SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 29/03/2024
  • Click để copy

Khám phá dấu ấn sáng tạo của nền văn minh cổ xưa ở Hội An

17:05, 13/07/2022
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) như cánh cửa thời gian giúp du khách quay ngược quá khứ, tìm hiểu văn minh của người Việt.

Quá khứ hồi quang

Văn hóa Sa Huỳnh được biết đến là một trong ba chiếc nôi cổ xưa của nền văn minh trên lãnh thổ Việt Nam cùng văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo, tạo thành tam giác văn hóa của Việt Nam thời kỳ đồ sắt.

Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh tọa lạc trong căn nhà Pháp trên đường Trần Phú nên thơ thuộc trung tâm phố cổ Hội An - vùng đất tụ nhân, tụ thủy và tụ nhiều nền văn hóa giao thoa. Người phố cổ có câu “chưa qua đường Trần Phú chưa đến phố cổ Hội An”, con đường này nổi danh với nhiều công trình văn hóa và lịch sử.

Như nhiều người đến Hội An, chị Nguyễn Ngọc Linh (Hà Nội) khám phá cung đường Trần Phú bắt đầu từ chùa Cầu qua các hội quán người Hoa, miếu Quan Công, Bảo tàng Mậu Dịch. Chị Linh quyết định dừng chân ở bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh nằm lặng lẽ tại số 149.

Ở đây có gần 1000 hiện vật độc đáo sắp xếp hiện đại, khoa học. Một du khách đến từ Hàn Quốc bày tỏ: “Dường như các hiện vật đang làm cho chủ nhân của tiền cảng – thị sơ khai Hội An hiện diện. Từ đó, tôi hiểu thêm cách họ đã sinh tồn và phát triển một vùng đất”.

DSC08145

Bảo tàng Văn Hóa Sa Huỳnh ở Hội An thu hút khách du lịch.

Bên trong cánh cửa gỗ màu xanh lơ gợi không gian ký ức, du khách như đi “lạc” vào niên đại từ 2000 năm trước. Chị Lê Thị Huyền My, cán bộ bảo tàng niềm nở giới thiệu cho du khách từng mảnh vụn, vỡ, từng món đồ dùng được khai quật từ năm 1989 - 1994. Bên cạnh nhóm hiện vật đầu tiên được tìm thấy tại Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi), hầu hết hiện vật của bộ sưu tập văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy ở Hội An.

Đặc biệt hiện vật tìm thấy tại Bãi Ông – Cù Lao Chàm có đá dùng tạo ra lửa, vật dụng lao động được hình thành cách nay khoảng hơn 3000 năm thời tiền sơ sử. Các nhà khảo cổ kết luận từ sơ khai nguyên thủy cư dân đã sống ở ngoài đảo trước khi vào đất liền nhờ vào những viên đá thủa hồng hoang đó.

DSC08161

Những hòn đá "kể chuyện" từ 2000 - 3000 năm trước tại Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh TP Hội An.

Qua các hiện vật, du khách có thể hình dung về đặc trưng của nền văn hóa hầu hết dụng cụ làm bằng đồng, sắt. Nghi thức chôn cất người đã chết hết sức cẩn trọng. Những trang sức chuỗi hạt bằng đá quý, thủy tinh và mã não như: khuyên tai, vòng vàng ... Đồng tiền xu cổ thể hiện sự giao thương buôn bán giao lưu với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Nam Trung Hoa. Nhiều đồ bếp chén, bát, nồi là đồ tùy táng “sống sử dụng chết mang theo” cho thấy sự thịnh vượng của thành phố di sản đã có từ bao đời nay.

DSC08164

Du khách nước ngoài tới thăm bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh.

Bước lên tầng 2 của bảo tàng, du khách thêm lần ngỡ ngàng với không gian của mộ chum, đồ trang sức dùng để làm đẹp của người phụ nữ cổ xưa. Những chum mộ với nắp chum, thân chum không còn nguyên vẹn, đã bị vỡ khúc trên, khúc dưới là hiện vật gốc được gán ghép lại. Chum mộ thể hiện nét văn minh hỏa thiêu trong việc cải táng người chết. Vừa đẹp vừa lạ còn có một số nồi, chén, dĩa có kiểu dáng của Chămpa.

DSC08187

Những chum mộ thể hiện văn minh, sáng tạo trong cải táng người đã khuất từ xa xưa.

Cần ứng dụng công nghệ quảng bá nhiều chuyên đề hấp dẫn hơn

Hàng năm, các bảo tàng ở TP Hội An đón từ 800.000 – 900.000 lượt khách, riêng bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh đón gần 200.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Với ảnh hưởng của đại dịch, lượng khách trong hai năm qua giảm đáng kể, đến nay mới đang có dấu hiệu hồi sinh trở lại. Những triển lãm online chủ đề “Chum mộ thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh”; “Gốm cổ từ lòng biển Cù Lao Chàm” trên website với việc áp dụng công nghệ thông tin trong trưng bày và quản lý hệ thống hiện vật đã giúp tiếp cận với du khách.

DSC08158

 Cần ứng dụng thêm công nghệ thông tin vào trưng bày và quản lý hệ thống hiện vật của Bảo tàng để thu hút du khách

Hệ thống bảo tàng Hội An ra đời theo đặc thù của một di sản văn hóa thế giới, hầu hết bảo tàng nằm trong phố cổ rất thuận tiện cho du khách tham quan, làm sáng rõ thêm cội nguồn đô thị cổ. 

Thạc sĩ Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An từng khuyến nghị về việc cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho văn hóa với các chương trình tổng thể mang tính lâu dài, đầu tư nâng cấp hệ thống bảo tàng chuyên đề hấp dẫn hơn với công nghệ mới… Tất cả cần sự nỗ lực và học hỏi cũng như sự chung tay góp sức của hệ thống chính quyền.

Bảo Hòa                                  

Tin khác

Tin tức 11 giờ trước
Hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu xây dựng, thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng, máy móc,.. của Trung Quốc đến Việt Nam tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Ngày 28/3, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM năm 2021. Phát huy kết quả đạt được, huyện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Trong 3 ngày 28, 29, 30/3, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024 và các sự kiện bên lề.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Theo hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đang học lớp 12 sẽ thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ ngày 2/5-10/5 theo hình thức trực tuyến. Trước đó, thí sinh sẽ được đăng ký thử từ ngày 24/4-28/4.