UNESCO xướng tên Hội An thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo 2023
16 giờ chiều ngày 31/10 đi vào lịch sử của TP Hội An khi Ban Thư ký các thành phố sáng tạo công bố Hội An chính thức là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023. Đây được xem là dấu mốc quan trọng bước qua chặng đường mới khi một lần nữa UNESCO xướng tên và vinh danh Hội An. Mở ra cho thành phố cơ hội để được bạn bè trên toàn cầu biết đến và càng yêu quý hơn.
Từ sáng sớm ngày 1/11, nhân dân Hội An tự hào và hạnh phúc khi chương trình diễu hành chào mừng Hội An chính thức trở thành thành phố sáng tạo tại số 01 Hoàng Diệu diễn ra trong không khí sôi nổi. Tham gia diễu hành có đông đảo các nghệ sỹ trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian, học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp, lực lượng thanh niên, phụ nữ và đại biểu các ban, ngành, đoàn thể.
Các nghệ nhân mang theo những tác phẩm từ tre, nghề mộc tinh xảo, những nét thư pháp bay bổng trên tay… hòa vào dòng người đi trên xích lô dạo quanh phố cổ thể hiện niềm vui chung của thành phố.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Hoàng Đạo Cương đã điện cho Bí thư Thành ủy chúc mừng Hội An thành công bước đầu trong hoàn thành hồ sơ và được chính thức gia nhập vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Từ đây, thương hiệu, hình ảnh, uy tín của đất nước Việt Nam được nâng cao hơn trên trường quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch TP Hội An, ông Nguyễn Văn Lanh: Hội An – Thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ là danh hiệu mà còn là mục tiêu phấn đấu, thực hành các cam kết và mang lại các giá trị, lợi ích cho cộng đồng. Thời gian tới, Hội An sẽ phải thực hiện các sáng kiến đã cam kết: Dự án mộc Kim Bồng – Khơi nguồn sáng tạo, Ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, Sáng tạo Hội An trong không gian kỹ thuật số.
Các sáng kiến mang tính quốc tế như: Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế, Lễ hội đèn lồng quốc tế, Ngôi nhà sáng tạo Hội An. Cùng với đó, Thành phố sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo trên các lĩnh vực khác.
Theo UBND TP Hội An, quá trình xây dựng hồ sơ ứng cử, Hội An nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Hợp tác Quốc tế, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
Bên cạnh đó còn có sự sát sao hỗ trợ từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cùng các cơ quan, ban ngành của tỉnh Quảng Nam, các nghệ nhân, nghệ sỹ tại Hội An trong quá trình khảo sát, đánh giá xây dựng báo cáo tiền khả thi, đóng góp ý kiến tại hội thảo tham vấn trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hội An – Nguyễn Văn Lanh - cho hay: “TP Hội An sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể thực hiện có hiệu quả các nội dung sáng kiến đề xuất trong hồ sơ. Đồng thời, kết nối với các thành viên của mạng lưới để cùng nhau xây dựng, phát triển trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo”.
Lãnh đạo thành phố khẳng định trong 4 năm tới, Hội An sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác công tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, huy động sự tham gia sáng tạo của mọi thành viên trong cộng đồng (như người dân, nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân…). Mở rộng hơn chương trình khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng và sáng tạo, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, đổi mới theo hướng xanh, có chất lượng, đa dạng hóa và tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm.
Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo TP Hội An (HASA) cho biết bản thân ông cũng như người dân Hội An rất vui mừng trước thông tin Hội An chính thức trở thành thành phố sáng tạo.
“Hội An sẽ giao lưu sự sáng tạo với các thành phố khác trên thế giới, hòa quyện dòng chảy sáng tạo của quốc tế nên không đơn độc nữa. Chúng ta cần đi bước tiếp theo chứ không còn bước trên con đường cũ, dựa vào truyền thống nhưng phải đương đại hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, tạo được nhiều công ăn việc làm và phát triển nghề mạnh mẽ hơn”, ông Lê Ngọc Thuận nói.
Theo Chủ tịch Hội khởi nghiệp sáng tạo TP Hội An, từ việc tạo ra sinh kế và kinh tế cho người dân, nghệ nhân mới có thể giúp cho việc sáng tạo phát triển nếu không các làng nghề sẽ đứng lại và dẫn đến mai một dần.
Ông Thuận chia sẻ kế hoạch: “Về tương lai, cần thực hiện xây dựng không gian trung tâm sáng tạo làng nghề quốc tế nhằm giao lưu, học hỏi lẫn nhau vào hàng năm với các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Dựa trên câu chuyện văn hóa của Hội An, hàng năm tổ chức sự kiện, lễ hội đưa sản phẩm đương đại hơn và thương mại hơn ra quốc tế để người dân kiếm sống được, tạo ra công ăn việc làm”.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Tính đến tháng 10/2022, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có 295 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 59 thành phố trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Thủ công và nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thành phố có 5 làng nghề truyền thống, gần 50 ngành nghề thủ công hoạt động sôi nổi: Nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da… Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề khác nhau đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.
Hệ sinh thái làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo phản ánh chân thực, sinh động văn hóa – xã hội của người dân thuần hậu Hội An. Trong đó Nghệ thuật Bài Chòi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại năm 2017.
Thành phố hiện có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4000 lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3500 – 4000 USD/năm trên lĩnh vực này.
Cùng với Hội An, dịp này Đà Lạt cũng được công nhận là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Hiện Việt Nam có ba thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận. Năm 2019, Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam được công nhận là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.
Bảo Hòa