SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Vi phạm bản quyền, Samsung phải bồi thường hơn 300 triệu USD

14:44, 24/04/2023
(SHTT) - Theo tin tức do Reuters đăng tải, ngày 21/4/2023, tòa án tại Texas đã yêu cầu Samsung Electronics bồi thường cho công ty chip nhớ máy tính Netlist Inc hơn 300 triệu USD do vi phạm bản quyền liên quan đến cải tiến xử lý dữ liệu.

Sau phiên tòa kéo dài 6 ngày, bồi thẩm đoàn ở Marshall, Texas đã xác định "các mô-đun bộ nhớ" dành cho máy tính hiệu năng cao của Samsung đã cố tình vi phạm tất cả năm bằng sáng chế mà Netlist đã cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc vi phạm.

Với phán quyết này, Samsung được yêu cầu trả cho Netlist số tiền bồi thường lên tới hơn 303 triệu USD.

Netlist có trụ sở tại Irvine, California đã kiện Samsung vào năm 2021, cáo buộc các sản phẩm bộ nhớ của Samsung được sử dụng trong máy chủ điện toán đám mây và công nghệ sử dụng nhiều dữ liệu khác vi phạm bằng sáng chế của hãng. Netlist cho biết những đổi mới của họ làm tăng hiệu quả năng lượng của các mô-đun bộ nhớ và cho phép người dùng "lấy thông tin hữu ích từ lượng dữ liệu khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn hơn".

Samsung Netlist

 

Theo biên bản của tòa án, luật sư của Netlist nói với bồi thẩm đoàn rằng Samsung đã lấy công nghệ mô-đun được cấp bằng sáng chế của mình sau khi các công ty đã hợp tác trong một dự án khác.

Cung cấp thông tin cho bồi thẩm đoàn về vụ án, Thẩm phán Gilstrap cho biết nhiều năm trước khi xét xử, các bên đã ký kết Thỏa thuận cấp phép và phát triển chung (JDLA), cho phép Samsung cấp phép cho các bằng sáng chế trong vụ kiện của Netlist. Sau khi JDLA có hiệu lực được một thời gian, tranh chấp đã nảy sinh giữa các bên. Tranh chấp đó đã được xét xử trước tòa án liên bang California, nơi xác định Samsung không còn giấy phép đối với các sản phẩm của Netlist theo JDLA vì JDLA đã hết hạn vào năm 2020.

Phản hồi về phán quyết của tòa án, Samsung đã phủ nhận hành vi vi phạm và lập luận rằng các bằng sáng chế của Netlist là không hợp lệ và công nghệ của họ khác với phát minh của Netlist. Hiện hai công ty chưa có bình luận gì thêm về vụ việc. Cổ phiếu của Netlist đã tăng 21% sau phán quyết của tòa án. 

Trong các buổi làm việc tại tòa án, Jason Sheasby, luật sư của Netlist, cho biết, Samsung đã gắn bó với sản phẩm quản lý năng lượng trên mô-đun của Netlist trong nhiều năm, kể từ năm 2014.

Ông lập luận rằng Samsung đã ra mắt sản phẩm DDR5 vi phạm quyền quản lý vào năm 2022, tức là ba năm sau khi liên hệ với nhóm kỹ thuật của Netlist về công nghệ của họ.

Sheasby cho biết: “Họ làm điều đó vì họ cần nó, đồng thời khẳng định rằng nó đã tăng hiệu suất bộ nhớ trong thiết kế của họ lên 30%".

Samsung Netlist 1

 

Sheasby cho biết Samsung sẽ cố gắng giảm bớt sự liên quan của Netlist vì đây là một công ty nhỏ chỉ có 120 nhân viên. 

Luật sư Sheasby cho biết, từ khi thành lập vào năm 2000, Netlist đã là nhà đổi mới hàng đầu về công nghệ mô-đun bộ nhớ hiệu năng cao. Netlist có lịch sử lâu đời là công ty đầu tiên tung ra thị trường các sản phẩm mới đột phá như mô-đun bộ nhớ nội tuyến kép giảm tải đầu tiên (“LR-DIMM”), HyperCloud, dựa trên kiến trúc bộ đệm phân tán của Netlist sau này được ngành công nghiệp áp dụng cho DDR4 LRDIMM. Bên cạnh đó, Netlist cũng là công ty đầu tiên đưa NAND flash vào kênh bộ nhớ với NVvault NVDIMM của nó.

Những sản phẩm sáng tạo này được xây dựng dựa trên công trình tiên phong ban đầu của Netlist trong các lĩnh vực như nhúng thụ động vào các bảng mạch in để giải phóng không gian trên bảng mạch, tăng gấp đôi mật độ thông qua công nghệ tốc độ dữ liệu kép bốn bậc (DDR) và các tiến bộ công nghệ ngoài chip khác dẫn đến kết quả là hiệu suất được cải thiện và chi phí thấp hơn so với bộ nhớ thông thường.

Với lợi ích mà các sản phẩm do Netlist tạo ra mang lại, trong những năm qua, công ty đã nhận được sự chú ý và hợp tác của nhiều gã khổng lồ công nghệ trên thế giới.

Sheasby cùng lưu ý rằng, ngoài Samsung, nhiều tập đoàn công nghệ lớn, bao gồm Dell, HP và IBM, cũng có hành vi vi phạm phép sử dụng bằng sáng chế của Netlist.

Thái An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 giờ trước
(SHTT) - Một nhà nghiên cứu AI đã kiện Amazon về vấn đề phân biệt và sa thải bất hợp pháp, với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi phát triển các mô hình AI để cạnh tranh.
Tài sản trí tuệ 1 giờ trước
(SHTT) - GlaxoSmithKline (GSK) đã đệ đơn lên tòa án liên bang Delaware, cáo buộc Pfizer và BioNTech vi phạm các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ mRNA trong vắc xin ngừa Covid-19 của họ.
Tài sản trí tuệ 1 giờ trước
(SHTT) - Tại Hội nghị Nghiên cứu Khoa học sinh viên về Sở hữu trí tuệ, một trong những đề tài được quan tâm là ‘‘Hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo’’ đã được đưa ra bàn luận và nhận được những đánh giá rất tích cực. 
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 45 triệu đồng và tịch thu 1.600 sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Acuitas Therapeutics và công ty CureVac vừa giải quyết vụ kiện đòi được công nhận là người phát minh từ phía Acuitas trong các liên quan đến vắc xin COVID-19.