SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Huế thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp từ dược liệu, khai mở 'kho vàng' tiềm năng

10:41, 04/12/2023
Để khai mở “kho vàng” dược liệu phong phú về nguyên liệu, đa dạng về những bài thuốc từ dân gian đến cung đình, Thừa Thiên Huế cần những “cú hích” trong đầu tư nghiên cứu, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tìm và phát triển những mô hình, sản phẩm dược liệu thế mạnh của địa phương.

Kênh bán hàng, công nghệ lõi, định hướng thị trường tốt cho khối lượng và tiêu chuẩn sản phẩm… sẽ “định vị” dược liệu Huế trong bản đồ dược liệu Việt Nam.

Phát triển vùng nguyên liệu để dược liệu sạch vươn tầm

Từ những khu rừng nghèo kiệt của xã Hương Nguyên, bà con Cơ Tu được dự án hướng dẫn trồng Thiên Niên Kiện dưới tán rừng. Từ xưa, loài cây thân thảo mọc hoang bên các bờ suối dọc vùng núi Trường Sơn không mấy giá trị kinh tế. Bà con chỉ dùng Thiên Niên Kiện để chế biến một vài món ăn dân dã và là thức ăn để “dẫn dụ” cho Sao La quay về.

Gần đây, cơ sở sản xuất tinh dầu ngày một nhiều, Thiên Niên Kiện trở thành loại dược liệu được chú ý khai thác vì những công dụng quý theo tri thức bản địa tưởng chừng sẽ mai một.

Với tinh dầu đặc biệt, thiên niên kiện được chế tạo nước hoa, chữa trị bệnh về đau nhức xương khớp… từ đó tạo ra sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân từ rừng được giao bằng việc trồng Thiên Niên Kiện.

Từ loại cây mọc hoang đến những lọ cao, tinh dầu Thiên Niên Kiện mang thương hiệu Làng Hạ bán tại nhiều hội chợ, triển lãm, phân phối đến nhiều tỉnh thành là hành trình dài. Công ty Liên Minh Xanh tiên phong nghiên cứu sử dụng phương pháp chiết xuất lôi cuốn hơi nước từ nguyên liệu Thiên Niên Kiện tươi sau khi thu hái từ rừng tự nhiên ở vùng đầu nguồn sông Hương thuộc các huyện Nam Đông, A Lưới, TX Hương Trà, Hương Thủy (Thừa Thiên Huế).

DSC_0869

Mô hình trồng thiên niên kiện dưới tán rừng tạo sinh kế cho người dân đồng bào dân tộc miền núi xã Hương Nguyên (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Với phương pháp chiết xuất lôi cuốn hơi nước, Liên Minh Xanh thu được những dung dịch màu vàng nhạt, mùi thơm nồng ấm, thời gian lưu hương rất lâu. Bên cạnh đó tinh dầu Thiên Niên Kiện còn là nguồn nguyên liệu giàu linalool – hợp chất có mùi thơm đặc biệt, có giá trị cao trong công nghệ hương liệu để dẫn xuất nước hoa.

Cao Thiên Niên Kiện là sự kết hợp hoàn hảo của hỗn hợp tinh dầu với thể sáp ong tự nhiên mang lại hiệu quả sử dụng an toàn, lành tính.

Nhiều sản phẩm dược liệu được khởi nghiệp từ sự đổi mới, sáng tạo đã trở thành sản phẩm đáng tự hào của những start up trẻ Huế. Tại nhiều triển lãm giới thiệu sản phẩm, sâm Bố Chính Hoàng Gia luôn thu hút người tham quan mua sắm.

Loài dược liệu sâm Bố Chính được người Chăm phát hiện ở Châu Bố Chính là sản vật tiến vua từ thời Vua Lê Chúa Trịnh nay dần mai một. Công ty TNHH SBC Hoàng Gia chủ trì dự án Khoa học và Công nghệ phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn cao và đa dạng hóa sản phẩm từ sâm Bố Chính.

Bà Hồ Nhật Phương, Giám đốc SBC Hoàng Gia sớm nhận thấy tình hình trồng, sản xuất loại dược liệu manh mún, tự phát nên chưa đảm bảo về chất lượng và sản lượng. Bà Phương cũng lường trước những khó khăn phải đối mặt khi nguồn lực hạn chế, người dân Việt quan tâm sức khỏe thường quen dùng sâm Hàn Quốc, nhầm lẫn Bố Chính với cây sắn, Đinh Lăng…

DSC01704

 Sâm Bố Chính Hoàng Gia phát triển nhiều sản phẩm ẩm thực có dược tính tốt cho sức khỏe theo xu hướng thị trường.

