Triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm măng ớt Lạng Sơn
Măng ớt Lạng Sơn từ lâu đã trở thành món đặc sản đi vào nếp sống của nười dân nơi đây. Khi đến với Lạng Sơn, ở bất cứ quán ăn nào cũng sẽ có những lọ măng ớt để sẵn để phục vụ thực khách. Đây là một món ăn kèm không bao giờ thiếu trên mâm cơm của người dân.
Từ hương vị, màu sắc đến mùi thơm của măng ớt Lạng Sơn đều đốn tim bất cứ ai có cơ hội thưởng thức, hương thơm đặc trưng của măng hòa quyện với mắc mật, tỏi, ớt khiến món ăn quyến rũ vô cùng. Khi ăn người ta sẽ thấy măng giòn và rất thơm. Có niều loại măng có thể làm măng ớt nhưng ngon nhất vẫn là măng tre. Vào khoảng tháng 7 -9 hàng năm, khi mưa xuất hiện nhiều tại các triền núi thì măng mọc khá nhiều, đây là lúc người dân xứ Lạng đi lấy măng về để sử dụng, do nhu cầu sử dụng quanh năm nên người ta thường làm măng khô, măng muối chua, măng ngâm muối để bảo quản măng được lâu.
Cách làm món măng ớt là sau khi măng tre được lấy rồi bóc vỏ, thái miếng vừa ăn ngâm 1 ngày 1 đêm với nước để hết hăng rồi vớt ra để ráo nước rồi ủ với muối. Ớt rửa sạch, đem xay nhuyễn ủ với muối. Đặc biệt, nguyên liệu làm măng ớt đặc trưng của Lạng Sơn không thể thiếu quả mác mật tươi được thu hoạch vào tháng 7 hằng năm. Mác mật được để nguyên quả, rửa sạch để ráo nước và ướp muối. Mỗi nguyên liệu được ủ riêng biệt, cho đến khi có khách mua mới đem ra trộn đều lại với nhau. Măng ớt khi được ngâm trong nước muối trắng và ớt tươi lâu ngày sẽ có màu trắng hồng trông rất hấp dẫn.
Măng ớt được sản xuất rải rác tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Chi Lăng. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 50 hộ tham gia sản xuất và kinh doanh măng ớt với sản lượng sản xuất và tiêu thụ hằng năm khoảng 800 tấn măng, trong đó 30 cơ sở đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, 1 cơ sở sản xuất đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm măng ớt Lạng Sơn hiện được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… với giá bán từ 40 đến 70 nghìn đồng/lọ 1kg. Sản xuất và kinh doanh măng ớt đã góp phần mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu như: ớt huyện Chi Lăng, mác mật huyện Bình Gia, măng tre huyện Hữu Lũng…
Để gia tăng giá trị cho sản phẩm măng ớt Lạng Sơn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đưa việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Măng ớt Lạng Sơn” vào chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và phát triển thương hiệu AMC Việt Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) triển khai thực hiện từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2025).
Được biết, hiện nay, toàn tỉnh đã có 42 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ với 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận, 33 nhãn hiệu tập thể. Thông qua việc bảo hộ sở hữu trí tuệ nhiều sản phẩm đã và đang phát huy thế mạnh, tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn gốc nâng cao chất lượng, từng bước gắn sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Hà Anh
TIN LIÊN QUAN
-
Ninh Bình: Thu phạt 3,8 tỷ đồng đợt cao điểm chống gian lận thương mại dịp Tết
-
Quảng Trị: Xử phạt 45 triệu đồng đối với cá nhân buôn bán hàng hóa giả nhãn hiệu
-
Thái Nguyên: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa dip Tết Nguyên đán
-
Hải Dương: Thu giữ số lượng lớn xương, mỡ lợn, chân gà không rõ nguồn gốc