Sachs chi nhánh Tokyo; làm kỹ sư cho Zodiac Aerospace; làm quản lý sản phẩm cấp cao cho Tesla (chịu trách nhiệm sản xuất xe Model X); làm Phó Chủ tịch sản xuất và kỹ thuật cho Leap Motion; làm Phó Chủ tịch bộ phận trí tuệ nhân tạo ứng dụng cho OpenAI; và từ tháng 5-2022 cô đảm nhận vị trí CTO của OpenAI.
Hiện, DALL-E và ChatGPT là 2 sản phẩm AI được quan tâm nhất của công ty nghiên cứu OpenAI. Các ứng dụng này đều đang nhận được sự đón nhận lớn từ cộng đồng người dùng, trong đó ChatGPT đang là hiện tượng nhận được sự chú ý của toàn thế giới trong những ngày qua.
ChatGPT là mô hình ngôn ngữ lớn được huấn luyện bởi Công ty phát triển trí tuệ nhân tạo OpenAI của Mỹ, có sự rót vốn của tỉ phú công nghệ Elon Musk và Microsoft. Từ khi ra mắt, ChatGPT nhanh chóng thu hút chú ý và được giới công nghệ gọi là "siêu AI" với lượng kiến thức "khủng", khả năng trò chuyện, sáng tạo nội dung có thể làm những cây viết phải thất nghiệp hay khiến các trường lo ngại vì sinh viên nhờ viết hộ bài luận...
Mặc dù nhận được lượt người sử dụng khủng và phá vỡ hàng loạt kỷ lục của các ứng dụng 'hot' nhất hiện nay, tuy nhiên, ChatGPT lại không nhận được sự ủng hộ của giới học thuật.
Với bản chất là chatbotAI có khả năng hỗ trợ người dùng một cách chuyên nghiệp từ các tác vụ đơn giản như tra cứu thông tin, trò chuyện, tương tác,... tới các công việc đòi hỏi trình độ cao như viết luận văn, viết tin, viết code, tạo nội dung,... thông qua các trải nghiệm, ChatGPT đã khiến giới học thuật đặt ra mối quan ngại về tính công bằng, minh bạch trong quá trình tạo nên các bài viết khoa học. Đi kèm với đó, nhiều người cũng nêu ra lo ngại về việc chatbot sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để tung ra các tin giả và tin sai sự thật hoặc sử dụng với mục đích gian lận trong các kỳ thi hoặc bài kiểm tra.
Hiện, hàng loạt tạp chí khoa học uy tín hàng đầu và Liên minh Châu Âu đã lên tiếng 'cấm sóng' ChatGPT. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia khác, chatbot AI này vẫn được đón nhận vô cùng nồng nhiệt và được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện công tác học tập, giáo dục cũng như làm giảm tải áp lực cho các lao động khi giải quyết tác vụ đơn giản.
Thái An