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng khí hậu A Lưới nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung thuận lợi cho trồng Bố Chính với quy mô hàng hóa gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ẩm thực địa phương, bà Phương quyết tâm đưa Bố Chính vào thị trường với hình ảnh sản phẩm đặc trưng của Huế.

Sau 5 năm, SBC phát triển nhiều loại sâm tươi, sâm khô, sâm ngâm mật ong, gà ác tần sâm tiến vua, bồ câu tần sâm tiến vua, mè xửng, trà sâm… phát triển nhiều kênh bán trực tiếp và trực tuyến, tham gia sàn thương mại điện tử.

Từ đó, SBC Hoàng Gia tiếp tục triển khai mô hình phát triển và đa dạng sản phẩm sâm Bố Chính gắn liền với làng nghề - văn hóa – du lịch tại Thừa Thiên Huế” và dự án vinh dự đạt giải B trong cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế 2021.

Khuyến khích đa dạng hóa vốn đầu tư vào lĩnh vực dược liệu

Với vị trí địa lý có đầy đủ địa hình phù hợp cho sự phát triển, giao thoa nhiều hệ thống thực vật, Thừa Thiên Huế hội tụ nhiều loài cây thuốc với hơn 1600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước.

Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, thời gian qua, Huế thực hiện nhiều đề án phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Huế có 7 nguồn nước khoáng nóng thuận lợi để khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe gắn với văn hóa tâm linh.

Nơi đây, vốn tri thức bản địa dồi dào khi hội tụ nhiều nhà thuốc Đông y lớn, nhiều danh y, ngự y nổi tiếng, lưu nhiều phương thuốc hay, bài thuốc quý và nhiều phương pháp khám chữa bệnh Đông y đa dạng.

3cf461cf68fac1a498eb

 TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, Huế có định hướng phát triển dược liệu đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển hợp tác gây trồng, bao tiêu sản phẩm, khuyến khích thu hút vốn FDI tham gia đầu tư, phát triển.

Qua đó, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho hay, Thừa Thiên Huế chú trọng phát triển dược liệu địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi chế biến sâu, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hữu cơ, nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO.

Để làm được điều đó, Huế xác định khai thác tài nguyên bản địa, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và chế biến dược liệu là một trong những nhiệm vụ chiến lược. Tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách để phát triển vùng trồng dược liệu đến các khâu sản xuất, chế biến và thương mại hóa sản phẩm dược liệu, phát triển sinh kế cho người đồng bào dân tộc miền núi…

3c9979a17094d9ca8085

 

Từ giai đoạn 2020 - nay, Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện 17 nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ về dược liệu. Trong đó có 2 dự án thuộc chương trình Nông thôn miền núi, 2 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; 12 nhiệm vụ Khoa học - Công nghệ cấp tỉnh; 01 nhiệm vụ do Quỹ phát triển Khoa học công nghệ tài trợ.

Các dự án Khoa học và Công nghệ về xây dựng mô hình trồng và chăm sóc, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ chiết xuất hay giải pháp phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị cho ba kích tím, tràm gió, một số sản phẩm chủ lực (kinh tế sen, kinh tế nấm và kinh tế dược liệu, bạc hà, hương nhu trắng, xuyên tâm liên…Dự án Nghiên cứu giải pháp quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái của tỉnh Thừa Thiên Huế; Đánh giá tài nguyên các loài cây.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng cho hay, Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng kết nối, tạo ra các liên kết đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Công Thành với các loại tinh dầu, sâm Bố Chính Hoàng Gia với sản phẩm trà hoa, kẹo , Bạch Mã Herbals với tinh dầu từ cây màng tang, Hương Cát với sâm cau.

Những liên kết đó theo TS.BS Hương đã góp phần thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dần hình thành nên hệ sinh thái dược liệu ở Thừa Thiên Huế, góp phần làm mạnh thêm đội ngũ làng Dược liệu sạch quốc gia.

“Từ những lợi thế đó, tỉnh tiếp tục tìm kiếm các mô hình, giải pháp công nghệ mới, phù hợp với định hướng phát triển ngành dược liệu của địa phương”, TS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

35c79bff92ca3b9462db

 TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng 

PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung, Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa hóa học, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế chia sẻ phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành dược liệu cần phải có sự kết nối, hợp tác giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để giải được bài toán nâng giá trị kinh tế cho dược liệu.

Theo bà Nhung, hiện nay, nghiên cứu khoa học của trường Đại học Khoa học nói chung và các trường khác còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai ứng dụng. Việc chưa chú trọng nghiên cứu những đề tài, giải pháp có giá trị đối với sự phát triển kinh tế xã hội, khả năng cạnh tranh thị trường của sản phẩm đã khiến không ít nghiên cứu chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm.

“Chính sách lỏng lẻo về liên kết giữa doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, việc sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa, thiếu nghiên cứu ứng dụng” bà Nhung cho hay.

c038883d810828567119

 Thảo luận về thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, để chủ động nguồn nguyên liệu, Trường Đại học Khoa học đã phối hợp với các công ty TNHH Đầu tư Quang Trường Sơn, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) làm vườn ươm dược liệu với 2,5 ha. Hay như công Ty Việt Thắng tại xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) làm khu trồng và phát triển dược liệu với diện tích 20 ha.

Nhiều sản phẩm được công bố quốc tế ứng dụng thương mại hóa khi phát triển phạm vi nghiên cứu hợp chất tự nhiên trong dược liệu và thực vật bản địa, tối ưu hóa quá trình sàng lọc, tách chiết và phân lập các hoạt chất tự nhiên có hoạt tính sinh học.

Từ đó, nhiều sản phẩm triển vọng ra đời: nấm dược liệu chăm sóc sức khỏe như viên nang đông trùng hạ thảo, tinh dầu sản phẩm dược dụng như tinh dầu kinh giới, tỏi, bạc hà, bạch đàn chanh, khương mộc, tràm… hay các loại trà thảo dược bồ công anh, an vị trà, trà hoa hòe, hoa vối hòa tan.

Bà Bùi Thanh Hằng, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, dược liệu Huế đến lúc cần phát triển và mở rộng thị trường ngách. Khai thác thế mạnh các viện, trường với những công trình nghiên cứu khả năng ứng dụng, phát triển, người trồng vùng nguyên liệu dược liệu và doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm để cho ra sản phẩm dược liệu thị trường đang cần.

Mặc dù Huế đang làm tốt và có nhiều giải pháp hoạt động thể hiện rõ nét thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở khi định hình về chiến lược thị trường, về vùng nguyên liệu dược liệu sạch, tiêu chuẩn sản phẩm. Không ít doanh nghiệp, nhà khoa học liên kết đầu tư công nghệ cho chế biến dược liệu nhất là công nghệ chiết xuất. Tuy nhiên, để lĩnh vực dược liệu phát triển tương xứng tiềm năng, cần thúc đẩy các startup trẻ hăng say trên con đường nghiên cứu, sáng tạo, không ngừng đổi mới để tạo ra những sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Bảo Hòa

Tin khác

VP Đà Nẵng 1 tháng trước
Với 78 gậy, golfer, người mẫu, diễn viên Bình Minh chính thức trở thành tân vô địch của giải GolfViet Spring Cup 2024 và sở hữu cúp Rồng vàng của mùa giải năm nay.
VP Đà Nẵng 1 tháng trước
Ắc quy xe đạp điện và ắc quy xe máy điện của bạn đã đến lúc cần thay thế? Bạn không biết đâu mới là địa chỉ thay bình xe điện uy tín, có bảo hành dài hạn? Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu tới quý bạn đọc về địa chỉ thay ắc quy xe điện uy tín nhất hiện nay.
VP Đà Nẵng 3 tháng trước
Hiện nay, các trang web cung cấp thông tin xuất hiện khá nhiều và cực kỳ đa dạng nội dung. Các trang web này không chỉ là nơi giúp người đọc tham khảo những thông tin hữu ích mà còn là cầu nối giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể gắn kết với nhau một cách thuận lợi và tự nhiên nhất.
VP Đà Nẵng 3 tháng trước
Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng thông tin năm 2023 cùng với tăng cường thanh tra các nội dung quản lý của ngành, đơn vị giải quyết triệt để những khiếu nại, phản ánh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là đơn thư về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, tranh chấp nhãn hiệu.
VP Đà Nẵng 4 tháng trước
Để khai mở “kho vàng” dược liệu phong phú về nguyên liệu, đa dạng về những bài thuốc từ dân gian đến cung đình, Thừa Thiên Huế cần những “cú hích” trong đầu tư nghiên cứu, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tìm và phát triển những mô hình, sản phẩm dược liệu thế mạnh của địa phương.